Cầu vồng trên đất nước Ireland

Dư luận thế giới bày tỏ sự ngạc nhiên khi một đất nước có truyền thống bảo thủ và theo Công giáo như Ireland lại có đa số cử tri bỏ phiếu tán thành hôn nhân đồng giới ngày 22/5 vừa qua. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Ireland - quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới qua biện pháp dân chủ trực tiếp - đã một lần nữa khiến vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ hết nóng này được đưa ra tranh luận.

Trong thực tế, Ireland không còn là một quốc gia Công giáo theo kiểu cũ. Phần lớn cộng đồng thành thị ở nước này giờ chỉ theo Công giáo như một văn hóa, tức là họ có rửa tội, tổ chức đám tang ở nhà thờ Công giáo nhưng không còn đi dự lễ mi xa thường xuyên. Những người theo tín ngưỡng thực sự cũng không còn cảm thấy mình buộc phải nghe theo những chỉ dụ của các giám mục – vốn phản đối mạnh mẽ hôn nhân đồng giới.

Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới tuần hành sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố tại Dublin, Ireland ngày 23/5. Ảnh: AFP/ TTXVN


Hành vi đồng tính không còn bị hình sự hóa ở Ireland. Cộng đồng đồng tính dần công khai hơn và dần được xã hội chấp nhận. Biểu tượng lá cờ cầu vồng của người đồng tính xuất hiện ngày càng nhiều. Các ngôi sao thể thao, người nổi tiếng gần đây đã viết sách thừa nhận là người đồng tính và cách họ đối diện với sự thật đó. Bộ trưởng Y tế Ireland Leo Varadkar, 36 tuổi, mới năm ngoái đã tiết lộ mình là đồng tính nam. Cựu Tổng thống Ireland Mary McAleese công khai rằng bà có một con trai đồng tính và kêu gọi cử tri Ireland bỏ phiếu chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Cần lưu ý rằng bà McAleese là người rất được tôn trọng ở Ireland và là một người Công giáo mộ đạo. Nhiều người cũng như bà McAleese ủng hộ hôn nhân đồng tính vì họ có bạn bè, người thân, đồng nghiệp là người đồng tính. Họ không muốn người thân của họ sống cô độc, chịu sự “hắt hủi” của xã hội cả đời. Nhiều người đồng ý đơn giản là vì họ muốn coi đây là cơ hội để nói rằng mình không kỳ thị người đồng tính.

Đối mặt với tâm lý chung đó, không khó hiểu khi phong trào phản đối hôn nhân đồng giới do Viện Iona, một tổ chức Công giáo bảo thủ, dẫn đầu không thu hút được mấy sự ủng hộ. Lý luận của viện này là đứa trẻ làm con nuôi của một cặp đồng tính nam sẽ không bao giờ biết ai là mẹ đẻ của chúng.

Mặc dù không thành công trong dẫn dắt phong trào phản đối hôn nhân đồng giới, nhưng Giáo hội Công giáo Ireland vẫn giữ nguyên quan điểm: Giá trị truyền thống của hôn nhân chỉ có thể là giữa một nam và một nữ. Giám mục Dublin, Diarmuid Martin, chấp nhận thất bại và cho rằng cuộc trưng cầu ý dân cho thấy giáo hội phải kết nối lại với người trẻ. Ông cho biết cần tôn trọng quyền lợi của người đồng tính nhưng cho rằng có thể làm được điều này mà không cần thay đổi định nghĩa về hôn nhân. Đối với một số người trong giáo hội, hôn nhân đồng tính là giới hạn đỏ khiến họ không thể chấp nhận bất kỳ thương lượng nào.

Tranh cãi về hôn nhân đồng tính thực ra là cuộc tranh cãi về một vấn đề xã hội rộng hơn: giá trị của gia đình. Cuộc tranh cãi này không chỉ diễn ra ở Ireland mà còn trên toàn thế giới. Nhiều người nổi tiếng, nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm của mình công khai về vấn đề.

Trong số những người ủng hộ hôn nhân đồng tính có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton… Tất cả đều ủng hộ với lý do mọi con người đều có quyền bình đẳng, đều xứng đáng có một mái ấm gia đình cho dù họ có xu hướng tình dục như thế nào và họ yêu ai đi chăng nữa.

Trái lại, những người phản đối cho rằng xã hội và trẻ em không có lợi gì từ một cuộc hôn nhân đồng tính. Theo nhà tâm lý học Mỹ Trayce Hansen, cơ cấu gia đình lý tưởng nhất cho một đứa trẻ là có cả bố và mẹ theo đúng nghĩa. Chỉ có kiểu gia đình truyền thống này mới tạo cơ hội cho trẻ gắn bó với cả hai bố mẹ khác giới. Trẻ lớn lên trong gia đình đồng tính sẽ có xu hướng bối rối về giới tính. Mặc dù cặp đôi đồng tính cũng có thể yêu con nuôi như con đẻ, nhưng tình yêu là chưa đủ. Nhà tâm lý học này kết luận hôn nhân đồng giới chỉ có lợi nhất cho các cặp đôi đồng tính khao khát được xã hội công nhận hợp pháp mà không hề mang lại lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ cả về mặt tâm lý, tinh thần và thể chất.

Nghiên cứu y học cũng cho thấy sự khác biệt về gen giữa nam và nữ lý giải tại sao mẹ và bố mang tới cho đứa trẻ những đặc điểm độc nhất vô nhị mà người kia không thể thay thế. Tức là mẹ và bố không thể hoán đổi vị trí cho nhau. Hai phụ nữ có thể là hai bà mẹ tốt nhưng không ai có thể làm một ông bố tốt.
Hôn nhân đồng tính đã để lại những hệ quả khôn lường về mặt xã hội ở những nước chấp nhận nó: hôn nhân truyền thống giảm, hôn nhân đồng tính tăng, tỷ lệ sinh con ngoài giá thú tăng vọt…

Trở lại cuộc trưng cầu ý dân ở Ireland, nhiều nơi đã xuất hiện cầu vồng và một số người cho rằng Chúa đã dùng cầu vồng để bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng giới??? Ngoài Ireland, hiện có khoảng 20 quốc gia khác cũng đang xem xét hợp pháp hóa vấn đề hôn nhân đồng giới. Trong một xã hội dân chủ người dân có quyền tự do lựa chọn quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Quan trọng hơn, quyền đó sẽ được thừa nhận rộng rãi nếu như được sự đồng tình của số đông, sao cho phù hợp với bối cảnh, văn hóa của từng xã hội, chứ không chỉ dựa vào quyền bình đẳng của mỗi con người.

Thùy Dương
Hôn nhân đồng giới cần có lộ trình
Hôn nhân đồng giới cần có lộ trình

Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận cần được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh và phải có lộ trình, bước đi phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN