Nói cách khác, EU đang cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm và chia sẻ trong đại dịch COVID-19. Đây là phép thử mới nhất trắc nghiệm tinh thần đoàn kết, vốn là cơ sở để thành lập EU.
Tối 17/3, EU đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối. Các nhà lãnh đạo đã thống nhất áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào EU, trừ một vài ngoại lệ nhỏ. Cùng với đó, EU thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị y tế được thông suốt. Lãnh đạo các nước EU cũng phê duyệt một tuyên bố do Nhóm bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đưa ra, trong đó có nội dung sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Để đạt được kế hoạch hành động chung này, EU đã phải mất một thời gian dài loay hoay. Ngay khi đại dịch bệnh bùng phát tại Italy và bắt đầu lây lan sang các nước châu Âu, nhiều nước thành viên EU đã đẩy mạnh các biện pháp đơn phương, tạo ra một hình ảnh về sự rối loạn với những hành động đơn lẻ vì đất nước mình. Lãnh đạo EU cũng như các nước thành viên rơi vào bối rối và đã chần chừ khi đánh giá thấp sự bùng nổ của bệnh dịch và những hậu quả tiêu cực đến kinh tế. Hầu như không thành viên nào có biện pháp hỗ trợ cụ thể dành cho Italy, ổ dịch lớn nhất châu Âu.
Cho đến trước cuộc họp ngày 17/3, trước sự lây lan khó kiểm soát của dịch COVID-19 tại châu Âu, 27 nước EU đã tự đưa ra những phản ứng riêng rẽ, không đồng bộ, với việc nhiều nước tự thiết lập lại việc kiểm soát biên giới. Điều 28 của bộ luật không gian tự do đi lại Schengen quy định rằng một quyết định như vậy có thể được đưa ra trong trường hợp đặc biệt, trong khoảng thời gian 10 ngày và có thể gia hạn lên đến 2 tháng, khi một mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự công cộng hay hoặc an ninh nội bộ của một quốc gia thành viên đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức. Sau đó, các quốc gia phải thông báo cho Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên còn lại về quyết định của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia như Áo, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Đức, Hungary, Litva và Ba Lan, cũng như Na Uy và Thụy Sĩ, Tây Ban Nha đã thông báo quyết định thiết lập lại kiểm soát biên giới với tất cả hoặc một số nước láng giềng. Đức dù lo lắng muốn bảo tồn khu vực Schengen, vốn đã lung lay do cuộc khủng hoảng di cư và các cuộc tấn công khủng bố trong những năm gần đây, cũng đã thông báo đóng cửa biên giới với 5 nước láng giềng.
Những biện pháp này đã gây hậu quả thực sự và ngay lập tức cho dòng chảy hàng hóa trong EU. Hàng dài xe tải nối đuôi nhau tại các khu vực biên giới của nhiều quốc gia. Điều làm dấy lên nỗi lo ngại về việc chậm trễ nguồn cung của các công ty châu Âu, vốn đã quen với việc lưu thông hàng hóa trơn tru trong EU, thường duy trì hoạt động với việc lưu trữ hàng hóa ở mức tối thiểu.
Trên thực tế, giữa các quốc gia thành viên cùng chia sẻ một thị trường chung và khu vực đi lại tự do chung (Schengen) như EU, biện pháp này tạo ra thách thức không nhỏ trong quá trình phối hợp cùng nhau, đặc biệt để đảm bảo các bệnh viện được tiếp cận với các trang thiết bị điều trị bệnh COVID-19 và sự lưu thông hàng hóa cần thiết cho hoạt động thường nhật của nền kinh tế. Quyết định tối 17/3 về việc thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu được kỳ vọng sẽ đảm bảo khơi thông dòng chảy vật tư hàng hóa, nhất là trang thiết bị y tế.
Việc phân phối trang thiết bị y tế tại EU cũng đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Khi tình hình bệnh dịch ở Italy trở nên đáng báo động, Pháp và Đức ngày 4/3 đã quyết định không xuất khẩu các trang thiết bị bảo vệ trong ngành y tế. Trong khi EC phải đấu tranh để yêu cầu hai nước hành động có lý hơn, với kết quả là Berlin tuyên bố giao một triệu khẩu trang cho Italy, thì các nước khác như Cộng hòa Séc, Bulgaria và... ngay cả Italy cũng lại thông báo ý định cấm xuất khẩu thiết bị bảo vệ y tế.
Trước thực trạng này, Chủ tịch EC Usula Von der Layen đã kêu gọi 27 nước nêu cao tinh thần liên minh, bày tỏ hy vọng rằng trên cơ sở xem xét tác động hằng ngày của các biện pháp, các quốc gia thành viên sẽ hiểu ra rằng lợi ích lớn nhất mà họ có được là nhờ sự hợp tác và áp dụng cách tiếp cận thống nhấ.
Theo bà Usula Von der Layen, với một liên minh như EU, việc các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp đơn phương là điều hoàn toàn không tốt cho nỗ lực chung để chống lại dịch bệnh vốn không có biên giới. Và điều này còn tạo ra những hiệu ứng domino. Những biện pháp đơn phương đó đã ngăn cản thiết bị y tế đến với bệnh nhân, bệnh viện và nhân viên y tế đang có nhu cầu khẩn cấp. Trong bối cảnh đoàn kết giữa các quốc gia thành viên đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát đơn lẻ có thể gây tác dụng ngược.
Trong nỗ lực hành động vì cộng đồng, Ủy ban châu Âu đã tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho EU. Cuối tháng 2, EC tổ chức cuộc gọi thầu đầu tiên về thiết bị bảo hộ y tế cho 20 quốc gia thành viên, trong đó 6 nước Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Litva, Bồ Đào Nha và Phần Lan không tham gia. Ngày 16/3, hai cuộc mời thầu nữa đã được tổ chức để mua máy thở và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Vì vấn đề y tế và biên giới không nằm trong thẩm quyền của các cơ quan của châu Âu, những nỗ lực phối hợp này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ thiện chí của các quốc gia thành viên.
Kế hoạch hành động chung được EU nhất trí cho thấy các nước thành viên đã thực sự nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 và việc kiềm chế dịch lây lan đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bên cạnh kế hoạch chung này, mỗi quốc gia cũng quyết định dựa trên thực tế của nước mình, nhưng nhìn chung đều cho thấy sự lo lắng của các chính phủ với hàng loạt biện pháp cứng rắn như đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng, hủy bỏ các hoạt động văn hóa thể thao…
Trong những ngày này, hầu hết các thành phố của châu Âu đều vắng vẻ hẳn, các con phố trước kia đông đúc thì nay chỉ lác đác bóng người, các cửa hàng đóng kín, bàn ghế xếp lại... Nếu trước đây, thái độ của người dân châu Âu vẫn còn coi nhẹ với lập luận "số người tử vong hằng năm vì cúm mùa còn nhiều hơn", một số người thậm chí còn cảm thấy khó chịu khi phải thực hiện các biện pháp hạn chế mạnh mẽ của chính phủ, thì nay tình hình đã có sự chuyển biến.
Chính quyền, các cơ quan truyền thông và nhiều thành viên trên mạng xã hội đang kêu gọi mọi người tuân thủ nghiêm ngặt quy định với thông điệp "Hãy ở nhà, dừng lại sự ích kỷ". Những hành động thiếu trách nhiệm, như vụ nhiều thanh niên Bỉ trước khi lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar có hiệu lực tại Brussels đã cùng nhau tụ tập ăn chơi, thậm chí còn rủ nhau sang nước láng giềng Hà Lan để mở tiệc, đã bị cộng đồng, báo chí lên án mạnh mẽ.
Cuộc sống người dân EU đứng trước những thay đổi quá đột ngột khi nhiều biện pháp hạn chế chưa từng có được áp đặt trong thời bình. Nhưng trong hoạn nạn, nhiều hành động chia sẻ và đồng cảm rất đáng trân trọng đã xuất hiện. Như ở Bỉ, những sáng kiến theo nhiều cách khác nhau đã được thực hiện để giúp đỡ những người già neo đơn hoặc người bệnh đang cách ly tại nhà gặp khó khăn. Một nhóm gồm 4 doanh nhân đã xây dựng một trang web tuyển các tình nguyện viên để giúp đỡ người bệnh đang cách ly cùng khu phố trong việc mua sắm thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu...
Châu Âu chắc chắn chưa thể đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong ngày một ngày hai, nhưng việc người dân bắt đầu hành động với ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ và thực hiện các biện pháp kiên quyết của chính phủ đề ra, các nước chia sẻ, chung tay, đồng lòng... có cơ sở để hy vọng rằng EU sẽ cùng nhau vượt qua được thử thách lần này.