Ngày 12/4, Liên hợp quốc (LHQ) đã bắt đầu thực hiện các cuộc chất vấn ứng cử viên Tổng Thư ký (TTK) của tổ chức này và được truyền hình trực tiếp trước công chúng. Sau 70 năm phát triển, LHQ lần đầu tiên công khai quá trình bầu chọn vị trí TTK mới, tạo điều kiện cho các quốc gia thuộc tổ chức này có cơ hội chất vấn những ứng cử viên về các vấn đề, như chuyện giải quyết nạn lạm dụng tình dục bởi các thành viên giữ gìn hòa bình LHQ, làm thế nào để chống lại áp lực từ các cường quốc lớn cũng như cần phải làm gì để cải thiện nỗ lực đạt được hòa bình. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các phóng viên trực tiếp theo dõi các cuộc chất vấn tại phòng họp của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, những cải cách trong cuộc bầu chọn TTK LHQ lần này chỉ mang tính hình thức, "bình mới rượu cũ", về cơ bản không có gì khác so với 8 cuộc bầu chọn trước đó.
Lâu nay, 193 nước thành viên của LHQ vẫn phàn nàn rằng quy trình lựa chọn TTK còn mờ mịt hơn cả bầu giáo hoàng khi mà các cuộc bầu chọn diễn ra trong các phòng họp kín của Hội đồng Bảo an (HĐBA), sau đó đó cơ quan siêu quyền lực này sẽ đề cử một ứng cử viên duy nhất để đưa ra ĐHĐ phê chuẩn. Cuộc bầu chọn năm nay về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Chủ tịch ĐHĐ LHQ Morgens Lykketodft đã tuyên bố rằng lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, quy trình chọn lựa và bổ nhiệm vị TTK kế tiếp sẽ được tiến hành theo nguyên tắc minh bạch, không loại trừ, song quyền quyết định vẫn thuộc về HĐBA. Do đó, một số phóng viên cho rằng phát biểu của ông Lykketodft thể hiện một sự ảo tưởng về minh bạch và dân chủ.
Theo truyền thống, vị trí TTK LHQ được xoay vòng giữa các khu vực. Để thuận tiện cho việc tiến hành các cuộc bầu cử cho các thể chế của LHQ, tổ chức này được chia ra thành 5 nhóm- nhóm Tây Âu và các nhóm khác (WEOG), nhóm châu Á, nhóm Mỹ Latinh và Caribe, nhóm châu Phi và nhóm Đông Âu. Chức vụ TTK đã được luân phiên như sau: Nhóm (WEOG) có 3 TTK là ông Trygvie Lie (người Norway), ông Dag Hammarskjold (người Thụy Điển), ông Kurt Waldheim (người Áo). Nhóm châu Á có 2 TTK là ông U Thant (người Myanma), ông Ban Ki-moon (người Hàn Quốc). Nhóm Mỹ Latinh và Caribe có 1 TTK là ông Javier Perez de Cuellar (người Peru). Nhóm châu Phi có 2 TTK là ông Boutros Boutros-Ghali (Ai Cập) và ông Kofi Annan (người Ghana). Hiện Nga và các nước Đông Âu phàn nàn rằng LHQ chưa có TTK đến từ nhóm Đông Âu. Do đó, trong 9 ứng cử viên chính thức, có tới 6 người đều đến từ các nước Đông Âu.
Hiện cuộc đua chức TTK LHQ có 9 ứng cử viên chính thức, gồm ông Igor Luksic- cựu Thủ tướng Montenegro; bà Irina Bokova- cựu Ngoại trưởng Bulgaria và hiện là người đứng đầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO); ông Danilo Turk- cựu Tổng thống Slovenia; bà Vesna Pusic- cựu Ngoại trưởng Croatia; bà Natalia Gherman- cựu Phó Thủ tướng Moldova; Srgian Kerim nước cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ; ông Vuk Jeremic- cựu Ngoại trưởng Serbia; bà Helen Clark- cựu Thủ tướng New Zealand và hiện là Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP); và ông Anotnio Guterres- cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và từng là người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Theo quan sát của phóng viên, các cuộc điều trần công khai tuy được tuyên truyền như một cải cách có tính đột phá, song có lẽ do nhận thức rằng đây vẫn chỉ mang tính hình thức nên đại diện các quốc gia cũng không hào hứng đặt các câu hỏi chất vấn với ứng cử viên. Trên thực tế, ứng cử viên nào được chọn phụ thuộc vào sự dàn xếp giữa Mỹ và Nga- hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất tại HĐBA. Thường thì tới giai đoạn quyết định Mỹ mới bày tỏ chính kiến là ủng hộ ai. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán Mỹ đang thiên về một ứng cử viên nữ. Trong một lá thư gửi đến đại diện các quốc gia thành viên của LHQ hồi tháng 12.2015, đại sứ Mỹ Samantha Power và Chủ tịch ĐHĐ Mogens Lykketoft kêu gọi các quốc gia thành viên “đảm bảo sự bình đẳng cho phụ nữ trong việc tiếp cận các chức vụ cao trong tổ chức”. Đồng thời, bà Power và ông Lykketoft cũng đề nghị HĐBA giới thiệu cả các nhà ngoại giao nữ trở thành ứng cử viên. Mới đây 7 nữ thượng nghị sĩ Mỹ đang hối thúc Tổng thống Obama gây ảnh hưởng để LHQ bầu nữ TTK vào cuối năm nay. Dư luận đang đồn đoán rằng bà Kristalina Georgieva- Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) người Bulgaria tuy chưa phải là ứng cử viên chính thức và không tham dự các cuộc điều trần trong tuần này, song là nhân vật mà Mỹ muốn bầu chọn vào chiếc ghế TTK.
Tuy nhiên, Nga thường phản đối bất kỳ nhà ngoại giao nào đến từ EU. Theo logic này thì Nga sẽ phản đối gần như tất cả các ứng cử viên Đông Âu. Ứng cử viên được cho là lọt vào mắt xanh của Nga là bà Bokova, 63 tuổi, từng có thời gian học tập tại Moscow và là thành viên đảng Cộng sản Bulgaria cho đến năm 1990 sau khi đảng này đổi tên thành đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria.
Trong bối cảnh quan hệ Nga- Mỹ đang căng thẳng, cuộc bình chọn TTK sắp tới được sự đoán là sẽ khá căng thẳng và khó có thể ra quyết định sớm. Nếu như HĐBA không thể đề cử được ứng cử viên nào, nhiệm kỳ TTK của ông Ban Ki-moon sẽ được kéo dài thêm 2 năm nữa.