Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động ở 50% trong tổng số 12 khu vực trên lãnh thổ Mỹ cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới doanh số bán hàng và khiến một số doanh nghiệp trì hoãn thực hiện các dự án, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang tiếp tục tăng.
Theo báo cáo trên, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với mức độ vừa phải trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, tuy nhiên, hai khu vực St. Louis và Kansas chỉ đạt mức tăng trưởng "dưới trung bình", trong khi hoạt động sản xuất ở khu vực Richmond, thuộc bang Virginia cũng khá chậm chạp.
Giới chuyên gia cho rằng FED sẽ thông báo tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo - dự kiến diễn ra trong 2 tuần tới - để kiềm chế mức lạm phát đang tăng, một chính sách không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump.
Theo báo cáo trên, các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung vẫn lạc quan về triển vọng ngắn hạn, mặc dù hầu hết các khu vực đều lo lắng và hoài nghi về những căng thẳng thương mại đang diễn ra. Theo những doanh nghiệp tham gia khảo sát, cuộc chiến thương mại đã khiến các mặt hàng trong lĩnh vực sản xuất và một số ngành hàng khác tăng giá, trong khi các mặt hàng nông sản chủ chốt như đậu nành lại giảm mạnh.
Trong khi đó, Thống đốc FED Lael Brainard cho biết, FED có đủ điều kiện để tăng lãi suất trong một vài năm tới mà không làm tăng trưởng kinh tế giảm tốc, và chính sách tiền tệ của nước này sẽ có thể tiếp tục được thắt chặt vào một số thời điểm nhất định.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Detroit, bà Lael Brainard cho rằng, với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% và tỷ lệ lạm phát của Mỹ gần mức mục tiêu 2% mà FED đề ra, việc cơ quan này tiếp tục tăng dần lãi suất có thể là điều thích hợp trong 1 hoặc 2 năm tới.