Bất chấp nguy cơ bạo lực và bất ổn có thể leo thang trong khu vực và cả những chỉ trích từ cả trong nước lẫn cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang xúc tiến đẩy nhanh kế hoạch sáp nhập và áp đặt chủ quyền tới vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho sẽ bằng mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông còn đang nắm quyền, bởi kế hoạch sáp nhập này cũng là một nội dung quan trọng trong bản kế hoạch hòa bình mang tên "Thỏa thuận thế kỷ" do Washington khởi xướng. Với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, việc Mỹ "bật đèn xanh" được xem như "cơ hội lịch sử" để hoàn thành kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích chiếm đóng ở Bờ Tây, cụ thể là các khu định cư Do Thái và Thung lũng Jorrdan, mà ông coi là ưu tiên tranh cử.
Với cách tiếp cận của chính phủ mới ở Israel trong vấn đề này và lộ trình sáp nhập tới nay hầu như không có gì thay đổi, quan hệ giữa Israel và Palestine được dự báo sẽ đặc biệt căng thẳng, thậm chí có nguy cơ đẩy cả khu vực vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng mới, khiến tiến trình hòa bình Trung Đông càng lâm vào ngõ cụt. Kế hoạch của Israel sẽ triệt tiêu giải pháp hai nhà nước vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ, phá hỏng các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình và gây bất ổn an ninh ở khu vực.
Đáp trả kế hoạch của Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây chiếm đóng, bên cạnh việc kịch liệt lên án, Chính quyền Palestine (PA) đã có một loạt phản ứng cứng rắn, từ tuyên bố không tiếp tục tuân thủ Hiệp ước hòa bình Oslo với Israel, chấm dứt mọi thỏa thuận sơ bộ cũng như chính thức với chính quyền Israel và Mỹ, tới cảnh báo sẽ ngừng công nhận Israel.
Chính quyền Palestine ngày 9/6 cũng khẳng định sẽ tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine với các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1967 nếu Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây. Palestine cũng nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế ngăn chặn Israel sáp nhập Bờ Tây, và mới nhất là đưa ra đề xuất được coi như "đối trọng" với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một "Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự" với "những thay đổi nhỏ về đường biên giới". Từ đề xuất này có thể tiến tới một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước trong tương lai trên cơ sở cả hai bên cùng đồng thuận.
Tuy nhiên, đề xuất mới của phía Palestine được cho thiếu “sức nặng” cần thiết, dù rằng nó đã phần nào cho thấy sự chủ động “vào cuộc” của Palestine, cũng như thiện chí giải quyết những vấn đề còn tồn tại với phía Israel thông qua thương lượng. Hiện cả thế và lực của Palestine đều yếu và khó có khả năng tạo ra đối trọng thực sự với Israel hay Mỹ. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng giới lãnh đạo Palestine chỉ đưa ra những giải pháp tình thế để đối phó với Israel chứ chưa có được một kế hoạch tổng thể và toàn diện hay một chiến lược rõ ràng để ngăn chặn hành động Israel.
Nếu muốn thay đổi tình thế hiện nay, Palestine không thể “đơn thương, độc mã” trong vấn đề này. Giới chuyên gia nhận định Palestine thực sự cần một nhà trung gian đáng tin cậy để dàn xếp các cuộc đàm phán với phía Israel. Sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra "Thỏa thuận thế kỷ" với nhiều điều khoản có lợi cho Israel, Palestine không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc xung đột Trung Đông.
Liên minh châu Âu (EU) cũng khó đảm đương vai trò này, và có vẻ như Nga - một thành viên trong nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông - đang nổi lên như là một “ứng cử viên” sáng giá. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từng gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mong muốn Moskva đứng ra làm trung gian hòa giải. Moskva cũng tỏ ra sẵn sàng. Moskva đang được coi là một địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông khi cả Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều coi trọng Nga.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết, bởi cho tới nay Israel tỏ ra đang hành xử theo kiểu “kẻ mạnh” và muốn áp đặt cuộc chơi, trong khi phía Palestine không thể nhân nhượng thêm nữa. Với những nỗ lực ngoại giao, Palestine hy vọng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng vào cuối tháng này để bàn thảo về kế hoạch sáp nhập của Israel. Song khả năng cơ quan này thông qua một nghị quyết phản đối rất khó xảy ra khi Washington dường như chắc chắn sẽ phủ quyết.
Lúc này, Palestine chỉ có thể trông cậy vào sự ủng hộ của các nước Arab và cộng đồng quốc tế. Nhưng, khi cả thế giới đang “gồng mình” chống chọi với đại dịch COVID-19, các nước ủng hộ truyền thống của Palestine và cả EU, đều đang bận tâm và tập trung mọi nguồn lực để lo khắc phục những hậu quả do COVID-19 gây ra. Thực tế này cũng chính là bất lợi đối với Palestine khi gần như phải đơn độc đối phó với những động thái sắp tới của Israel.
Nếu như Israel vẫn xúc tiến kế hoạch sáp nhập, khả năng bạo lực leo thang ở khu vực Trung Đông hầu như khó tránh khỏi. Hiện PA đã tuyên bố chấm dứt mọi cam kết hợp tác an ninh với Israel để phản đối kế hoạch sáp nhập. Nhiều nhóm vũ trang Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, đứng đầu là phong trào Hồi giáo Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihad, đều đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẵn sàng “làm tất cả” để ngăn chặn kế hoạch của Israel.
Một số nguồn tin từ khu vực cho rằng nhiều nhóm vũ trang ở Liban, Syria, Iraq… cũng bày tỏ ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và sát cánh cùng các lực lượng Palestine chống lại Israel. Thủ lĩnh tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố rằng Tehran sẽ "hỗ trợ và giúp đỡ bất kỳ quốc gia, bất kỳ tổ chức nào ở bất cứ đâu" chống lại Israel.
Những cuộc biểu tình diễn ra ở Israel phản đối kế hoạch sáp nhập cũng cho thấy mối lo ngại của chính người dân nước này. Hành động của Chính phủ Israel sẽ kích động làn sóng bài Do Thái trong khu vực, làm gia tăng thêm sự ác cảm vốn đã ăn sâu trong tâm trí của nhiều người Arab Hồi giáo.
Tham vọng sáp nhập Bờ Tây mà Chính phủ Israel đang theo đuổi tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khôn lường, với những hậu quả nặng nề cho cả hai bên cũng như toàn khu vực. Việc Tòa án Tối cao Israel ngày 9/6 hủy bỏ luật về định cư cho phép Israel chiếm hữu đất đai của người Palestine ở vùng Bờ Tây, trong khi lãnh đạo đảng Xanh-Trắng, đối tác trong liên minh cầm quyền mới của ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz, cho rằng luật trên "vi hiến và có vấn đề", có thể là những yếu tố tạm thời "cản đường" Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, về lâu dài, cộng đồng quốc tế sẽ phải "tăng tốc" những nỗ lực và tìm ra giải pháp cụ thể để ngăn "quả bom hẹn giờ" này phát nổ.