Đó là một bức tranh đẹp, nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ chưa có chiến lược, lộ trình chi tiết để đi tới đích này.
Hiện chưa có một loại vaccine ngừa COVID-19 nào được cấp chứng nhận sử dụng rộng rãi, nhưng chính phủ nhiều nước đã đặt cọc mua hàng trăm triệu liều vaccine của một số mẫu ứng viên tiềm năng còn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Những nước đặt mua trước này cũng lại là các quốc gia có năng lực nghiên cứu, sản xuất quy mô lớn, đủ sức để đáp ứng nhu cầu tiêm ngừa toàn dân. Giới chuyên gia lo ngại, ngay trước thời điểm vaccine được bật tín hiệu đèn xanh cho phép sử dụng đại trà, các nước đang phát triển sẽ đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn kéo dài trong tiếp cận nguồn cung.
“Lúc đầu tôi cho rằng đó chỉ là quan ngại. Nhưng giờ đã thành thực tế. Điều trớ trêu nằm ở chỗ các nước thu nhập cao lại là những nước đầu tiên có được các lô vaccine một khi chúng được cấp phép thương mại. Các nước giàu sẽ đủ sức tiêm chủng cho người dân trong nước, trong khi các nước thu nhập trung bình, thấp – nhiều nước chịu tác động nặng nề từ đại dịch, sẽ phải vật lộn với việc tiếp cận nguồn cung”, Tiến sĩ Manuel Martin, cố vấn chính sách tại Hiệp hội Bác sĩ Không biên giới (MSF) chia sẻ.
Mối lo ngại về các nước nghèo không hề bị phóng đại nếu nhìn vào những thỏa thuận mới được ký kết gần đây. Hồi tháng 6, Liên minh Vaccine toàn châu Âu (IVA) – một sáng kiến của Pháp, Đức, Italy và Hà Lan, đã đặt mua 400 triệu liều vaccine do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển. Anh cũng đặt mua 4 mẫu vaccine với tổng số 250 triệu liều, còn Mỹ đặt mua 100 triệu liệu với giá 1,95 tỉ USD, kèm điều khoản lựa chọn được mua tiếp 500 triệu liều.
Các nước châu Âu, Bắc Mỹ cũng đầu tư lớn cho nghiên cứu vaccine, giúp số này luôn được xếp hàng đầu tiên trong tiếp cận nguồn cung sau khi hoàn tất quy trình cấp phép. Sẽ chẳng có điều gì ngăn cản các nước, nhất là những nước giàu, tìm cách bảo đảm nguồn cung vaccine. Điểm còn lại chỉ trông đợi vào quy chuẩn đạo đức về không cố tình gây ra tình cảnh khan hiếm mặt hàng vaccine này, đẩy các nước nghèo vào thế khó.
Hãy làm một phép tính đơn giản: Nếu muốn tiêm chủng cho toàn bộ dân số của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với hai liều mỗi người, sẽ phải cần đến 1,7 tỉ liều vaccine. Nếu như đây là toàn bộ vaccine có thể được sản xuất ở mức tối đa, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho các nước đang phát triển.
Để giải quyết lo ngại này, đã có nhiều chương trình, sáng kiến mới ra đời nhằm giúp các nước nghèo có khả năng tiếp cận vaccine, nổi bật là Sáng kiến Chia sẻ Vaccine Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Sẵn sàng Đối phó Đại dịch (Cepi) và Liên minh Vaccine Toàn cầu (Gavi) đồng bảo trợ.
Covax đề ra mục tiêu cho ra lò 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, chủ yếu cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi COVID-19 tại 165 quốc gia có tham gia vào sáng kiến này. Trong số này có 75 nước giàu, có đóng góp tài chính tự chủ và có thể san sẻ gánh cho các nước nghèo, những nước đóng góp tự nguyện theo khả năng.
Vấn đề đặt ra là liệu Gavi, một chương trình phân phối vaccine ở nước nghèo, có phải là một tổ chức phù hợp để lãnh đạo một chương trình có quy mô toàn cầu mà sẽ liên quan đến các vòng đàm phán với các nước thu nhập trung bình, thu nhập cao. Một khó khăn khác nằm ở việc các nước nghèo có đủ tiền để mua vaccine hay không. Ngay cả tham gia vào Covax, các thành viên cũng phải có nguồn tài chính để có cam kết hợp đồng với các nhà cung ứng.
Cuối cùng, Covax là sáng kiến lớn, nhưng lại không có sự tham gia của ba quốc gia quan trọng nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Tại EU, Ủy ban châu Âu thậm chí còn khuyến cáo các nước thành viên không nên mua vaccine ngừa COVID-19 qua Covax.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây