Ngay trước khi vòng đàm phán được khởi động ngày 6/4, không bên nào đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả. Yếu tố đầu tiên cản trở các bên đạt được thỏa thuận là do Iran và Mỹ, hai "nhân vật chính" giữ vai trò "tháo gỡ nút thắt", chưa thể đàm phán trực tiếp. Các bên còn lại tham gia thỏa thuận, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh gặp gỡ trực tiếp với đại diện Iran tại thủ đô Vienna của Áo, trong khi phía Mỹ tham gia gián tiếp.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ và các cường quốc nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, đổi lại, Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này và cho phép các thanh sát viên giám sát từ bên trong. Tuy nhiên, JCPOA đứng bên bờ sụp đổ sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, thậm chí còn thắt chặt thêm. Đáp lại, Iran bắt đầu đẩy mạnh chương trình hạt nhân.
Trong mấy ngày đàm phán vừa qua, các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã thiết lập hai nhóm làm việc để tìm cách cứu vãn JCPOA. Nhóm đầu tiên xem xét cách Mỹ có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cụ thể là bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với Iran sau khi Mỹ rút lui. Nhóm thứ hai nghiên cứu cách Iran có thể trở lại tuân thủ thỏa thuận, với việc yêu cầu nước này một lần nữa hạn chế chương trình hạt nhân. Việc các bên kết thúc đàm phán mà 9/4 mà không đạt được kết quả đáng kể nào cũng đã được dự báo trước.
Đánh giá về những diễn biến cũng như kết quả của vòng đàm phán lần này, phía Mỹ tỏ ra “chừng mực” khi một mặt kêu gọi Iran nên có cách tiếp cận thực dụng hơn, đồng thời đề xuất ý tưởng "rất nghiêm túc" nhằm cứu vãn JCPOA và đang chờ phía Tehran hồi âm. Về phần mình, Iran tái khẳng định lập trường, tuyên bố nước này loại trừ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp” nào với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Dư luận Trung Đông đa số tỏ ra khá thận trọng, song cũng có ý kiến cho rằng các cuộc tiếp xúc ở Vienna vừa qua là nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của các bên liên quan nhằm khôi phục JCPOA sau gần 3 năm chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Thực tế thì việc tổ chức được cuộc đàm phán này đã được coi là một bước tiến lớn và đúng hướng sau nhiều năm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nhiều lúc tưởng chừng chiến tranh đã cận kề. Việc các bên liên quan nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới để thu hẹp bất đồng cũng thể hiện thiện chí duy trì đàm phán.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ việc đàm phán gián tiếp với Iran nhằm cứu vãn JCPOA.
Theo ông Biden, thỏa thuận được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã rất thành công. Tuy nhiên, để quay trở lại thỏa thuận này cũng như đảo ngược các quyết sách của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden sẽ gặp không ít trở ngại từ phía đảng Cộng hòa và tiến trình này sẽ không thể diễn ra trong “một sớm, một chiều”. Đảng Cộng hòa vốn bảo lưu quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chỉ kiểm soát được một phần các hoạt động quân sự của Iran, chắc chắn sẽ gia tăng sức ép đối với Tổng thống Biden.
Hơn nữa, Washington sẽ khó lòng dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Tehran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Iran. Giới chức Mỹ luôn bày tỏ quan điểm sẽ theo đuổi tiến trình đàm phán với Iran nhằm hướng tới một thỏa thuận “chặt chẽ và lâu dài hơn” để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản Tehran "hậu thuẫn" các lực lượng ở Iraq, Yemen, Liban và Syria.
Trong khi đó, Iran lâu nay vẫn khẳng định sẽ chỉ hành động sau khi Washington có bước đi đầu tiên, đặc biệt là việc dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Việc Iran ngay khi kết thúc cuộc tiếp xúc ở Vienna đã bắt đầu đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn, cho thấy mặc dù đã tham gia đàm phán, đồng thời tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác trong việc gây sức ép buộc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, song Iran cũng rất cương quyết trong việc giữ vững lập trường của mình. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng Tehran đã đưa ra một "lộ trình hợp lý" hướng tới việc khôi phục thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Tehran thực hiện trách nhiệm của mình. Còn theo trưởng đoàn đàm phán Iran,
Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, Tehran sẽ không ngừng từng phần chương trình hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết, cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nói cách khác, Tehran không muốn thay đổi lập trường theo nguyên tắc từng bước.
Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cho rằng quan điểm của Tehran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi điều chỉnh các hoạt động hạt nhân cho thấy Iran "thiếu nghiêm túc". Các quan chức Mỹ khẳng định Washington sẽ không nhượng bộ Iran để đổi lấy thỏa thuận hạt nhân. Có thể nói, những động thái của Mỹ và Iran khiến cuộc đàm phán ở Vienna chỉ là bước đầu tiên trong một chặng đường dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài nhiều tháng và rất khó khăn, thậm chí có thể lâm vào bế tắc khi các bên không chịu nhượng bộ và đáp ứng những yêu cầu của nhau.
Sau thời gian dài kinh tế lâm vào kiệt quệ do hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Iran đã tiến hành nhiều bước đi được coi là để gây sức ép với Mỹ và phương Tây. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy Tehran đã lắp đặt một loạt máy ly tâm hiện đại ở nhà máy Natanz dưới lòng đất nhằm tăng cường năng lực làm giàu urani. Mới đây nhất, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) cho biết trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên.
Trước đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố rằng Iran có thể làm giàu urani có độ tinh khiết lên tới 60% trong trường hợp cần thiết, thay vì trong giới hạn 20%. Giới phân tích cho rằng chừng nào Mỹ còn đứng ngoài thỏa thuận hạt nhân, chừng đó Iran còn có khả năng tiến gần hơn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cố vấn cấp cao về Trung Đông tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề xung đột có trụ sở tại Brussel (Bỉ), bà Dina Esfandiary đánh giá hiện có rất nhiều rào cản lớn đối với việc đưa ra một giải pháp nhanh chóng cứu vãn JCPOA, trong đó 3 rào cản chính là đảm bảo rằng Iran tuân thủ việc thu hẹp chương trình hạt nhân; nhất trí về việc Mỹ nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nào và ai nên hành động trước; và giải quyết tất cả những vấn đề này trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Iran, dự kiến vào ngày 18/6.
Theo giới phân tích khu vực, các cuộc đàm phán ở Vienna chưa thể dẫn đến việc nhanh chóng gia hạn JCPOA và cũng khó có khả năng dẫn đến thỏa thuận "JCPOA +" rộng hơn như Mỹ mong muốn. Những gì vừa diễn ra cũng có thể chưa đủ để tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Iran, vốn đang điêu đứng do hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Washington, trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù sao, cuộc đàm phán ở Vienna cũng là bước khởi đầu góp phần mở ra lộ trình khả quan để hai bên hướng tới. Tuy nhiên, lộ trình này được dự báo sẽ còn gặp phải nhiều “lực cản”, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn cũng như các đối sách linh hoạt của giới lãnh đạo hai bên, cùng nỗ lực thúc đẩy của các bên liên quan như Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc.