Theo mạng tin reviewcanada.ca, việc hoạch định chính sách đối ngoại của Canada trong thời gian này là khó khăn, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Các cường quốc mới nổi tăng cường tranh giành ảnh hưởng. Cạnh tranh về thị trường, năng lượng và các nguồn lực ngày càng gay gắt. Thủ tướng Canada Stephen Harper. Ảnh: Reuter |
Công nghệ kỹ thuật số đem lại những cuộc cách mạng to lớn trong đời sống, nhưng cũng đưa đến những nguy cơ mới liên quan tới an ninh mạng như xâm nhập đánh cắp dữ liệu, tấn công mạng và tình trạng lan truyền bạo lực cực đoan xuyên biên giới.
Tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các tầng lớp xã hội, giữa các xã hội khác nhau. Các nhân tố gây biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn chưa bị đẩy lùi. Nguy cơ xung đột, chiến tranh cục bộ trên phạm vi toàn cầu ngày càng gia tăng.
Để thành công, ngoài hiện trạng thế giới đã quen thuộc, các nhà lãnh đạo Canada cần phải xem xét tới một hiện trạng thế giới khác đang nổi lên. Nói cách khác, Canada phải theo đuổi một chính sách ngoại giao hướng tới tương lai, với một nguyên tắc là: lợi ích của Canada có được qua việc phối hợp làm việc mang tính xây dựng với các đối tác khác. Nguyên tắc này là cốt lõi của chính sách đối ngoại phi đảng phái của Canada trong suốt 6 thập kỷ kể từ Thế chiến thứ II.
Việc áp dụng đường lối ngoại giao mang tính xây dựng như vậy đã giúp Canada luôn có được vị trí xứng đáng trong các vấn đề quốc tế quan trọng, từ vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân tới giải quyết nạn phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Chính sách đối ngoại này cũng không loại trừ việc tham gia các liên minh quân sự chặt chẽ, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Áp dụng chính sách đa phương hiệu quả cũng giúp Canada tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng nhất của mình là Mỹ - một mối quan hệ hỗ trợ Canada nâng tầm ảnh hưởng đối với các nước khác cũng như các thể chế quốc tế đa phương. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, mối quan hệ song phương này đã bị suy yếu. Có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như những nỗ lực gây áp lực để Nhà Trắng phê duyệt đường ống dẫn dầu Keystone XL, đã khiến quan hệ hai bên căng thẳng.
Vị thế của Canada trong nhiều tổ chức quốc tế đa phương, bao gồm Liên Hợp Quốc, cũng đã suy giảm. Canada đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới rút khỏi Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa. Canada cũng cắt đứt nguồn tài trợ cho Cộng đồng Thịnh vượng Chung và tẩy chay cuộc họp do Sri Lanka làm chủ nhà, mặc dù các nước khác, như Anh, cũng đã không hài lòng với Sri Lanka, nhưng vẫn quyết định tham gia. Canada cũng là thành viên NATO duy nhất chưa ký kết Hiệp ước cấm buôn bán vũ khí thông thường.
Thay vì duy trì hoạt động ngoại giao song phương và đa phương hiệu quả, Canada đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Những phản ứng ngoại giao của Canada như trên đã vô tình làm bạn bè đồng minh xa lánh, tự ngắt mình ra khỏi sân chơi quốc tế, kết cục là tự chuốc lấy thất bại. Canada không đủ mạnh để ra lệnh hoặc áp đặt nước khác, ngay cả khi rất muốn như vậy. Canada đã thành công trong trường quốc tế với vai trò làm trung gian, cầu nối.
Một chính sách hướng tới tương lai trước tiên phải nhận ra rằng trung tâm của quyền lực kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển với tốc độ chưa từng có từ các nước công nghiệp tiên tiến sang các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ví dụ, năm 1980, sản lượng kinh tế của Trung Quốc chỉ là một phần mười con số của Mỹ, nhưng đến năm 2020 dự kiến sẽ lớn hơn 20% so với Mỹ. Mặc dù có sự sụt giảm gần đây, tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tốt hơn những nước phát triển nhiều lần.
Đẩy mạnh liên kết kinh tế với các cường quốc mới nổi sẽ giúp Canada hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng dường như Canada đã chậm chân. Theo Ngân hàng Trung ương Canada, toàn bộ 85% xuất khẩu của Canada vẫn là sang các nước phát triển với tốc độ tăng trưởng chậm.
Các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc gần đây là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn là tụt hậu xa so với các đối thủ khác. Thị phần nhập khẩu hàng Canada của Trung Quốc chẳng hạn, đã không tăng trong giai đoạn 2004 - 2013, và tại Ấn Độ thậm chí còn giảm trong giai đoạn này.
Ngoài tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Canada cũng nên khởi động đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc, và với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đồng thời Canada cũng nên nhanh chóng kết thúc đàm phán song phương với Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong khi chiến lược châu Á-Thái Bình Dương là quan trọng, thì việc khôi phục lại mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng với Mỹ là cần thiết, bởi đây vẫn đối tác kinh tế chính của Canada trong tương lai gần. Trong năm 2013, hơn 75% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada là sang Mỹ.
Trong số này, hơn một nửa được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt. Vì vậy, duy trì và đảm bảo thông thương hàng hóa là vấn đề quan trọng. Canada cần phối hợp với Mỹ và Mexico thiết lập một hệ thống kiểm tra hàng hóa tích hợp, qua đó hàng hóa nhập Canada, Mỹ hay Mexico chỉ phải kiểm tra một lần duy nhất.
Tóm lại, thế giới đang đổi thay một cách nhanh chóng, để duy trì và vượt lên, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Canada cần phải có một tầm nhìn xa, trông rộng, hướng tới tương lai.
Lê Hoàng (
P/v TTXVN tại Canada)