Trong bối cảnh chính trị toàn cầu đầy biến động, sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Dù chưa chính thức nhậm chức, không thể phủ nhận rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới, cả trực tiếp và gián tiếp.
Chẳng hạn, chỉ sử dụng đòn bẩy là mạng xã hội, chuyến thăm Nhà thờ Đức Bà ở Pháp và danh tiếng về sự khó lường, đây là cách mà “Nhân vật của năm” vừa được tạp chí The Time bình chọn đã khẳng định lại vị thế của mình trên trường thế giới, trước khi trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ 2.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu đang nỗ lực tìm hiểu và "đoán già đoán non về 'những điều đã biết' và 'những điều chưa biết' đối với vị tổng thống Mỹ thứ 45 và thứ 47 để đưa mình vào vị trí tốt nhất có thể" cho năm tới.
Với NATO, ông Trump từ lâu đã chỉ trích các cường quốc châu Âu vì không chịu trách nhiệm về quốc phòng. Ông phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 2 năm nay rằng mình sẽ khuyến khích Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với các quốc gia không đóng góp đủ 2% GDP của họ cho quốc phòng. Ông Trump đã quay lại chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC mới đây cùng tuyên bố rằng: “Nếu họ trả các hóa đơn của mình và nếu họ đối xử công bằng với chúng ta, thì câu trả lời chắc chắn là Mỹ sẽ ở lại với NATO".
"Tiếng súng" đe doạ này đã lan truyền vang dội khắp Đại Tây Dương. Mặc dù việc thành lập quân đội EU, được Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden ủng hộ vào tháng 11 vừa qua, khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng "lục địa già" này chắc chắn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Tuần trước, có thông tin cho biết các nước châu Âu đang thảo luận về một quỹ quốc phòng trị giá 500 tỷ euro, được tài trợ thông qua việc vay chung và mở cửa cho các quốc gia ngoài EU như Na Uy và Vương quốc Anh.
Tuần trước, các thành viên NATO đã thảo luận về việc tăng mục tiêu chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 3% GDP. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã dành hai tháng kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 10/2024 để đi thăm các nước châu Âu và gặp Tổng thống đắc cử Mỹ ở Florida. Tiếp đó, ông Rutte nói với các chuyên gia an ninh tại Brussels hôm 12/12 rằng đã đến lúc châu Âu "chuyển sang tư duy thời chiến".
“Tất cả các quốc gia vùng Baltic đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Trump. Một số người nói rằng chính quyền Trump đầu tiên thực sự khá tốt cho các quốc gia vùng Baltic (vì các quốc gia châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng) – và rằng bây giờ sẽ có sự thúc đẩy thậm chí còn lớn hơn. Nhưng có quá nhiều điều không chắc chắn. Xu hướng dài hạn là Mỹ ít cam kết hơn với châu Âu – và châu Âu không làm đủ để chuẩn bị cho điều đó. Các quốc gia nhỏ đang ở trong tình thế dễ bị tổn thương”, Tiến sĩ Kristi Raik, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Estonia – quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trong NATO theo tỷ lệ GDP, sau Ba Lan, nói.
Với Ukraine, cũng có rất nhiều sự không chắc chắn về cách tiếp cận của chính quyền Trump 2.0. Ông Trump từng tuyên bố sẽ giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nắm quyền. Điều đó đang được hiểu rộng rãi là khuynh hướng buộc Kiev phải nhượng bộ đáng kể để đổi lấy hòa bình. Lập trường của ông Trump đã góp phần khiến chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Kiev.
Ngay lập tức, Tổng thống đắc cử Trump đổ lỗi cho chính sách Ukraine "sai lầm" của chính quyền Biden đã “khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn", đồng thời cho biết ông không đồng ý với quyết định cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp.
Lập trường trên của ông Trump cũng dẫn đến lời kêu gọi của Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), người có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 2 tới, về một "nhóm liên lạc" châu Âu. Được công bố với sự ủng hộ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhóm này sẽ bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ba Lan và Đan Mạch. Nếu cần thiết, nhóm sẽ bỏ qua Mỹ và xây dựng một kế hoạch chung của châu Âu cho hòa bình ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn dài 5.000 từ với tạp chí The Time, Tổng thống đắc cử Mỹ đã nói rõ rằng ông sẽ không từ bỏ Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào (mặc dù ông được cho là muốn quân đội châu Âu, không phải quân đội Mỹ, sẽ cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình).
Về Trung Đông, những người chỉ trích chính quyền Biden chỉ ra một giai đoạn suy giảm ảnh hưởng kéo dài của Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở Syria đã ảnh hưởng đáng kể đến các đồng minh của nước này. Mặc dù Tổng thống đắc cử Trump không thể nhận công lao cho những diễn biến này nhưng rõ ràng ông cũng đã có tác động đáng kể đến các sự kiện.
Tiến sĩ Sanam Vakil nhận xét: “Israel đang tận dụng giai đoạn 'tổng thống vịt què ở Mỹ' để thúc đẩy các mục tiêu của mình”. Họ đang cố gắng tạo ra vùng đệm ngoài Cao nguyên Golan và xem xét rộng hơn đến việc làm suy yếu 'Trục kháng chiến" trước khi ông Trump trở lại nắm quyền. Iran cũng đang tìm cách khai thác khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng. Nước này đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức nhằm tìm kiếm một bước đột phá trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Về thuế quan, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế ít nhất 25% đối với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada, Mexico và Trung Quốc. Mặc dù nhiều nhà kinh tế học bày tỏ sự nghi ngờ về giá trị kinh tế và ngoại giao của những đề xuất này nhưng chúng cũng đã tác động đáng kể đến các bên liên quan.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đến Mar-a-Lago để gặp ông Trump trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước. Tại biên giới phía Nam của Mỹ, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbuam cũng đã ngay lập tức có cuộc điện đàm với ông Trump.
Theo Chỉ số rủi ro Trump do Economist Intelligence Unit công bố, Mexico là quốc gia dễ bị tổn thương nhất về mặt thương mại đối với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump. Trong khi đó, Trung Quốc cũng thực hiện chính sách tài khóa "chủ động hơn" nhằm chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra dưới thời chính quyền Trump mới.
Nhìn chung, ảnh hưởng toàn cầu mà ông Trump tạo ra đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ NATO đến Ukraine và Trung Đông, mỗi tuyên bố hay động thái của Tổng thống đắc cử Trump đều mang theo những hệ quả sâu rộng không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới. Sự biến động này không chỉ đơn thuần là chính trị mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong cách thức mà các quốc gia tương tác và hợp tác lẫn nhau trên trường quốc tế.