Tập đoàn năng lượng Saipem của Italy tuyên bố sẽ bị mất khoảng 2 tỷ USD từ quyết định dừng dự án này. Trước đó, Tổng thống Bulgaria Rose Plevneliev kêu gọi các đối tác châu Âu tham gia dự án cần phải có tiếng nói của mình. Đại diện từ Serbia thì bày tỏ vẫn rất quan tâm đến việc tiếp tục thúc đẩy dự án, trong khi Ngoại trưởng Hungary cho biết quốc gia này sẽ phải tìm kiếm nguồn khí tự nhiên khác để bù đắp cho nguồn cung từ đường ống dẫn khí đốt này.
Quyết định của Nga được đưa ra trong chuyến thăm của ông Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Moskva tuyên bố hủy việc xây dựng đường ống khí đốt sang châu Âu, thay vào đó xây dựng một đường ống tương tự đến Thổ Nhĩ Kỳ, xác định quốc gia này là điểm trung chuyển quan trọng trong xuất khẩu khí đốt của Nga. Theo mạng tin "Stratfor", quyết định này không chỉ làm thay đổi bức tranh năng lượng ở khu vực mà còn nhiều mối quan hệ ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Hủy "Dòng chảy phương Nam", Nga đang làm thay đổi bức tranh chính trị và năng lượng khu vực. Ảnh: AFP.
|
Dự án "Dòng chảy phương Nam" là dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lồ do Tập đoàn Gazprom của Nga làm chủ đầu tư nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ lục địa Nga, xuyên qua Biển Đen, tới Trung và Nam Âu, gồm các quốc gia như Bulgaria, Serbia, Hungary, Hy Lạp, Slovenia, Croatia và Áo.
Mục đích chính của đường ống này là kết nối trực tiếp Nga với châu Âu mà không qua Ukraine. Gazprom nắm giữ 50% cổ phần dự án, đối tác ENI của Italy chiếm 20%, Wintershall của Đức 15% và EDF của Pháp nắm 15%. Kế hoạch ban đầu của đường ống này là nhằm đạt công suất 63 tỷ m3 khí, chiếm khoảng 40% xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu nếu đạt đúng công suất.
Dự án ngày càng trở nên quan trọng với Moskva trong năm qua khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đe dọa các đường ống dẫn khí qua lãnh thổ nước này xuất khẩu từ Nga sang châu Âu. Tuy vậy, dự án cũng đang đối mặt với một loạt trở ngại kể từ khi bắt đầu khởi công từ năm 2007. Thứ nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối việc xây dựng đường ống này, cho rằng nó đã vi phạm luật của châu Âu yêu cầu tách riêng hai lĩnh vực sản xuất và vận chuyển năng lượng.
Ủy ban châu Âu đã sử dụng luật này gây sức ép lên tất cả các nước EU đã ký thỏa thuận với Nga xây dựng đường ống. Trước sức ép này, Bulgaria đã tạm dừng việc xây dựng phần đường ống qua lãnh thổ của mình vào tháng 6.
Trở ngại thứ hai là chi phí ngày càng tăng của dự án. Năm 2007, Gazprom ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD, nhưng tới năm 2014, con số này đã tăng gấp 3 lần lên 30 tỷ USD và thậm chí còn có khả năng cao hơn nữa. Dù có nguồn tài chính khá vững, nhưng với nhiều dự án lớn đang chờ Gazprom như việc xây dựng đường ống sang Trung Quốc, tập đoàn này sẽ không đủ khả năng tài chính để tiếp tục dự án nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ Nga. Trước tình hình giá dầu giảm mạnh cùng tác động từ các lệnh cấm vận của phương Tây, rất khó để Kremlin chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn như vậy để hỗ trợ Gazprom.
Với việc hủy dự án "Dòng chảy phương Nam" và đề xuất xây dựng đường ống Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đang làm thay đổi bức tranh chính trị và năng lượng ở khu vực. Đầu tiên, Nga đã tìm cách sử dụng dự án này nhằm tạo lợi thế đòn bẩy trước Ukraine và một số nước Đông Nam Âu. Nga đưa ra các đề xuất hỗ trợ Bulgaria, Serbia và Hungary, cam kết an ninh năng lượng, tạo việc làm và nguồn thu để có được sự hậu thuẫn từ các quốc gia này cho dự án trên.
Quyết định từ bỏ dự án của Nga sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ chính trị với các đối tác châu Âu tham gia dự án. Các nước như Hungary và Serbia đã dành nhiều vốn chính trị gây sức ép với EU ủng hộ cho việc xây dựng đường ống. Và giờ chính các nước này lại phải tìm đến EU để giúp họ bảo đảm nguồn cung năng lượng.
Nếu đường ống dẫn khí Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng, đường ống này cũng là một lựa chọn khác hỗ trợ việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Điểm đến của dự án "Dòng chảy phương Nam" là cung cấp trực tiếp cho các nước Đông Nam Âu bằng nguồn khí đốt từ Nga mà không cần qua Ukraine.
Theo kế hoạch mới này, nguồn cung năng lượng của Nga sẽ vẫn tránh được Ukraine, chọn Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển thay thế. Nga không có ảnh hưởng đối với Thổ Nhĩ Kỳ như đối với Ukraine, điều này đồng nghĩa việc Moskva sẽ ít có khả năng hơn trong việc chính trị hóa vấn đề cung cấp nguồn khí đốt.
Cuối cùng, tuyên bố hủy dự án "Dòng chảy phương Nam" của Nga xuất phát phần lớn từ căng thẳng chính trị giữa Nga và EU. Nga vẫn có thể nối lại dự án này nếu mối quan hệ thay đổi trong tương lai. Còn hiện nay, việc từ bỏ dự án dường như là bước thụt lùi trong chiến lược năng lượng của Nga ở châu Âu, nhưng Nga có thể đang sử dụng các dự án dẫn khí bổ trợ cho nhau nhằm định hình các cuộc đàm phán chính trị và năng lượng ở khu vực.
TTK