Có hay không một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn một nghìn người thiệt mạng như thông tin mà các trang mạng trên khắp thế giới đăng tải? Ai là người đứng sau sự việc này và liệu có xảy ra một sự can thiệp quân sự vào Syria như đã từng diễn ra tại Iraq như trước đây hay không? Cảnh hoang tàn tại khu vực được cho là do tấn công bằng vũ khí hóa học. Ảnh: CNN. |
Sẵn sàng can thiệpMột quan chức Nhà Trắng nói với CNN rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24/8 đã hội ý với các quan chức an ninh cấp cao của nước này để thảo luận về những báo cáo cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hóa học khiến hơn một nghìn người bị thiệt mạng trong tuần này và nhấn mạnh "khi xác định rõ vấn đề, Tổng thống sẽ đưa ra quyết định về cách đối phó".
Trước đó, phát biểu tại Lầu Năm Góc ngày 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết nếu thực sự những tuyên bố về việc chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học là đúng sự thật, thì sự đáp trả nhanh chóng là cần thiết để ngăn chặn những hành động tương tự có thể xảy ra tiếp theo. Ông Hagel cũng cho biết quân đội Mỹ đã lên một loạt kế hoạch can thiệp vào Syria để Tổng thống Barack Obama có thể tùy chọn sau khi có những cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.
Mặt khác, theo hãng Reuters, Cơ quan tình báo Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra một đánh giá sơ bộ cho thấy vũ khí hóa học được sử dụng bởi các lực lượng của chính phủ Syria trong một cuộc tấn công gần Damascus ngày 21/8 mà rất có thể dưới sự cho phép của ông Assad. Phát hiện thông tin tình báo ban đầu có thể làm tăng áp lực hành động của Tổng thống Barack Obama can thiệp quân sự có thể đối với chính phủ Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 23/8 cho biết thêm rằng, Lầu Năm Góc đang huy động lực lượng hải quân tiến gần Syria để chuẩn bị cho một quyết định tấn công quân sự có thể được Tổng thống Barack Obama lựa chọn. Ông Hagel từ chối mô tả chi tiết về việc triển khai lực lượng này, chỉ thông báo “Bộ Quốc phòng Mỹ có trách nhiệm chuẩn bị nhiều sự lựa chọn về lực lượng cũng như phương tiện cho Tổng thống Obama”.
Trên thực tế, tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mahan và USS Rampage của Mỹ đã được lệnh neo lại tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải trong trường hợp cần thiết cho hành động quân sự. Có tin còn cho biết, Mỹ dự kiến sẽ tăng số lượng tàu khu trục tại Địa Trung Hải lên 4 tàu và quân đội nước này cũng đã được cập nhật về các mục tiêu của Syria.
Tàu khu trục mang tên lửa hành trình USS Mahan của hải quân Mỹ đang hiện diện tại Địa Trung Hải. |
Một số chuyên gia thì nhận định một vùng đệm có thể được thiết lập ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng có thể là vùng giáp ranh biên giới giữa Jordan và Syria để tạo ra một khu vực an toàn cho người tị nạn và như là một hậu cứ cho quân nổi dậy. Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp Mỹ mới đây đã kêu gọi lực lượng không quân của quân đội đồng minh thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria để ngăn chặn chế độ Tổng thống Assad ngừng ném bom vào lực lượng nổi dậy và dân thường. Thượng nghị sĩ John McCain, một nhân vật cao cấp về chính sách đối ngoại và là cựu phi công hải quân, đã lập luận rằng điều này có thể được thực hiện tương đối dễ dàng.
"Giới hạn đỏ" và hai câu hỏi lớnTừ lâu, một giới hạn đỏ là việc sử dụng vũ khí hóa học đã được đặt ra cho chính quyền của ông Assad, và khi ranh giới này bị vượt qua thì can thiệp quân sự có thể là lựa chọn của phương Tây. Đây cũng đang là phản ứng của nhiều quốc gia phương Tây về diễn biến ngày 21/8 tại Syria.
Trả lời kênh truyền hình BFM hôm 22/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh: Nếu thực sự chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hành động. “Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học được chứng minh thì quan điểm của Pháp là cần phải có một hành động phản ứng... Ý tôi là một phản ứng bằng sức mạnh", ông Fabius cho biết.
Cùng lúc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đang ở thăm Đức cũng cho rằng: "Hội đồng Bảo an LHQ cần có hành động can thiệp cụ thể trước sinh mạng của hơn 1.000 người dân Syria". Ông đã dùng lại chính những từ ngữ mà Tổng thống Mỹ đã sử dụng cách đây một năm rằng: “Vũ khí hóa học là ranh giới đỏ mà Syria không nên vượt qua, nếu không chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt”.
"Giới hạn đỏ đã bị vượt qua tại Syria. Cho đến giờ đã có rất nhiều lần giới hạn đỏ bị vượt qua, nhưng lần này là ở mức độ tàn khốc hơn. Nguyên nhân là do vẫn chưa có những lệnh trừng phạt rõ ràng áp đặt lên chính quyền Syria của Tổng thống Assad”, Ngoại trưởng Davutoglu nói.
Tình hình Syria sau vụ hơn 1.300 người thiệt mạng do vũ khí hóa học đang trở thành một vấn đề lớn của thế giới với hai câu hỏi chính cần được giải đáp. Thứ nhất: "Có đúng là vũ khí hóa học đã được sử dụng?" và hai là: "Ai, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad hay quân nổi dậy đã sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này?". Đây là những yếu tố quan trọng sẽ quyết định tương lai của Syria khi mà các nước phương Tây chỉ cần chờ một lời khẳng định là quyết định can thiệp.
Những nạn nhân được cho là do bị tấn công bởi vũ khí hóa học. |
Các hình ảnh được hãng tin Reuters cung cấp cho thấy xác chết la liệt ở Syria, nhưng không có dấu hiệu bị thương. Một số có bọt ở mũi và miệng. Một cựu chỉ huy lực lượng sinh hóa của quân đội Anh cho rằng, dựa trên những hình ảnh này, có thể thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng và chủ yếu là khí độc Sarin.
Ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chuyên gia sinh hóa của quân đội Anh chia sẻ: “Tất cả những dấu hiệu và những người bị thương mà tôi nhìn thấy qua những hình ảnh cho thấy khí độc thần kinh đã được sử dụng và có thể đây là chất độc Sarin. Chất độc này giết chết người rất nhanh”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết cần có bằng chứng chính xác loại hóa chất nào đã được sử dụng và họ không chắc nó được vận chuyển bằng cách nào.
Lực lượng đối lập Syria đã cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học khiến hơn 1.300 người thiệt mạng. Trong khi đó, Chính phủ Syria bác bỏ cáo buộc đó cho rằng đó là sự bịa đặt và cho đây là động thái của lực lượng đối lập nhằm tung hỏa mù và gây phức tạp thêm tình hình. Syria không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Những gì diễn ra tại đất nước này đang gây ra sự nhiễu loạn thông tin và khó hiểu cho thế giới. Trong phản ứng mới nhất, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: "Tôi đặc biệt cảm thấy lo lắng, rối loạn về báo cáo rằng có thể vũ khí hóa học đã được sử dụng chống lại người dân Syria. Việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ ai tại bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều vi phạm luật pháp quốc tế, chúng tôi yêu cầu chính phủ Syria hợp tác đầy đủ nhất để các thanh tra của LHQ có thể nhanh chóng điều tra vụ việc”.
Nhiều nước trên thế giới mà đi đầu là Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ, yêu cầu cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép, thậm chí là sử dụng vũ lực, nếu xác thực thông tin chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Trong khi đó tại Nhà Trắng, những phản ứng vừa được công bố lại cho thấy sự dè dặt, thận trọng của chính quyền Mỹ. Các phát ngôn từ Nhà Trắng đều khẳng định, nếu việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, thì đây là bước leo thang nghiêm trọng, nhưng chỉ có điều họ chưa đề cập đến việc Tông thống Obama sẽ làm gì nếu sự việc đó là có thật.
Với Nga, trong cuộc họp báo diễn ra ở Moscow ngày 23/8, ông Alexander Lukashevich, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao nước này, đã xem cuộc tấn công trên một sự khiêu khích có chủ ý. Vụ tấn công này không phải là ngẫu nhiên khi mà Ủy ban LHQ đang có mặt Syria để điều tra các cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học vào tháng 3 vừa qua ở Aleppo. "Tất cả điều này đều khiến chúng ta không thể không nghĩ đến một hành động khiêu khích có kế hoạch. Dường như đang có một nỗ lực nhằm tạo ra một cái cớ để yêu cầu đối với Hội đồng Bảo an LHQ đứng về phía phe đối lập, cản trở việc tổ chức hội nghị Genever 2”, ông Lukashevich nói.
Với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi ngày 23/8 nói: “Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng, không có chuyện chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Trung Quốc kiên quyết phản đối cáo buộc đối với chính phủ Tổng thống Assad”.
Cuộc khủng hoảng kéo dài 29 tháng qua tại Syria đang bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm, vụ việc ngày 21/8 đã đẩy các bên liên quan vào một tình thế bế tắc mới. Trong khi đó, số người thiệt mạng do cuộc nội chiến đã lên tới hơn 100.000 người, cùng hàng triệu người tị nạn chạy khỏi Syria. Đây có lẽ cũng là một "giới hạn đỏ" - giới hạn vượt quá sức chịu đựng của con người.
Công Thuận