Sau giai đoạn căng thẳng cách đây khoảng một thập niên do vụ lính thủy đánh bộ Italy bắn nhầm làm chết 2 ngư dân Ấn Độ, khiến New Dehli hạ cấp quan hệ ngoại giao với Rome, quan hệ hai nước đã có những bước cải thiện trong những năm gần đây. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Meloni được đánh giá là đúng thời điểm và đặt nền móng cho sự phát triển của quan hệ đối tác song phương cùng có lợi, thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và kinh tế, quốc phòng, khoa học và công nghệ, năng lượng, y tế, lãnh sự và văn hóa. Hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược và ký kết các thỏa thuận song phương mới để củng cố mối quan hệ này, chính thức chấm dứt hơn một thập niên quan hệ căng thẳng.
Italy - cường quốc công nghiệp lớn thứ hai châu Âu và nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), coi Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngược lại, trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU), Italy là đối tác kinh tế mạnh mẽ và đáng tin cậy của một nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ. Hơn 600 công ty Italy đang có mặt tại Ấn Độ.
Italy hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ tư và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 12 tại Ấn Độ, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2020 đạt mốc 2 tỷ USD. Kim ngạch thương mại 2 chiều năm ngoái đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Italy bao gồm kim loại như sắt thép, da thuộc, hóa chất, đá quý và đồ trang sức.
Trong khi đó, đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 500 triệu người trong độ tuổi từ 15-35, khiến nước này trở thành một thị trường khổng lồ về thời trang, dệt may, phụ kiện và đồ trang điểm, những lĩnh vực mà Italy vượt trội. Hơn nữa, cả hai nước đều đang hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, những lĩnh vực mà các công ty Italy là những người dẫn đầu và tiên phong về công nghệ.
Song song với các ưu tiên kinh tế, hai nước cũng quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nền tảng của việc nối lại quan hệ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Meloni, Italy và Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng nhằm tạo điều kiện phát triển quan hệ đối tác công nghiệp, trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc tập trận chung và các khóa huấn luyện giữa các lực lượng vũ trang, với ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa ly khai.
Quyết định của Chính phủ Ấn Độ, cho phép công ty hàng không vũ trụ Leonardo của Italy trở lại thị trường quốc phòng nước này và công ty đóng tàu Fincantieri tham gia việc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant là tín hiệu tốt cho mối quan hệ bền chặt giữa hai bên.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác là chuyển đổi năng lượng. Năm 2021, hai nước đã ký kết Quan hệ đối tác chiến lược về chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hydro xanh và nhiên liệu sinh học, đồng thời Italy cũng tham gia Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế do Ấn Độ - Pháp dẫn đầu, gồm trên 90 thành viên.
Trong vài năm gần đây, cam kết của Italy với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tăng tốc ấn tượng,à không chỉ riêng về mặt kinh tế mà còn cả về chính trị. Ấn Độ luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi này của Italy bởi vì New Delhi có tầm nhìn toàn diện về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tạo ra không gian hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh chung. Trên thực tế, cả Ấn Độ và Italy đều có chung tầm nhìn và mối quan tâm mạnh mẽ trong việc duy trì sự ổn định của khu vực, nguyên tắc luật pháp quốc tế và các tuyến đường biển tự do, rộng mở và bao trùm giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Meloni đã trình bày tầm nhìn về sự can dự của Italy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Đối thoại Raisina lần thứ tám, hội nghị địa chính trị thường niên hàng đầu của Ấn Độ. Động lực để Rome thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhận thức của Italy về tầm quan trọng của khu vực đối với nền kinh tế nước này, cả về các tuyến hàng hải chiến lược lẫn trao đổi thương mại với các bên tham gia trong khu vực.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đóng góp khoảng 60% tổng GDP thế giới, có 3 trong số các nền kinh tế lớn nhất (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản) và là trung tâm đổi mới công nghệ quan trọng. Đến năm 2030, 90% tầng lớp trung lưu mới (2,4 tỷ người) sinh sống tại khu vực trải dài từ bờ biển phía Đông của châu Phi đến bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ, trung tâm của các tuyến thương mại quốc tế, với ít nhất 25% hàng hóa xuất khẩu của thế giới đi qua khu vực này. Đồng thời, các tiến trình chuyển đổi sinh thái và xây dựng các mô hình chính trị xã hội mới cũng đang diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Việc Italy xem xét cử tàu tuần tra xa bờ Morosini tham gia các hoạt động tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứng tỏ nhận thức mới của Italy về tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Với căn cứ quân sự ở Djibouti và sự hiện diện thường xuyên ở Tây Ấn Độ Dương trong Chiến dịch Atalanta, sáng kiến chống cướp biển của EU, Hải quân Italy là một đối tác tự nhiên của Hải quân Ấn Độ. Việc bổ nhiệm quan sát viên hải quân Italy tại Trung tâm hợp nhất thông tin - khu vực Ấn Độ Dương sẽ thúc đẩy hơn nữa khả năng kết nối của các lực lượng vũ trang hai nước trong khuôn khổ tầm nhìn an ninh hàng hải tổng thể chung. Trong khi đó, vị thế và các chính sách của New Delhi, như sáng kiến An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương (SAGAR), cho thấy nước này có khả năng cung cấp một nền tảng giúp Italy đóng góp cho an ninh khu vực và cho các khoản đầu tư của Italy vào các dự án phát triển. Nói cách khác, Ấn Độ và Italy có thể dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau trong việc tiếp cận các khu vực mà hai nước đang bị hạn chế hiện diện.
Để tiếp tục đà phát triển này, Ấn Độ và Italy phải tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác bằng cách khám phá các lĩnh vực hợp tác cụ thể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Italy có thể có đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh hàng hải và chuyển đổi năng lượng, đến tái cấu trúc chuỗi cung ứng, bao gồm cả phát triển công nghệ và kinh tế, trong các sáng kiến hiện có như Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA).
Chuyến thăm của Thủ tướng Italy có ý nghĩa quan trọng, tiếp nối những nỗ lực của người tiền nhiệm Mario Draghi nhằm đưa hai nước xích lại gần nhau hơn và biến Ấn Độ thành một thị trường lớn cho hàng hóa của Italy. Đây cũng là một phần trong chiến lược toàn cầu của chính phủ nhằm đảm bảo rằng Italy lại được công nhận là một trong những quốc gia lãnh đạo châu Âu và có thể là chìa khóa cho tương lai của quan hệ đối tác EU - Ấn Độ.