Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G-20 được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay. Thế nhưng, chỉ những ngành có thể tiếp cận nguồn lực và được chính phủ hỗ trợ mới hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế.
Mỗi buổi sáng, nhìn thoáng qua, khu phố Qiaonan ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông dường như toát lên vẻ náo nhiệt với nhiều cửa hiệu bày bán la liệt các mặt hàng dệt may. Nhưng tiến lại gần, con phố dài 500m lại mang dáng vẻ của một khu chợ tuyển dụng lao động ngoài trời, với hàng nghìn lao động nhập cư tìm kiếm việc làm gần các phân xưởng, nhà máy cung cấp sản phẩm cho chợ Zhongda - chợ vải lớn nhất Trung Quốc.
“Tôi làm việc cật lực, nhưng thu nhập vẫn không đủ để trang trải cho gia đình. Tại thời điểm hiện nay, tôi thấy mình kiếm được ít tiền hơn so với hồi tháng 6 hoặc tháng 7”, Hu Lixiu, một lao động nhập cư đến từ tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung chia sẻ trong khi tìm việc làm thêm. Ngày làm việc 14 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, Hu chỉ có thể kiếm được 165 nhân dân tệ (trên 500.000 đồng) từ công việc may vá, trong khi bản thân cô phải trả tiền thuê nhà, gửi tiền cho cha mẹ già và con nhỏ ở quê.
Trong khi nhân công lao động đổ dồn về Quảng Châu, giới chủ doanh nghiệp tại đây gần như không có khả năng tạo thêm việc làm. Huang Weijie, chủ một cơ sở dệt may quy mô nhỏ, cho biết công việc ổn định giờ hầu như không còn bởi không rõ đơn đặt hàng mới thế nào.
“Tôi không đủ khả năng để thuê mướn nhân công toàn thời gian. Tôi đã làm việc trong ngành dệt may hơn 10 năm và chưa bao giờ thấy số người tìm kiếm việc làm lại đông đến vậy. Giá thuê mướn nhân công giảm và thiếu ổn định so với vài năm trước”, ông Huang chia sẻ và cho biết thêm xưởng của ông giờ chỉ tuyển dụng nhân công tại chợ lao động theo hình thức công nhật.
Tình cảnh con phố Qiaonan làm lộ rõ một thực tế rằng phục hồi phục kinh tế đang đi theo hai con đường trái nhau sau khủng hoảng COVID-19. Trung Quốc nhiều khả năng là nền kinh tế duy nhất trong G-20 có GDP tăng trưởng dương năm nay, nhưng đà hồi phục chỉ tập trung vào những ngành có được sự hỗ trợ của nhà nước.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 9,5%, nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ từ bên ngoài với mặt hàng điện tử, thiết bị, đồ dùng y tế. Lĩnh vực xây dựng, hạ tầng cũng bùng nổ do các chính quyền địa phương tăng chi tiêu công. Nhưng các nhà máy truyền thống ở Trung Quốc đang phải đối diện với cầu suy yếu, khiến hàng triệu người thất nghiệp.
Thực tế này đang tạo ra khó khăn cho Bắc Kinh trong triển khai chiến lược kinh tế “vòng tuần hoàn kép”, kế hoạch tập trung vào khai phá sản xuất, tiêu dùng nội địa, lấy đây là nền tảng cho tăng trưởng để đối phó với môi trường quốc tế ngày một thù địch hơn. Thu nhập giảm sút, đặc biệt là trong nhóm 270 triệu lao động nhập cư, đồng nghĩa với chi tiêu dùng nội địa giảm.
Theo ông He Keng, một nhà kinh tế và cựu luật sư có tiếng, các doanh nghiệp nhỏ đang đứng trước tình thế đặc biệt đáng lo ngại, dù kinh tế Trung Quốc nhìn toàn cục đang phục hồi. “Nếu tình hình tại các doanh nghiệp nhỏ không tốt, vấn đề việc làm hiển nhiên sẽ rất xấu”, ông chia sẻ.
Theo số liệu công bố chính thức, Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 tạo được 7,81 triệu việc làm, thấp hơn 2 triệu việc làm so với cùng kỳ năm ngoái. Thất nghiệp đặc biệt trầm trọng ở nhóm lao động nhập cư, mà nhiều người trong số này không thuộc diện được thống kê chính thức.
Các con đường quanh chợ vải Zhongda gần như vắng lặng, khác hẳn với hình ảnh tấp nập khách mua hàng, phương tiện vận chuyển liên tục qua lại một năm trước. Với hơn 50 phân khu chợ có quy mô khác nhau, chợ vải Zhongda có diện tích hơn 10km2. Zhongda có khoảng 20.000 cửa hàng, với 100.000 nhân viên chuyên bán, phân phối khoảng 100.000 các sản phẩm sợi, dệt may, quần áo.
Ông Peng Biao, chuyên gia phân tích tại trang tin Fashionprint chuyên về ngành dệt may và chuỗi cung dệt may, nhìn nhận rằng giới tiểu thương và các nhà cung cấp tỏ ra bi quan về khả năng phục hồi đơn hàng dệt may. Ông nói: “Tổng lượng đơn hàng xuất khẩu có tăng trong tháng 7 và tháng 8, nhưng cơ cấu mặt hàng sản phẩm đã thay đổi. Xuất khẩu chủ yếu bây giờ là cờ, khăn quàng và mặt hàng liên quan đến khẩu trang. Nhiều nhà máy đã hạ giá bán buôn do cạnh tranh ngày một gay gắt”.
Đơn hàng ít, giá thành sản phẩm giảm tác động trực tiếp đến những người lao động như Hu Lixiu. Cô nói: “Chúng tôi chỉ có thể kiếm được 4 nhân dân tệ khi may hoàn thiện một chiếc váy bò, 10 nhân dân tệ cho một chiếc áo sơ mi và 15 nhân dân tệ cho một áo gió. Dù có làm việc cật lực, tôi cũng chỉ có thể kiếm được 150 nhân dân tệ/ngày”.