Tại Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) Bắc Kinh 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố dành 40 tỷ USD để xây dựng Con đường Tơ lụa hòng biến đây thành tuyến giao thương nối liền hai lục địa Á - Âu. Cùng với việc 21 quốc gia ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) trước đó, quyền lực và vị trí của Mỹ ở châu Á đang bị thách thức. Lãnh đạo 21 nước ký MoU thành lập AIIB tại Bắc Kinh. |
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh: “Con đường tơ lụa không còn là khái niệm chỉ có trong các sách lịch sử mà đang hiện hữu trong câu chuyện của tuyến giao vận trong thế giới hiện đại và sự hợp tác giữa Trung Quốc với châu Âu”.
Từ năm 2013, Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ, xuất phát từ Trung Quốc đi qua Trung Á, Nga tới châu Âu và trên biển đi qua Eo Malacca tới Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi, đã trở thành một trọng tâm mới của chiến lược ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Vấn đề này đã được các quan chức hàng đầu của Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tuần vừa qua nhằm củng cố vai trò trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới thế kỷ 21.
Trước đó, ngày 24/10, ngay trước thềm APEC 2014, tại Bắc Kinh, 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD, chủ yếu do Trung Quốc đóng góp. Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.
Hai dự án đều được khởi động từ năm 2013 này đang tạo ra thách thức trực tiếp đối với vai trò thống trị của Mỹ trong các tổ tài chính, thương mại trong khu vực, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn được thành lập từ sau Thế chiến 2.
Các nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, đã ngay lập tức được “vận hành” để hạn chế ảnh hưởng của chính sách ngoại giao kinh tế của Bắc Kinh. Kết quả là hai đồng minh của Mỹ gồm Australia và Hàn Quốc đã khước từ tham gia vào AIIB (mặc dù sau đó Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố không loại trừ khả năng tham gia AIIB).
Trước các bước đi của Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan ngại về các tiêu chuẩn điều hành, quản lý tại hai thể chế mới này. Họ lo ngại về cổ phần chiếm đa số của Trung Quốc sẽ đem lại cho nước này quyền quyết định và khả năng các thể chế trên sẽ cấp vốn cho các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn xã hội và môi trường, trong đó có các dự án nhà máy nhiệt điện mà WB và ADB cho biết sẽ không cấp tài chính do lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu.
Nhưng còn có một quan ngại lớn hơn mà giới chức Mỹ không nói ra, đó là việc Bắc Kinh sẽ sử dụng những công cụ này để nâng cao vai trò lãnh đạo của họ đồng thời gây phương hại cho lợi ích của Mỹ, cùng đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Tại Diễn đàn APEC, các nhà ngoại giao Mỹ còn nỗ lực thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm đối trọng với ý tưởng Khu vực Tự do Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) của Trung Quốc. Đây là một phần của cuộc cạnh tranh về kinh tế, chính trị và quân sự Mỹ - Trung trong khu vực.
(Còn tiếp)
Thái Nguyễn