Ngày 27/1, một bản ghi nhớ của Đại tướng Mike Minihan, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Cơ động Không quân Mỹ (AMC) bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Mặc dù Lầu Năm Góc giữ khoảng cách với nội dung của nó, nhưng bản ghi nhớ này sau đó đã được Tạp chí Lực lượng Hàng không & Không gian (Mỹ) xác nhận là xác thực.
Tạp chí Lực lượng Hàng không & Không gian (Mỹ) ngày 29/1 cho biết Tướng Minnihan, người được biết đến với phong cách sôi nổi, nhiệt huyết, đã viết trong bản ghi nhớ của mình rằng: “Tôi hy vọng là tôi sai. Linh tính mách bảo tôi rằng chúng ta sẽ chiến đấu vào năm 2025”.
Theo Tướng Minihan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba và thành lập hội đồng chiến tranh vào tháng 10/2022. Cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra vào năm 2024 và mang tới cho ông Tập một lý do.
“Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra năm 2024 và ông Tập Cận Bình sẽ đứng trước một nước Mỹ bị phân tâm. Mọi thứ đều phù hợp cho ông Tập vào năm 2025 cả về ê kíp lẫn lý do và cơ hội”, Tướng Minihan nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các phi công dưới quyền tại AMC nên chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến với Trung Quốc trong vòng hai năm tới.
Theo nhà phân tích chính trị Timur Fomenko, đây là dự đoán trực tiếp và thẳng thắn nhất từ một quan chức Mỹ về khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc bên cạnh những chỉ dấu từ Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington sẽ can thiệp, đứng về phía Đài Loan nếu Trung Quốc thu hồi hòn đảo này bằng vũ lực.
Tất nhiên, Tướng Minihan không phải là một nhà hoạch định chính sách và bản ghi nhớ không phải là tuyên bố chính thức về chính sách quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc. Nhưng nói chung không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của quân đội Mỹ và rộng hơn là tổ hợp công nghiệp - quân sự đối với việc đề ra chính sách đối ngoại của Mỹ và tâm lý chủ đạo ở Washington.
Thực tế là, đặc biệt như đã thấy ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa các cường quốc được nhìn nhận đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II hoặc đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Trong một bài viết đăng trên website của Đài RT (Nga) ngày 5/2, nhà phân tích Fomenko cho rằng nguyên nhân là do Mỹ tự coi mình là bá chủ toàn cầu hợp pháp và lâu dài. Nhưng Mỹ cũng nhìn thấy sức nóng cạnh tranh hừng hực ở sát phía sau và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết, cũng như chấp nhận rủi ro lớn, để ngăn chặn sự trỗi dậy của cường quốc đối địch.
Cho nên, theo Fomenko, Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ rơi vào “Bẫy Thucydides”, vốn được sử dụng để chỉ “một xu hướng rõ ràng dẫn đến chiến tranh khi một cường quốc mới nổi đe dọa thay thế một cường quốc hiện có với tư cách là bá chủ khu vực hoặc quốc tế”.
Vậy thế giới hiện nay ra sao? Sau ba thập kỷ trong trạng thái đơn cực với quyền bá chủ không bị thách thức thuộc về Mỹ, trật tự thế giới đang thay đổi. Thế giới hiện nay được mô tả là “đa cực mới nổi”. Trong khi đó, lịch sử cho thấy thế đa cực thường mang lại sự bất ổn vì nó tạo ra một môi trường quốc tế không an toàn, khó đoán và cạnh tranh. Ví dụ điển hình gần nhất là vào năm 1914, các cường quốc châu Âu tranh giành quyền thống trị quốc tế, cuối cùng đã dẫn tới sự bùng phát tcủa Chiến tranh Thế giới lần thứ I.
Nhà phân tích Fomenko cho rằng khi các cường quốc thế giới cạnh tranh nhau mở rộng tham vọng đế quốc, họ sẽ tìm cách kiềm chế các cường quốc khác bằng cách thành lập các liên minh và bắt đầu chạy đua vũ trang. Điểm tương đồng đáng lo ngại đã xuất hiện.
Mỹ - một bá chủ không an toàn, có sức mạnh tương đối đang giảm dần khi các cường quốc khác trên thế giới nổi lên - đang ráo riết tìm cách làm suy yếu và kiềm chế các đối thủ của mình bằng cách kích hoạt các cuộc chạy đua vũ trang và mở rộng hệ thống liên minh. Việc Mỹ tập trung vào mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông trở thành một nguyên nhân dẫn tới xung đột ở Ukraine. Nhưng đáng lo ngại hơn là việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tích cực tìm cách áp dụng mô hình đó ở khu vực Đông Á để chống lại Trung Quốc dưới các hình thức như Nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) và khối quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia, Anh, Mỹ)
Về lý thuyết, việc thiết lập các liên minh này là nhằm tạo khả năng răn đe và thể hiện sức mạnh của Mỹ, nhưng sử cho thấy hành vi đó chỉ kích động chứ không ngăn chặn xung đột. Bởi khi một quốc gia tìm cách tự trang bị vũ khí với trọng tâm là nhắm vào một quốc gia khác, thì quốc gia kia sẽ đáp trả, tạo ra một chu kỳ leo thang. Và khi một quốc gia nhận thấy rằng họ đang phải đối mặt với sự ngăn chặn quân sự, hoặc một cuộc tấn công phủ đầu có thể xảy ra, thì “lựa chọn duy nhất” của họ là tấn công trước và giáng đòn trước.
Chiến tranh Thế giới lần thứ I cho thấy khi hai nước Áo và Hungary (đồng minh của Đức) tuyên chiến với Serbia, Berlin tin rằng chiến tranh với Pháp (đồng minh của Nga) là không thể tránh khỏi, cho nên đã quyết định đánh đòn phủ đầu nhằm vào Pháp, thông qua Bỉ.
Điều đó thì có gì liên quan tới vấn đề hôm nay?
Tất nhiên, những bình luận của tướng Mỹ là quá kịch tính, ít nhất là vào thời điểm này. Tuy nhiên, bình luận ấy nguy hiểm ở chỗ nó phản ánh tâm lý rằng sớm hay muộn chiến tranh Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, nếu người ta tin rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi, chiến tranh sẽ trở thành hiện thực. Ngay bây giờ, chiến tranh Mỹ - Trung có vẻ khó tin, nhưng nhiều cuộc chiến khác trong quá khứ cũng vậy. Khi Mỹ tiếp tục gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, một điểm bùng phát hoặc một tính toán sai lầm ngày càng có nhiều khả năng xảy ra hơn và đó chính là nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm.