Tuy nhiên, liệu xu hướng này có bền vững trong dài hạn hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Lợi thế ngắn hạn
Trong ngắn hạn, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá do sự hội tụ chưa từng có của các động lực từ cả trong nước và quốc tế. Các nhà giao dịch ngoại hối đang tập trung vào việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể áp đặt thuế quan khi trở lại Nhà Trắng. Theo các bài đăng của ông trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump được cho là đang lên kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và thêm 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Các loại thuế mới này sẽ đẩy giá hàng hóa nước ngoài lên cao hơn, khiến người tiêu dùng Mỹ có xu hướng mua ít hàng nhập khẩu hơn và chuyển sang mua hàng sản xuất trong nước. Nhưng với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và khả năng mở rộng sản xuất của Mỹ còn hạn chế, nguồn cung hàng hóa sản xuất trong nước không dễ dàng tăng lên để đáp ứng nhu cầu cao đột biến, điều này tạo ra sự mất cân bằng. Vì vậy, đồng USD sẽ phải tăng giá để hướng người tiêu dùng quay trở lại nguồn cung hàng nhập khẩu để cân bằng lại thị trường, vì khi "đồng bạc xanh" mạnh lên, hàng nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn.
Hơn nữa, việc gia hạn các chính sách cắt giảm thuế được ông Trump ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ càng thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ chi tiêu nhiều hơn, từ đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa cầu đối với sản phẩm của Mỹ. Vì vậy, đồng USD sẽ cần phải tăng giá hơn nữa để chuyển một phần chi tiêu đó sang nguồn cung nước ngoài.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương được cho là sẽ không làm gì để kiềm chế đà tăng của đồng USD, thậm chí là ngược lại. Thuế quan sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu tại Mỹ lên cao, từ đó khiến lạm phát gia tăng. Và lần này, rút kinh nghiệm từ những lần lạm phát trước (giai đoạn 2021-2022, khi Fed bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp với lạm phát), Fed sẽ quyết liệt hơn trong việc kiểm soát lạm phát trong tương lai, ngay cả khi lạm phát đó có vẻ chỉ là tạm thời do tác động của thuế quan. Và tăng lãi suất là một biện pháp, dù không có được sự ủng hộ của chính phủ mới.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) sẽ không quá phiền lòng khi thấy đồng tiền của mình giảm giá.
Nền kinh tế châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng lại thiếu sự đồng thuận chính trị để thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa. Vì thiếu các biện pháp hỗ trợ tài khóa, nên ECB sẽ phải gánh vác trách nhiệm vực dậy nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, khả năng cao đồng euro sẽ suy yếu về ngang giá với đồng USD, vì điều này có thể giúp ích cho nền kinh tế châu Âu bằng cách khiến hàng xuất khẩu của châu Âu rẻ hơn và cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, ECB có thể ngầm chấp nhận hoặc thậm chí khuyến khích đồng euro mất giá.
Tương tự, tại Trung Quốc, uy tín của chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đạt được, hoặc ít nhất là gần đạt được, các mục tiêu tăng trưởng. Nhưng với việc ông Trump siết chặt hoạt động thương mại không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn với cả các sản phẩm của Trung Quốc được lắp ráp và vận chuyển qua các quốc gia như Malaysia, tác động của việc này đến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ rất lớn. Trong bối cảnh đó, một đồng NDT giảm giá ở mức độ vừa phải, chẳng hạn 10% so với đồng USD, có thể thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường khác.
Bất lợi dài hạn
Mặc dù triển vọng ngắn hạn tích cực, nhưng về trung hạn, đồng USD có thể sẽ mất đi những lực đẩy ngắn hạn này. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg Markets Live Pulse, đồng USD được dự báo sẽ khởi đầu năm 2025 một cách vững chắc trước khi đối mặt với những rủi ro như lạm phát tăng nhanh và thâm hụt ngân sách gia tăng trong năm tới.
Trước thềm năm mới, 89 người tham gia khảo sát nói trên đã có ý kiến khác nhau về các trở ngại đối với đồng bạc xanh. Nỗi lo về thâm hụt ngân sách chiếm tỷ lệ cao nhất với %. 32% khác cho rằng tăng trưởng yếu hơn của Mỹ và toàn cầu sẽ gây áp lực lên đồng USD trong năm tới nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng Một, thực thi các chính sách thuế quan mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Sức mạnh của đồng USD phụ thuộc sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, thuế quan đối với nguyên liệu nhập khẩu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của Mỹ. Mà khi nền kinh tế Mỹ bị suy yếu do chính sách thuế quan, thì về lâu dài, đồng USD cũng khó có thể duy trì sức mạnh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang vay nợ rất nhiều dưới thời Tổng thống Joe Biden, và người kế nhiệm sắp tới của ông là ông Donald Trump được dự đoán sẽ tăng gánh nặng nợ quốc gia để tài trợ cho việc cắt giảm thuế.
Hơn nữa, khả năng Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát như đã nói ở trên sẽ không có lợi cho đầu tư, từ đó đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Trên hết, bất ổn chính sách kinh tế sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư. Và lịch sử đã cho thấy ông Trump là một nhân vật khó đoán định.
Rõ ràng, triển vọng ngắn hạn và dài hạn của đồng USD đang có sự mâu thuẫn. Dù các đề xuất chính sách của ông Trump có thể tạo điều kiện cho đồng USD tăng giá trong ngắn hạn, nhưng những ảnh hưởng về dài hạn của những chính sách này đối với nền kinh tế Mỹ cuối cùng sẽ hạn chế sức hấp dẫn của “đồng bạc xanh”.
Đó là những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Đồng USD đã tăng mạnh gần 5% chỉ trong khoảng thời gian từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đến lúc ông nhậm chức vào tháng 1/2017. Nhưng sau đó đồng tiền này đã giảm mạnh trong năm 2017, khi nền kinh tế Mỹ mất đà, trong khi tăng trưởng ở châu Âu lại khởi sắc.