Bình luận về vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/3, nhật báo “Il Sole 24 Ore” (Italy) cho biết những người thuộc phe đối lập gọi đây là hậu quả của chính sách căng thẳng mà chính phủ tạo ra, trong khi số khác lại quy trách nhiệm cho những thủ phạm quen thuộc là đảng PKK của người Kurd, hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dù thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn trong những cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó là hầu như không ai biết rõ đâu mới thực sự là thủ phạm, và cũng không có mấy người tin vào những lời giải thích của nhà chức trách.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã trở thành một đất nước rơi vào cảnh chiến tranh cả ở trong lẫn ngoài nước. Vấn đề độc lập của người Kurd đã kéo dài hơn ba thập kỉ, và tình hình hiện nay càng trở nên phức tạp với cuộc xung đột ở Syria, nơi mà Ankara bỗng trở thành cửa ngõ những chiến binh Hồi giáo thánh chiến vượt qua để rồi từ đó vào bên trong Syria, tham gia các lực lượng đối lập nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al - Assad. Dòng người tị nạn lên tới hơn 2,5 triệu người đã từ Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ, và làm cho vấn đề trở nên rắc rối hơn.
Hiện trường vụ đánh bom ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/3.Ảnh: AFP - TTXVN |
Nếu như người Kurd ở miền Bắc Syria giành được chiến thắng, với sự hỗ trợ của Moskva, họ có thể thay đổi cán cân lực lượng ở biên giới của một quốc gia là thành viên NATO. Đây là một cuộc chiến khác trong lòng cuộc chiến tranh Syria và hiện tại không hề có giải pháp, bất chấp sự tồn tại của một thỏa thuận ngừng bắn lúc nào cũng trong tình trạng mong manh. Những cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria ở Geneva cũng sẽ không đem lại một giải pháp nào, cho tới khi ít ra là các sào huyệt của IS ở Raqqa, Syria, và Mosul ở Iraq, sụp đổ.
Chỉ có trong suy nghĩ của những người Đức thì Thổ Nhĩ Kỳ mới là một giải pháp chứ không phải là vấn đề lớn. Trên thực tế, Ankara là một trong những vấn đề nghiêm trọng của vùng Trung Đông, và sau khi Nga can thiệp vào chiến cuộc ở Syria, sát cánh bên Assad, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia chìm trong khói lửa chiến tranh, luôn tỏ ra nhạy cảm với những gì xảy ra ở khu vực biên giới, bị tác động nghiêm trọng bởi cơn ác mộng rằng một nhà nước độc lập, hoặc một vùng tự trị của người Kurd sẽ được hình thành. Thế nhưng, điều đó không thể bào chữa cho Tổng thống Tayiip Erdogan và chính sách của ông, vốn được bà Hillary Clinton, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ và nay là ứng viên Tổng thống Mỹ, ủng hộ, và được các quốc gia châu Âu khác, trong đó có Pháp, hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ đang trả giá đắt cho những tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo. Họ đã tin và hướng tới việc lật đổ chế độ của ông Assad ở Damascus, và với cái gật đầu của nhiều lãnh đạo các cường quốc phương Tây, họ cho phép hàng nghìn chiến binh Hồi giáo thánh chiến đi qua lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả chủ yếu là vì không giải quyết được vấn đề quốc gia, và sự cực đoan trong chính sách không chỉ phụ thuộc vào Erdogan, người mà sau khi đạt được một thỏa thuận với Ocalan (nhân vật từng đứng đầu tổ chức PKK), đã đi theo con đường bạo lực, mà ở cả thái độ gây hấn từ phía PKK, điều đã gây ra nhiều khó khăn cho các định hướng chính trị của đảng thân người Kurd HDP. Cuộc khủng hoảng liên quan đến việc giải quyết vấn đề người Kurd là một ví dụ để có thể thấy được, với việc giơ ra nắm đấm, Erdogan đã giành được gì.
Mặc dù vậy, những hành động bạo lực này lại có thể che giấu được việc Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo trợ cho các nhóm Hồi giáo thánh chiến trong nhiều năm, với sự đồng lõa của Saudi Arabia và nhiều nước khác ở vùng Vịnh qua việc bao che và cung cấp tài chính, vũ khí cho các nhóm Hồi giáo Salafi. Đây chính là lý do sâu xa để người ta nhận ra rằng hiểu được những mối quan hệ chằng chịt tại đây không hề đơn giản. Nhưng ai gieo gió sẽ gặt bão.