Dấu ấn cải tổ của Tổng thống Pháp E.Macron

Lướt qua các chương trình thời sự truyền hình hay trang nhất các báo lớn của Pháp những ngày gần đây, người ta dễ tưởng tượng "sức nóng" giữa mùa Xuân khi xã hội Pháp đang "sôi sục" bởi cuộc tranh luận chính trị gay gắt, cùng các cuộc phản kháng của nhiều tầng lớp, đúng vào lúc Tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị đánh dấu năm đầu tiên nắm quyền.

Tổng thống Emmanuel Macron tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ở Sydney ngày 2/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc đình công của công nhân đường sắt phản đối dự luật cải tổ lĩnh vực này đã bước sang tuần thứ ba, làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng trong nhiều ngày và gây xáo trộn xã hội. Ở miền Trung nước Pháp, 2.500 hiến binh được huy động để giải tán vài trăm người biểu tình chiếm đóng một khu đồng hoang, nơi dự án treo hàng chục năm xây dựng một sân bay mới đã bị chính phủ hủy bỏ.

Tại Paris và nhiều thành phố khác, một bộ phận sinh viên phong tỏa giảng đường để phản đối luật cải cách chế độ tuyển sinh. Tưởng như nước Pháp đang nằm giữa giao thoa của các phong trào đấu tranh xã hội.

Sự phản kháng diễn ra đúng lúc này cũng là điều dễ hiểu, vì đây là thời kỳ Tổng thống Emmanuel Macron, lên cầm quyền cách đây đúng một năm, đang tập trung thúc đẩy hàng loạt cuộc cải cách lớn. Những dự án cải cách này hoàn toàn ăn nhập với tham vọng làm thay đổi cơ bản đất nước của nhà lãnh đạo trẻ, người mà mới chỉ ít năm trước không ai có thể hình dung sẽ vươn lên đỉnh cao quyền lực, trở thành tổng thống trẻ nhất của nước Pháp sau Hoàng đế Napoleon Bonaparte.

Đây không phải là lần đầu tiên áp lực dồn xuống Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp. Ngay những tháng đầu cầm quyền, Tổng thống Macron đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn phản đối cải tổ luật lao động, bộ luật được giới thiệu là tạo điều kiện để giải phóng thị trường lao động và thuyết phục giới chủ tuyển dụng, nhưng bị các công đoàn cho là đi ngược với nguyên tắc bảo vệ người lao động. Từ đó đến nay, dù áp lực xã hội lớn, ông Macron tỏ ra không nao núng, quyết tâm theo đuổi tới cùng chương trình cải tổ.

Phát biểu trên truyền hình Fox News trước thềm chuyến thăm Mỹ cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Pháp giải thích: “Nếu tôi dừng lại vì bị biểu tình phản đối, tôi sẽ không thể nào cải tổ được nữa”. Sự kiên định này rất khác so với các đợt cải tổ trước, dưới thời các tổng thống Jacques Chirac và tiếp đó là Nicolas Sarkozy, những người đã phải dừng lại giữa chừng.

"Cải tổ và cải tổ sâu sắc hơn", đó là khẩu hiệu mà chính khách Emmanuel Macron đã giương cao trong chiến dịch tranh cử và được ông thực hiện nhanh và quyết liệt ngay từ khi động lực của chiến thắng vang dội nhưng không kém phần bất ngờ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Điều này hoàn toàn hợp logic khi đa số dư luận Pháp có chung nhận định đã đến lúc phải thay đổi để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Trên thực tế, các cuộc biểu tình và đình công đang diễn ra khắp nước Pháp không đủ sức gây áp lực buộc chính quyền phải lùi bước.

Xem xét phong trào phản kháng quy mô lớn nhất là của công nhân ngành đường sắt, thăm dò dư luận cho thấy 52% số người được hỏi ủng hộ cải cách của chính phủ, so với 48% phản đối. Còn các cuộc biểu tình khác chỉ có quy mô nhỏ hơn và được dự đoán sẽ kết thúc trong những tuần tới.

Thuận lợi cơ bản của Tổng thống Macron, một người gần như mới toanh trên chính trường, là sự hậu thuẫn của Quốc hội mà đảng Nền cộng hòa tiến bước (LREM) do chính ông thành lập chưa đầy 2 năm trước, cùng với đồng minh trung hữu chi phối hoàn toàn.

Trong bối cảnh các lực lượng chính trị truyền thống mất thế, từ cánh hữu đại diện là đảng Những người Cộng hòa cho đến cánh tả mà đảng Xã hội là tiêu biểu phải rời khỏi vũ đài, chính phủ đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy các bộ luật mà họ cho là cần thiết. Sự phản đối của dư luận và đường phố tương đối yếu, do các lực lượng chính trị khác không đủ sức giới thiệu các giải pháp đáng tin cậy thay thế.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế-xã hội Pháp đang tương đối thuận lợi để hành động. Theo số liệu thống kê chính thức, kinh tế Pháp tiếp tục tăng trưởng khá trong quý đầu năm nay, sau khi có kết quả tốt hơn mong đợi cuối năm 2017.

Dự kiến năm nay, tăng trưởng sẽ đạt trên 2%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục từ cuối năm ngoái, hiện nay còn 8,8% so với mức 9,5% cách đây một năm, dù vẫn ở mức cao hơn trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bức tranh kinh tế sáng sủa hơn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phục hồi kinh tế toàn cầu và "độ trễ" của các chính sách từ nhiệm kỳ trước, nhưng không thể phủ nhận những kết quả của chính quyền Tổng thống Macron trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Mức đầu tư của doanh nghiệp Pháp được đánh giá đang cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Lòng tin của giới doanh nghiệp đã quay trở lại, điều đó nhờ nỗ lực rất lớn của chính phủ.

Cho tới hiện tại, mặc dù có sự phản kháng xã hội nhất định, một điều tất yếu với những ý định thay đổi, tình hình có thể nói tương đối tích cực với Tổng thống Macron. Đối thủ chính trị lớn nhất của ông Macron chỉ là đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen và đảng thiên tả Nước Pháp bất khuất.

Cả hai đều sử dụng cùng một "con bài" là kích thích sự lo ngại của người dân trước viễn cảnh chính phủ ngả theo đường lối tự do hóa kinh tế quá mức, từ đó đẩy mạnh tư hữu hóa dịch vụ công cộng và cắt giảm hệ thống phúc lợi xã hội vốn được đánh giá là rất hào phóng.

Những biện pháp của chính phủ nhằm cắt giảm chi tiêu, giảm thâm hụt bị họ khai thác triệt để, đến mức mà ông Macron được "gắn chết" danh hiệu “Tổng thống của người giàu” sau khi đưa ra một số biện pháp khiến cho thu nhập của một số bộ phận dễ bị tổn thương giảm sút.

Sự kiên quyết, đôi khi thái quá của chính quyền, để đạt mục tiêu đề ra khiến cho uy tín của tổng thống giảm mạnh, nhất là đối với tầng lớp bình dân. Kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy, chỉ có 41% người Pháp hài lòng với ông Macron, so với 58% không hài lòng.

Điều đó không phải là trở ngại, theo Tổng thống Pháp: “Nếu chỉ chạy theo kết quả thăm dò dư luận, bạn sẽ không bao giờ cải tổ, sẽ không giải quyết được tình hình, không thể thay đổi”. Điểm tích cực trong con số này, là trong bối cảnh bất mãn xã hội dâng cao, sự ủng hộ dành cho tổng thống vẫn tăng +1 điểm so với tháng trước.

Mới chỉ một năm, hàng chục biện pháp cải tổ đã được thúc đẩy, với tiến độ nhanh chưa từng có trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ năm tại Pháp. Quyền lực, tham vọng, mức độ thực hiện các cam kết chính trị và tăng trưởng kinh tế tích cực đã củng cố sức mạnh cho tổng thống trẻ tuổi. Sức mạnh đó không dừng lại ở đường biên giới, mà nó vượt ra rất xa, củng cố vị thế của nước Pháp không chỉ ở châu Âu mà trên thế giới.

Dư luận đã nhận thấy cách thức mà lãnh đạo các cường quốc đón tiếp vợ chồng Tổng thống Pháp, không chỉ trong vai trò lãnh đạo mà giống như những ngôi sao thực sự. So với cuộc hội đàm chỉ kéo dài 3 giờ của Thủ tướng Đức Angela Merkel với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Nhà Trắng, chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Macron tới Mỹ rõ ràng có một khoảng cách rất xa.


Trước đó, chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tới Trung Quốc cũng bị đánh giá là "lu mờ", đơn giản vì nhà lãnh đạo Pháp đã đến đó trước vài ngày.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều thập kỷ nay, Pháp trở thành đối tác chính của Mỹ tại châu Âu, và trong cặp đôi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), nước Đức có vẻ chấp nhận lùi về phía sau Pháp. Khi Berlin lún vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, ông Macron đã tranh thủ thế mạnh của mình để chủ động thúc đẩy các biện pháp táo bạo cho tiến trình hội nhập EU.

Ngay trong quan hệ với Mỹ, Tổng thống Pháp tỏ rõ sự khôn khéo, dù vẫn chỉ trích các chính sách mang nặng xu hướng chủ nghĩa biệt lập của Washington, song theo một cách "rất tế nhị". Có thể thấy rõ điều này khi Pháp tán dương tự do thương mại quốc tế chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, bảo vệ Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, hay bênh vực thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chính sách đối ngoại của Pháp dưới thời Tổng thống Macron sắc nét hơn, rõ ràng hơn nhờ quay trở lại với những nguyên tắc truyền thống. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Nicolas Sarkozy và ông François Hollande, trong đó Pháp ngả sang trường phái tân bảo thủ, sẵn sàng can thiệp quân sự ra nước ngoài, thì nhà lãnh đạo trẻ Macron đã điều chỉnh quỹ đạo trở lại với tinh thần chủ nghĩa De Gaulle - Mitterand, với nguyên tắc cơ bản là đường lối độc lập, chủ động và tự chủ.

Xu hướng này có thể thấy khá rõ ngay cả đối với châu Á, một trong những hướng ngoại giao quan trọng mà ông Macron đẩy rất mạnh gần đây. Từ khi lên nắm quyền, ông liên tục tới thăm hoặc đón tiếp lãnh đạo nhiều nước quan trọng trong khu vực, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Việt Nam, Australia và sắp tới là Nhật Bản.

Đề cao nguyên tắc bảo vệ sự ổn định trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, một mặt Paris ra sức củng cố quan hệ với tất cả các nước, mặt khác đưa ra thông điệp cứng rắn cảnh báo các hành vi đi ngược lại công pháp đã được cộng đồng thế giới công nhận.

Hơn một năm nay, sự diện diện của hải quân Pháp trong vùng Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tăng hẳn lên, dù Paris vẫn duy trì thái độ thận trọng. Nói cách khác, nguyên tắc độc lập chiến lược được bảo toàn, Paris chìa tay với tất cả các nước trong khu vực miễn là các quy tắc tự do lưu thông được tôn trọng.

Tổng thống Emmanuel Macron đã trụ vững, một cách đĩnh đạc, ngay trong năm đầu tiên. Trong một cuộc bầu cử bổ sung vào hạ viện hồi tháng trước, ứng cử viên đảng LREM cầm quyền đã giành chiến thắng, dấu hiệu cho thấy sự tín nhiệm đối với chính phủ, và đó là một điều không phải tranh cãi.

Việc ông Macron có thành công trong 4 năm tiếp theo và tái đắc cử được hay không phụ thuộc vào bản thân tổng thống và ekip của mình có thực sự tin tưởng vào triển vọng thành công và quyết tâm theo đuổi đến cùng các chương trình cải tổ hay không.

Mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính người Pháp, mà cho đến nay dường như đang tạo điều kiện cho Tổng thống Macron "rảnh tay" hành động. Nhưng người dân Pháp sẽ không ngồi yên nếu kết quả không như mong đợi, kinh nghiệm và thất bại của hai đời tổng thống tiền nhiệm đã chỉ ra điều đó.

Tiến Nhất (Phóng viên TTXVN tại CH Pháp)
Tổng thống Macron: Đảo Corsica không thể xa rời nền Cộng hòa Pháp
Tổng thống Macron: Đảo Corsica không thể xa rời nền Cộng hòa Pháp

Ngày 6/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới đảo Corsica trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, trong đó cho biết sẽ cố gắng đáp ứng nguyện vọng của người dân vùng này yêu cầu được hưởng quyền tự trị lớn hơn, song nhấn mạnh các yêu cầu này cần nằm trong khuôn khổ của nền Cộng hòa Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN