27 ngày Chính phủ Mỹ đóng cửa, một kỷ lục trong lịch sử “xứ cờ hoa”, và vẫn chưa dừng lại ở đó khi không bên nào tỏ ra nhượng bộ. Bế tắc chính trị xung quanh dự án xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico đang khiến chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc, cuộc sống người dân bị đảo lộn và nền kinh tế được dự báo sẽ gánh hậu quả nặng nề.
Tranh cãi xây bức tường biên giới
Sau khi Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật ngân sách liên bang trong ngắn hạn cho chính phủ trước hạn chót nửa đêm 21/12, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đóng cửa một phần kể từ 0 giờ 1 phút ngày 22/12 (12h01 phút ngày 23/12 theo giờ Việt Nam).
Đến ngày 12/1 vừa qua, thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa đã vượt qua kỷ lục dài nhất trước đó là 21 ngày vào cuối năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Việc đóng cửa chính phủ không còn là xa lạ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi quốc hội bất đồng về chi tiêu ngân sách, hay như lần này là sự đối đầu giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ tại Hạ viện.
Trung tâm của bế tắc lần này nằm ở dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Từ khi tranh cử Tổng thống vào năm 2015, với khẩu hiệu "Make America Great Again" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), ông Trump đã cam kết "xây một bức tường siêu vĩ đại ở biên giới phía nam" để ngăn chặn "những kẻ khủng bố, hiếp dâm và buôn bán ma túy từ Mexico cũng như nhiều nơi khác". Ngay sau khi vào Nhà Trắng, tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh lên kế hoạch, thiết kế và xây dựng một bức tường công nghệ cao dọc theo biên giới phía nam, đồng thời nhắc lại cam kết sẽ buộc Mexico phải trả chi phí xây dựng bằng cách tăng thuế nhập khẩu hoặc phí quá cảnh.
Ý tưởng buộc Mexico phải chi tiền xây tường tất nhiên đã phá sản từ lâu, dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng việc thu nhập của người Mỹ tăng lên nhờ Hiệp định Thương mại mới ký lại với Canada và Mexico đồng nghĩa với việc Mexico ít nhất đã "trả tiền gián tiếp cho bức tường". Nhưng lập luận kiểu này rõ ràng không thể thuyết phục các nhà lập pháp phe Dân chủ, những người cho rằng bức tường hàng tỉ USD là quá tốn kém và không hiệu quả. Phe Dân chủ cũng coi bức tường biên giới vừa là trở ngại vật lý "rào kín" nước Mỹ, vừa là hành động "phi đạo đức" không thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện đã không chấp nhận thông qua dự luật chi tiêu ngân sách bao gồm điều khoản cấp khoảng 5,7 tỉ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, trong khi Tổng thống Trump cũng kiên quyết tuyên bố không ký phê chuẩn luật nếu không có điều khoản đó.
Ngày 9/1, chưa đầy một ngày sau khi lên sóng truyền hình trực tiếp thuyết phục người dân Mỹ về việc cần thiết phải xây bức tường biên giới để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, Tổng thống Trump đã có buổi làm việc với đại diện phe Dân chủ để tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc chính trị đang làm tê liệt một phần nước Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những hệ lụy của việc chính phủ đóng cửa đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hàng triệu người Mỹ và nền kinh tế Mỹ, cả hai bên không hề có dấu hiệu chịu xuống thang. Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố sẽ "không bao giờ lùi bước" dù phải để chính phủ đóng cửa nhiều tháng, thậm chí cả năm.
Và những hệ lụy
Mới chỉ 27 ngày chính phủ bị đóng cửa một phần, nước Mỹ đã chứng kiến những hậu quả nhãn tiền: rác chất đống trong các công viên quốc gia; các bảo tàng, tượng đài nổi tiếng đóng cửa, hoạt động an ninh tại các sân bay bị đình trệ do nhiều nhân viên của Cơ quan An ninh Vận tải (TSA) đồng loạt nghỉ làm từ khi họ không nhận được lương.
Trong thời gian chính phủ đóng cửa, khoảng 800.000 viên chức liên bang tạm mất việc hoặc đi làm mà tạm thời không được trả lương. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tạm ngừng một số chức năng then chốt như giám sát các cơ sở, thu hồi thực phẩm và đánh giá các loại dược phẩm mới. Nông dân Mỹ vốn đã điêu đứng vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nay lại chịu thêm ảnh hưởng từ việc chính phủ đóng cửa. Hỗ trợ khẩn cấp liên bang để đền bù cho giá đậu tương sụt giảm mạnh đã bị đình lại, trong khi các dữ liệu nông nghiệp quan trọng cuối năm không được công bố, ảnh hưởng tới việc lên kế hoạch. Hoạt động nghiên cứu tại các cơ quan liên bang lớn như Cơ quan Khí quyển và Hải dương học quốc gia, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và Cơ quan Khí tượng quốc gia đều bị tạm ngừng.
Những hệ lụy của lần đóng cửa chính phủ này nghiêm trọng hơn nhiều những lần trước đó và những người cảm nhận rõ nhất không chỉ là những người làm việc trong hệ thống công quyền, mà còn là những người nghèo đang nhận trợ cấp xã hội. Nếu Chính phủ Mỹ không mở cửa lại vào tháng 2 thì hàng triệu người Mỹ hiện sống nhờ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng sẽ tạm thời không nhận được trợ giúp vì Bộ Nông nghiệp – cơ quan chủ trì chương trình này là một trong các cơ quan không được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ đóng cửa trong 1 tuần, vì thế đợt đóng cửa hiện nay đang khiến nước Mỹ mất khoảng 20 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với số tiền tranh cãi xây bức tường biên giới.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống Trump, việc xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico luôn là cam kết cốt lõi mà ông đã nhiều lần nhấn mạnh với các cử tri, nó liên quan đến lợi ích thiết thực của các cử tri da trắng trung thành với ông và không dễ dàng thỏa hiệp. Đối với đảng Dân chủ, vấn đề xây dựng bức tường đi ngược lại tinh thần cởi mở và bao dung của nước Mỹ, gắn chặt với lập trường mà những người ủng hộ đảng này đang theo đuổi.
Vì thế, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa do bế tắc quanh số phận của bức tường biên giới dường như đã dựng nên một "bức tường" cao khác của sự chia rẽ và đọ sức gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhất là khi nó còn liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.