Báo "Vedomosti" ngày 8/12 dẫn một nguồn thạo tin trong Bộ Năng lượng Nga cho biết dù đã tuyên bố ngừng xây dựng, Chính phủ Nga vẫn chưa ra lệnh hủy hiệp định liên chính phủ với các nước tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam".
Về mặt chính thức, Bộ Năng lượng Nga từ chối bình luận thông tin này. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov không trả lời về khả năng ngừng các thỏa thuận. Chính phủ các nước tham gia -Bulgaria, Serbia, Hungary và Áo cũng từ chối bình luận.
Cho đến nay, tổng thầu xây dựng - công ty Italia, Saipem đã nhận được thông báo đình chỉ dự án, đoạn đi qua biển của "Dòng chảy phương Nam". Công ty này cho biết thông báo liên quan đến công việc của các tàu tham gia đặt các đường ống. Về phần mình, đại diện tập đoàn South Stream Transport B. V., chịu trách nhiệm xây dựng đoạn qua biển của "Dòng chảy phương Nam", khẳng định chỉ ngừng hoạt động tàu đặt đường ống Castoro Sei đã bắt đầu công việc. Chưa có những thay đổi khác trong dự án.
South Stream Transport nhấn mạnh việc thông qua quyết định thay đổi hay hủy bỏ dự án chỉ bốn cổ đông tập đoàn - Gazprom (chiếm 50% cổ phần), Eni của Italia (20%), EDF của Pháp và Wintershall của Đức (mỗi công ty 15%) - có quyền quyết định.
Dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" được ngừng ngày 1/12, sau chuyến thăm Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo giải thích của nhà lãnh đạo Nga, dự án không thể tiếp tục trong điều kiện hiện nay. Và Nga dự định xây hệ thống đường ống mới, hướng tới các thị trường khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc từ bỏ dự án khiến Hungary và Serbia không hài lòng. Cụ thể Thủ tướng Hungary cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) phá hoại Dòng chảy phương Nam. Tổng thống Serbia tuyên bố ông dự định tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Putin để tiếp tục hợp tác hơn giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
"Dòng chảy phương Nam" trị giá 15,5 tỷ euro, dự kiến cung cấp cho Châu Âu 67 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nó đi qua Biển Đen tới các nước Nam và Trung Âu. Theo kế hoạch tuyến đường ống được vận hành vào cuối năm 2015. Theo kế hoạch tuyến đường ống sẽ tiếp tục đi qua lãnh thổ Bulgaria, Serbia, Hungary, Áo, Italia và Slovenia. Macedonia cũng mong muốn tham gia dự án.
Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)