Con bài Trung Đông của Nga

Nga có tầm ảnh hưởng ở Trung Đông theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Do vậy, trong tình huống phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt cực đoan với Nga về vấn đề Ukraine thì Tổng thống Putin sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng và quan hệ của Nga để làm tổn hại lợi ích của phương Tây tại Trung Đông.

Vấn đề Syria

Về mặt lịch sử, Syria là con đường chính để Liên Xô triển khai sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế đảm bảo cho nước Nga hiện nay tiếp tục có thể can dự ở khu vực Trung Đông. Lúc đầu, Nga duy trì một căn cứ hải quân tại thành phố ven biển của Syria là Tartus, đây là cảng duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải, và duy trì một đường hàng hải huyết mạch để tiếp cận Biển Đen được kiểm soát bởi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO. Tháng 5 năm ngoái, hải quân Nga thành lập lực lượng hải quân thường trực ở Địa Trung Hải, là một phần trong chương trình tái tăng cường quân sự và triển khai sức mạnh toàn cầu của Nga. Nếu không tiếp cận được Tartus, tàu và tàu ngầm Nga sẽ không có nơi nào ở Đông Địa Trung Hải để tiếp dầu.

Ngày 20/2 vừa qua, Nga đã gửi thêm một tàu ngầm tàng hình tới lực lượng hải quân thường trực ở Địa Trung Hải để tăng cường sức mạnh cho lực lượng này.



Nga cũng lo ngại sâu sắc về chủ nghĩa Hồi giáo theo trào lưu chính thống, đặc biệt là dòng Sunni. Trên thực tế, Nga đã phải tham gia vào cuộc chiến lâu dài chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đầu tiên là ở Afghnistan và sau đó là cuộc chiến kéo dài 15 năm qua ở Kavkaz. Nếu Tổng thống Assad bị lật đổ, Syria có thể bị thống trị bởi những người Hồi giáo Sunni có lập trường cứng rắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới rìa đất phía Nam nước Nga. Kịch bản về chính quyền Hồi giáo mới ở Syria được thành lập có thể tạo ra động lực lớn cho phong trào thánh chiến toàn cầu mà trung tâm của nó rất gần với mặt trận Kavkaz.

Cùng với đó, Nga cũng có lợi ích kinh tế sâu sắc ở Syria. Tổng giá trị hợp đồng quốc phòng của Nga với Syria vượt 4 tỷ USD. Việc phát hiện trữ lượng dầu khí ở Đông Địa Trung Hải gần đây đem lại cơ hội về nguồn thu mới cho Nga; công ty dầu khí nhà nước Soyuzneftegaz của Nga đã ký một hợp đồng với chính quyền Syria vào tháng 12 năm ngoái để thăm dò dầu khí ngoài khơi Syria.

Ảnh hưởng của Nga với chính quyền Tổng thống Assad rất lớn. Nga là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền Syria và cũng ủng hộ chính trị cho Syria tại Liên hợp quốc, nơi Moskva đã phủ quyết các nghị quyết chống lại Damascus. Một mặt Nga công khai thúc đẩy cả hai phe trong xung đột ở Syria đạt được một thỏa thuận hòa bình, mặc khác Nga thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Assad khiến cho phương Tây phải lo ngại. Nga cung cấp các loại vũ khí hiện đại, thậm chí còn gửi cố vấn quân sự giúp chính quyền Syria.

Vấn đề Iran

Đồng thời với Syria, Nga duy trì mối quan hệ phức tạp với một đồng minh lâu dài khác ở khu vực là Iran. Về mặt lịch sử, trước đây Tehran lo sợ sự bành trướng của Nga dưới thời Nga hoàng sau đó là thời Liên Xô. Sau sự tan rã của nhà nước Liên bang Xô viết, mối quan hệ Nga – Iran được cải thiện nhanh chóng trong khi lợi ích của Nga và Iran có nhiều tương đồng lớn hơn, đặc biệt trong hạn chế quyền lực Mỹ ở Trung Đông, Trung Á và Kav. Cả Nga và Iran là những nước ủng hộ lớn nhất cho Damascus, một phần vì cùng chia sẻ lợi ích chống lại trào lưu chính thống dòng Sunni.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Điện Kremlin ngày 16/1/2014.


Không giống Syria, Iran không phải là nước phụ thuộc nặng nề vào Nga và có rất nhiều lĩnh vực Nga và Iran xung đột về lợi ích. Về mặt kinh tế, Nga thu lợi khổng lồ từ việc Iran bị quốc tế tẩy chay. Căng thẳng ở vịnh Ba Tư và việc Iran gặp khó khăn khi bán dầu ra thị trường quốc tế góp phần làm đẩy giá mặt hàng này lên cao, khiến nền kinh tế Nga thu một khoản lợi khổng lồ. Lệnh cấm vận Iran cũng ngăn cản các nước Trung Á như Kazakhstan và Turkmenistan xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt xuất khẩu qua vịnh Ba Tư và Iran, cho phép Nga tiếp tục tạo ảnh hưởng với các nước trong khu vực này bằng việc kiểm soát con đường xuất khẩu dầu và khí đốt của các nước này.

Nga cũng không mong muốn Iran có được vũ khí hạt nhân. Trong khi Nga cực liệt phản đối phương Tây và Israel tấn công Iran vì cho rằng điều này là một “thảm họa” thổi bùng lên căng thẳng bè phái ở Trung Đông thì Kremlin cũng không chào đón một nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt một nước có thể cạnh tranh ảnh hưởng của Nga tại các nước Hồi giáo từng là cựu thành viên của Xô viết. Putin hiểu rõ rằng nếu Iran trở thành quốc gia hạt nhân thì Ảrập Xêút, một nước được Nga xem như gây ra những bất ổn ở Kavkaz, cũng tiến tới sở hữu hạt nhân thông qua liên minh với Pakistan. Bởi vậy, Nga phản đối một lệnh trừng phạt chống lại Iran nhưng lại ủng hộ một nghị quyết của Liên hợp quốc lên án chương trình làm giàu hạt nhân của Iran.

Nga có thể dễ dàng thúc đẩy quan hệ với Iran theo nhiều cách, bắt đầu bằng việc phục hồi thỏa thuận cung cấp dàn tên lửa S-300 cho Iran. Thực vậy, Tổng thống Putin đang phát đi tín hiệu về khả năng của Nga trả đũa lệnh cấm vận của phương Tây với quyết định gửi một quan chức năng lượng hạt nhân tới Tehran để bàn thảo về xây dựng nhà máy hạt nhân thứ 2 ở Iran.

Nếu kịch bản tốt nhất xảy ra là một giải pháp ngoại giao được thực thi để ổn định tình hình Ukraine, ông Putin có thể quyết định tăng hợp tác với phương Tây trong vấn đề Trung Đông. Ví dụ vấn đề Syria, Nga có thể giảm hoặc cắt nguồn cung cấp vũ khí cho nước này, khiến chính quyền Syria phải đối thoại nghiêm túc hơn với phe nổi dậy; hoặc đưa ra tuyên bố Nga không coi Assad là phần không thể thiếu với tương lai Syria. Với Iran, Nga có thể phát đi tín hiệu ủng hộ lập trường phương Tây bằng cách chấm dứt việc thảo luận hợp tác xây dựng thêm một nhà máy hạt nhân ở Iran cũng như công khai thúc đẩy Iran chấm dứt chương trình hạt nhân.

Nhưng hiện tại, sau cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Crimea (Crưm) và việc Nga sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ Liên bang thì mọi điều diễn biến còn rất phức tạp. Nếu Nga sẵn sàng chấm dứt quan hệ với châu Âu thì Nga cũng sẵn sàng sử dụng sức mạnh của mình để làm tổn thương lợi ích của phương Tây ở Trung Đông.


Đức Trung  (Theo Tabletmag)

Vì sao Nhật Bản tránh căng thẳng với Nga?
Vì sao Nhật Bản tránh căng thẳng với Nga?

Trong khi quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga đang trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine thì đồng minh châu Á của các nước này là Nhật Bản lại tìm mọi cách để tránh sự đối đầu trực tiếp với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN