Ngày 17/12, Thủ tướng Anh David Cameron đã hối thúc các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận nhằm giữ nước Anh ở lại trong khối.
Thủ tướng Anh David Cameron tới dự phiên họp Hạ viện ở thủ đô London ngày 2/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nỗ lực của ông Cameron đàm phán lại các điều khoản ở lại EU của Anh trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý mà ông đã cam kết sẽ tiến hành vào cuối năm 2017 đã bị cản trở bởi yêu cầu buộc những người di cư vào EU phải có 4 năm làm việc trước khi được nhận phúc lợi.
Các đối tác EU coi yêu cầu này là bất khả thi trong khi những người thuộc đảng Bảo thủ phản đối việc ở lại trong EU đã vội vàng nói bóng gió rằng ông có thể bỏ qua yêu cầu này như một bằng chứng cho thấy việc tái đàm phán chỉ là sự giả dối được dàn dựng và sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận quấy quá cho xong vào đầu năm tới.
Steve Baker, Nghị sĩ đảng Bảo thủ đang vận động ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU, nói: “Nếu Thủ tướng không thể thuyết phục các nước EU chấp thuận yêu cầu này thì thực sự chẳng có nghĩa lý gì. Tôi cho rằng đến tháng 2 sẽ có một cái gì đó được đưa ra để thể hiện răng có thành công nào đó chứ không phải mọi chuyện vẫn không đâu vào đâu”.
Ông cho biết hiện có hơn 1/3 trong tổng số 331 nghị sĩ thuộc đảng của ông Cameron có thể đang cân nhắc việc Anh rời khỏi EU. Những thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ hoài nghi việc ở lại EU đang chờ đợi kết quả cuối cùng của hành động “đi trên dây” của ông Cameron trước khi đưa ra quan điểm rõ ràng của mình, dù Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon hồi tháng 10 đã mỉa mai rằng “chúng ta hiện đều là người phản đối việc ở lại trong EU”.
Những người ủng hộ việc ở lại EU sợ ông Cameron có thể đẩy nước Anh tới tình huống bất ngờ rời khỏi EU nếu trong đàm phán ông lại quá mong muốn làm hài lòng những người phản đối ngay trong đảng của mình và những đảng viên Bảo thủ cấp cao, những người đang tìm cách kế nhiệm ông trước năm 2020.
Việc nước Anh rời khỏi EU sẽ làm rung chuyển cả khối này (một liên minh đã lung lay bởi bất đồng về vấn đề người di cư và tương lai của khu vực đồng tiền chung euro) vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai và là một trong hai cường quốc quân sự trong khối.
Việc rời khỏi EU còn có thể làm Liên hiệp Anh tan vỡ bởi sẽ kích động một cuộc bỏ phiếu đòi độc lập nữa ở Scotland. Nền kinh tế với GDP 2.900 tỷ USD này sẽ đối mặt với nhiều năm đàm phán về những điều khoản khi rời khỏi EU.
Ông Cameron cho biết ông sẽ đề xuất việc nước Anh ở lại EU nếu đạt được những gì ông muốn song cũng nhắc lại cảnh báo rằng ông không loại trừ điều gì nếu không đạt được thỏa thuận, đây là báo hiệu cho chiến dịch vận động ra đi, điều sẽ khiến cho tình huống Anh rời khỏi EU chắc chắn xảy ra.
Thời gian tiến hành trưng cầu dân ý chưa cụ thể song ông Cameron cho biết ông muốn càng sớm càng tốt. Nếu ông đạt được thỏa thuận vào tháng Hai tới, như lời Chủ tich Hội đồng châu Âu Donald Tusk dự trù là có khả năng, thì việc trưng cầu dân ý có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 6/2016.
Những người phản đối việc ở lại EU cho rằng nếu lấy lại được toàn bộ chủ quyền, Anh có thể trở thành trung tâm thương mại toàn cầu nằm ngoài khối mà theo họ khối này đã tụt lại khá xa so với các đối thủ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Anh đang bị chia rẽ quan điểm trong vấn đề là thành viên EU, với một số lượng đáng kể vẫn chưa đưa ra ý kiến của mình dù những ý kiến cho rằng việc các nước EU không đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư có thể dẫn tới việc nước Anh rời khỏi EU.
Có tới 1/3 nội các của ông Cameron, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, Ngoại trưởng Philip Hammon, đã bày tỏ quan điểm hoài nghi về EU.
Tim Bale, Giáo sư Chính trị học thuộc Đại học Nữ hoàng Mary tại London, tác giả cuốn “Đảng Bảo thủ - từ Thatcher tới Cameron”, đặt câu hỏi: “Liệu tất cả họ có công khai vận động ‘rời khỏi EU’ nếu ông Cameron đang tranh luận việc ‘ở lại’?
Sự ủng hộ dành cho ông Cameron trong nội các thực sự phụ thuộc vào chính ông: nếu ông nghĩ ông có thể chấp nhận mất một vài người, thì ông có thể giữ một lập trường cứng rắn hơn, còn nếu ông nghĩ rằng ông mất quá nhiều người và rằng một cuộc biểu tình có thể làm hỏng uy tín lớn của Chính phủ, thì những lựa chọn của ông bị hạn chế hơn”.