Cuộc tập trận Northern Strike 23 kéo dài 10 ngày ở Camp Grayling, Michigan, diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng nguy cơ rằng mối căng thẳng cao độ giữa Moskva và phương Tây có thể lan sang khu vực Bắc Cực.
Tờ Military Times đưa tin khi đến thăm nơi tổ chức tập trận Northern Strike 23, Tướng Mỹ Dan Hokanson, Tư lệnh Vệ binh Quốc gia, đã theo dõi hoạt động bắn đạn thật đối với lựu pháo M777 Howitzer, một trong những vũ khí mà NATO cấp cho quân đội Ukraine sử dụng.
Pháo binh dã chiến chính là trọng tâm của cuộc tập trận trên, với sự tham gia của quân đội từ Latvia, một quốc gia vùng Baltic cũng đang cảnh giác với mối đe dọa do xung đột Nga – Ukraine gây ra. (Xem video tập trận dưới đây. Nguồn: National Guard)
Ông Malte Humpert, người sáng lập Viện nghiên cứu Bắc Cực, nhận định các cuộc tập trận của lực lượng dự bị quân sự Mỹ này thực sự là dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng đẩy mạnh tính sẵn sàng đối với khu vực Bắc Cực.
Ông nói với tạp chí Newsweek: “Đó không phải là sự chuẩn bị cho Thế chiến thứ ba, mà chỉ là một bước đi cho thấy Mỹ xem Nga là đối thủ và sự đối địch đó có khả năng mở rộng đến Bắc Cực, nơi luôn được coi là một khu vực ngoại lệ”.
Các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Na Uy, cùng các thành viên tiềm năng như Thụy Điển và Phần Lan sẽ trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ nếu như xảy ra bất kỳ vụ đối đầu nào trong khu vực. Cùng lúc đó, Tướng Hokanson nói với Military Times: “Chúng tôi phải có khả năng đi đến bất cứ nơi nào có thể xảy ra giao tranh và chúng tôi cần phải hiện diện ở đó”.
Hai tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch ở Ukraine, các thành viên của Hội đồng Bắc Cực đã quyết định tạm dừng tham gia tổ chức này, do đó cắt đứt hợp tác với Nga và các nước láng giềng trong khu vực.
Hãng CNN đưa tin vào tháng 12/2022, trích dẫn bằng chứng là các hình ảnh vệ tinh, ngay cả khi tập trung nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn tiếp tục mở rộng các căn cứ quân sự ở Bắc Cực trong năm qua, cải thiện hệ thống radar và đường băng tại khu vực này.
Tháng 1/2023, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố báo cáo về việc Mokva đang gia tăng sử dụng các chiến thuật hỗn hợp ở Bắc Cực về cả tần suất lẫn quy mô. Chiến lược Bắc Cực của chính phủ Mỹ cũng chỉ ra rằng chiến dịch của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Bắc Cực, cũng như tạo ra những nguy cơ xung đột ngoài ý muốn mới.
Theo CSIS, lợi ích quân sự của Nga ở Bắc Cực chủ yếu là phòng thủ. Những điều này bao gồm bảo vệ khả năng răn đe hạt nhân trên biển như bán đảo Kola, các siêu dự án dầu khí như Yamal LNG và Vostok Oil, và tuyến đường biển phía Bắc đóng vai trò như một tuyến đường thương mại trong tương lai.
CSIS cho biết Nga cũng có các mục tiêu tấn công ở Bắc Cực, chẳng hạn như sử dụng nó làm nơi để triển khai sức mạnh đe dọa các quốc gia Bắc Cực thuộc châu Âu, chưa kể đến bối cảnh nổ ra xung đột NATO – Nga.
Các căn cứ quân sự, sân bay của Nga và sự hiện diện của Hạm đội phương Bắc ở khu vực Murmansk là một phần trong khoản đầu tư đáng kể của nước này vào khu vực vốn không phải là ưu tiên an ninh hàng đầu của Mỹ hoặc NATO trong những năm gần đây.
Ông Humpert cho biết Nga đang thúc đẩy và Mỹ đang bắt kịp ở một mức độ nhất định. Ông đồng thời lưu ý rằng với 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới hiện được sản xuất trên Vòng Bắc Cực, Nga cũng coi khu vực này là chìa khóa quan trọng cho nền kinh tế cũng như chiến lược phát triển của thời gian tới.
Sức mạnh của các thỏa thuận quốc tế đã tồn tại khiến ông Malte Humpert tin tưởng sẽ không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào được khơi mào trong khu vực để tranh giành các nguồn tài nguyên ở đây. Thay vào đó, ông nói rằng một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là cuộc xung đột bắt đầu bên ngoài Bắc Cực và lan sang Bắc Cực, biến Bắc Cực trở thành chiến trường.
"Không nên nghĩ rằng xung đột quân sự quy mô lớn là các tàu chiến bắn nhau hay tên lửa hoặc bộ binh giao tranh. Nó có thể giống như một loại xung đột âm ỉ trong đó mọi thứ bị phá hoại hoặc các tuyến đường vận chuyển bị phong tỏa”, người sáng lập Viện nghiên cứu Bắc Cực nói.
Tạp chí Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin ý kiến bình luận về vấn đề này.