Người dân theo dõi qua truyền hình hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 9/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Donald Trump vừa chính thức xác nhận hai chính phủ (Mỹ và Triều Tiên) đang thảo luận trực tiếp "ở cấp cực cao", đồng thời thừa nhận có những bước tiến đặc biệt trong việc thiết lập một số kênh liên lạc thường xuyên nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua.
Ông Trump cũng cho biết đang xem xét 5 địa điểm có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh. Cho dù Nhà Trắng ngay sau đó thông báo Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa nói chuyện trực tiếp với nhau, nhưng các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa hai nước đã được tiến hành. Việc người phát ngôn Nhà Trắng đưa ra thông báo trên cho thấy Washington đang rất thận trọng trong từng phát biểu về Bình Nhưỡng.
Tuyên bố trên của Nhà Trắng diễn ra gần như đồng thời với thông tin trên báo Washington Post cho hay Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là Ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo đã tiến hành chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên vào dịp Lễ Phục sinh vừa qua và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Có vẻ như Tổng thống Mỹ đang khẩn trương thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Vấn đề Triều Tiên luôn là bài toán không hề đơn giản với nước Mỹ và ngay cả những nhà quan sát dù lạc quan nhất cũng phải thận trọng trước khả năng đạt được một kết quả cụ thể nào đó trong cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều. Tuy nhiên, việc đồng ý đối thoại thượng đỉnh với Triều Tiên đã là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước.
Trong lịch sử, Bình Nhưỡng và Washington từng nhiều lần nỗ lực đối thoại, song đều không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tính đến nay, vẫn chưa có vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào từng gặp, hoặc đơn giản là gọi điện, cho một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Mới chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã làm điều này.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành vào năm 1994 sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đang xử lý plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau này vào năm 2009, ông Bill Clinton đã tới Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong chuyến đi nhằm mục đích đảm bảo việc trả tự do cho 2 nhà báo Mỹ.
Thực tế trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã ngỏ ý sẵn sàng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thuyết phục Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân. Ông Trump cũng tuyên bố rằng ông là người sẵn sàng mạo hiểm làm những điều mà hai người tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama "không dám làm".
Tuy nhiên, trong năm đầu nhậm chức của ông Trump, Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa với tầm phóng xa hơn, có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ, cũng như thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. 2017 cũng là năm chứng kiến cuộc “khẩu chiến” giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi ông Trump dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” và “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng cảnh báo đang lên kế hoạch tấn công đảo Guam - nơi Mỹ triển khai căn cứ không quân trọng yếu. Bởi vậy, việc hai bên nắm bắt cơ hội tạo ra từ những chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua, là động thái đáng khích lệ.
Tuy nhiên, đây chỉ được coi là những bước tiến ban đầu, còn thành công của cuộc gặp thì vẫn khó đoán định. Việc Mỹ tuyên bố không bao giờ từ bỏ quyết tâm buộc Bình Nhưỡng xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân sẽ là trở ngại lớn nhất của ông Trump. Bản thân ông Pompeo dù tỏ ra lạc quan rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới sẽ có thành quả nào đó, song cũng nhấn mạnh rằng cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều không nên ảo tưởng sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cho tới nay, chiến lược của Mỹ đối với Triều Tiên là luôn tránh lựa chọn khó khăn, hoặc phải can thiệp quân sự hoặc phải chấp nhận một sự tương quan về răn đe hạt nhân với Bình Nhưỡng. Nếu như phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn là mục tiêu chính thức, thì ông Trump đã vạch ranh giới đỏ mới trước khả năng Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ với một tên lửa đạn đạo. Vì vậy, chính quyền Mỹ đang mở rộng các lựa chọn: đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn (sau khi đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt), tăng sức ép với Trung Quốc, công khai đe dọa sử dụng sức mạnh nhưng cũng đặt ra khả năng đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump cần phải hết sức nghiêm túc và toàn tâm toàn ý cho sự kiện sắp tới, nhất là Tổng thống phải xem đó là ưu tiên hàng đầu, nếu Nhà Trắng muốn có những kỳ vọng.
Tuy nhiên, việc hình dung hay dự đoán về những kết quả đạt được cũng là một việc không hề đơn giản bởi các chuyên gia này cho rằng gần như tất cả đều không tin nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi vẫn chưa rõ Tổng thống Trump có thể đưa gì lên bàn đàm phán để thuyết phục Bình Nhưỡng. Hơn thế nữa, việc cho tới nay các chi tiết cụ thể về thời gian, địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ vẫn chưa rõ ràng, cũng khiến triển vọng của cuộc gặp khó dự đoán.
Trong khi đó, chuyên gia Robert Kelly, giảng viên tại Đại học Quốc gia Pusan, cho rằng Tổng thống Mỹ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc đàm phán rủi ro như thế này bởi ông Trump có hiểu biết rất hạn chế về chính giới Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng đã chuẩn bị cho cuộc gặp này từ rất lâu. Phó giám đốc phụ trách vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, Michael J.Green thì nhận định việc ông Trump chưa "tinh thông" những thực tế trên bán đảo Triều Tiên khiến người ta lo ngại về tương lai của một cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Trong số rất nhiều yêu cầu mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đưa ra để đổi lấy một cuộc thảo luận về việc phi hạt nhân hóa, những vấn đề nan giải nhất sẽ là Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc và ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Thông thường, những vấn đề nan giải như vậy thường phải được các nhà ngoại giao ở cấp thấp hơn giải quyết trước khi các hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Tuy nhiên, thời gian từ nay tới cuộc gặp chỉ còn vài tuần nữa và chính quyền Tổng thống Trump còn quá nhiều việc phải làm.
Cũng có ý kiến đề xuất Mỹ nên hoãn cuộc gặp này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Leon Panetta cho rằng việc hoãn cuộc gặp thượng đỉnh này là một cách để ngăn ngừa "thảm họa" có thể xảy ra vào tháng 5 tới bởi tình trạng thiếu thời gian và việc tái cơ cấu các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ thời gian qua khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử khó có thể được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Có thể thấy, sau những gì diễn ra trong năm ngoái thì mức độ nghi ngờ lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên hiện vẫn còn rất nặng nề và hiện tại cả hai bên đều chưa thể làm cho đối phương thật sự tin tưởng vào thiện chí và sự thành tâm của mình. Tuy vậy, những bước chuẩn bị thận trọng cho cuộc gặp lịch sử sắp tới cho thấy dường như hai bên đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này, ít ra là để có thể tạo "bước ngoặt" đầu tiên trong quan hệ vốn không hề phẳng lặng giữa Mỹ và Triều Tiên.