Chỉ nhìn qua thôi cũng đủ biết, đây là tình huống mà ông Putin một lần nữa đã lựa chọn cơ hội, thời điểm để “chế giễu” những người phương Tây thích phê phán Nga. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama còn đang cao giọng tuyên bố “ông Assad phải ra đi”, phải chăng việc ông Putin tái khẳng định sự tin tưởng, hậu thuẫn đối với Tổng thống Assad là cách đáp trả lại người Mỹ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp đồng cấp người Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AFP/TTXVN |
Câu trả lời có là “có” và “không”. Với việc tiếp đón đồng cấp người Syria, ông Putin đã thành công trong việc tăng cường tính hợp pháp của chính quyền Damascus, đồng thời gửi một thông điệp đến các thể chế “độc đoán” trong khu vực rằng: “Không giống như người Mỹ hay lá phải lá trái, các anh có thể tin tưởng vào người Nga”.
Ngoài việc thể hiện tinh thần gắn kết giữa Moskva và Damascus, ông chủ Điện Kremlin cũng cho thấy sự sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 4 năm qua. “Những kết quả tích cực của chiến dịch quân sự sẽ tạo nền tảng để đi tới một giải pháp giải hạn dựa trên tiến trình chính trị. Nga sẵn sàng đóng góp công sức, không chỉ về quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố, mà còn cả trong lộ trình chính trị. Chúng tôi đương nhiên sẽ theo đuổi đường hướng này, thông qua tham vấn sâu sát với các cường quốc, các nước trong khu vực cùng có chung mong muốn giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”, thông báo Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga nói.
Bằng việc tiếp tục đề cập đến khả năng thực hiện giải pháp chính trị ở Syria, ông Putin đã đặt Moskva vào vị trí trung tâm của bất kì nghị trình ngoại giao nào, đàm phán nào. Nga có nhiều lợi ích ở Syria, xét theo cả bề rộng lẫn chiều sâu và Điện Kremlin chắc chắn muốn khẳng định mình là nhân tố chủ chốt, không thể thiếu trong các vòng thảo luận bàn về giải pháp chính trị chấm dứt xung đột ở Syria.
Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Saudi Arabia và Nga tại cuộc gặp hôm 23/10 ở Viena (Áo). Ảnh: AP |
Thông điệp đã rõ, nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu Nga có là nhà trung gian hoàn hảo, là người đi đầu trong tiến trình đàm phán trong khi vẫn một mực hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền Damascus? Câu trả lời có thể tìm ra ở nhiều khía cạnh. Trước hết, đó là việc ông Assad ngày càng cần Nga như là một điểm tựa vững chắc, kể cả là mặt quân sự hay chính trị. Hệ quả đi kèm là đến một thời điểm nhất định, Nga sẽ có “ảnh hưởng” đủ mạnh để buộc ông Assad chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Kế đến, dù ủng hộ Damascus, nhưng Moskva cũng chưa bao giờ tuyên bố xem ông Assad là đồng minh suốt đời. Cái mà Nga cần là một nhà nước Syria đơn nhất, tôn trọng, bảo đảm lợi ích của Nga, dù Syria dưới quyền lãnh đạo của ông Assad hay là một thời kì chuyển tiếp chính trị nhưng ảnh hưởng của lực lượng ủng hộ ông vẫn còn duy trì ở chính thể mới.
Nga đã hành động rất nhanh chóng sau khi có được đà từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Syria. Đầu tiên là việc Bộ Ngoại giao Nga khẳng định “Quân đội Syria Tự do” (FSA) – lực lượng nổi dậy ôn hòa được Mỹ hậu thuẫn, đã có chuyến thăm Mosvka. Ngoại trưởng Sergei Lavrov công khai đề xuất hỗ trợ hỏa lực đường không cho FSA trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Một cuộc gặp 4 bên bàn về xung đột Syria cũng được tiến hành ngay hôm 23/10, với sự tham dự của ông Lavrov với các đồng cấp người Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Dù còn có những khác biệt, nhưng một loạt các bước đi nhịp nhàng, hợp lý, mạnh mẽ của Nga đã buộc phương Tây và các đồng minh tại khu vực hiểu rằng: Ít nhất cũng phải kết hợp với Moskva để dò tìm một đường hướng chính trị nào đó ở Syria. Điểm chung là các bên cho đến thời điểm này đều nhận thấy cần phải hợp tác trong cuộc chiến chống IS.
Sự tức tối của giới lãnh đạo phương Tây trước sự ủng hộ của Nga dành cho ông Assad là điều có thể hiểu được. Nhưng giờ thì họ cũng phải hiểu ra rằng: Con đường dẫn đến một giải pháp cho khủng hoảng Syria phải chạy qua Moskva.