Quy kết nhằm vào Syria, NgaKhủng hoảng di cư được truyền thông phương Tây đề cập đến ở nhiều cấp độ khác nhau. Đó là câu chuyện bi thương về cái chết của bé trai 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi, với hình ảnh em nằm sấp “yên nghỉ” bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động dư luận; là những tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về cách thức xử lý khủng hoảng; là những tiếng nói kêu gọi châu Âu hành động thống nhất để bảo vệ những giá trị cốt lõi về “dân chủ, tự do”…
Nội chiến, xung đột tại Trung Đông, Bắc Phi làm gia tăng dòng người di cư tới châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Thế nhưng cũng không ít người “đòi” truy nguyên nguồn gốc sâu xa dẫn đến làn sóng di cư, tị nạn ở tầm mức chưa từng thấy này. Chính phủ đương nhiệm Syria đương nhiên được họ xem là “tội đồ” đầu tiên. Một số quan chức, học giả phương Tây cáo buộc, chế độ Tổng thống Assad đã không làm gì để giúp đỡ người dân Syria, đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng vì đường lối lãnh đạo “độc tài”, “bóp nghẹt dân chủ”. Nội chiến và nghèo đói đã đẩy hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tìm đường trốn chạy sang châu Âu trên những hành trình đầy hiểm nguy, có thể sẽ phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Và theo lý luận của những người này, một Syria không có ông Assad sẽ là một Syria “hòa bình” mà ở đó người dân sẽ không phải ly tán, chạy nạn.
Duy chỉ có một điều, báo chí và truyền thông phương Tây đã bỏ qua một thực tế: Chính sự can dự của Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông, Bắc Phi thời gian qua đã đẩy Afghanistan, Iraq, Libya và Syria lún sâu vào chia rẽ, bất ổn, xung đột, nội chiến và đó mới chính là nguyên nhân tạo ra dòng người di cư chạy loạn.
Những nhân tố “ngoài Syria” cũng được “xới lên”. Kênh truyền hình Fox News (Mỹ) đã cho đăng bài trả lời phỏng vấn, với lời quy kết Nga và Trung Quốc có “âm mưu” gây ra cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu, rằng chính Tổng thống Nga Vladimir Putin là người gây ra tấm bi kịch này khi hậu thuẫn Damascus. Họ cho rằng Nga-Trung đang liên kết với nhau để chống lại Mỹ và “lợi ích Mỹ” trên toàn thế giới, trong đó có điểm nóng Syria.
Phải chăng đó là cách để ai đó cáo buộc Nga, Trung Quốc là những “người ngáng” đường, luôn sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phong tỏa các nghị quyết do Mỹ và phương Tây “đề xuất” về tình hình Syria.
Sức ép quân sự đang gia tăng?Một chủ đề khác được truyền thông phương Tây nhấn mạnh những ngày qua là việc Nga “tăng cường hiện diện quân sự ở Syria” trong nỗ lực “bảo vệ chế độ của Tổng thống Assad – một đồng minh thân cận của Moskva”. Tờ Washington Post giật dòng tít: “Ông Putin đã hành động ở Syria, nhằm đúng lúc người Mỹ bất động”. Bài viết nói rằng ông Obama dường như đã đọc sai ý định của “đối thủ” khi Moskva sẵn sàng triển khai quân đội, thực thi các chiến dịch không quân ở Syria. Cũng với một luận điểm tương tự, tờ Wall Street Journal viết “lực lượng viễn chinh Nga đã có mặt ở Syria, chuẩn bị đón nhận các trực thăng chiến đấu, máy bay chiến đấu… Nga có thể làm mọi điều họ muốn ở Syria, còn Mỹ thì chẳng làm được gì”. Hãng tin Reuters thì nói binh sỹ Nga đã chính thức tham chiến tại Syria.
Binh sĩ quân đội chính phủ Syria. Ảnh: Sputnik |
Điểm chung của những bài viết này là cách trích dẫn các ý kiến của “quan chức cấp cao đề nghị không nêu tên”, “các nguồn tin giấu tên” và không đưa ra được những bằng chứng xác thực nào. Về phần mình, Nga khẳng định có cung cấp vũ khí trang bị, trợ giúp huấn luyện cho quân đội Syria theo các thỏa thuận hợp tác quân sự, Nga chưa tính đến kịch bản can dự quân sự trực tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố IS.
Một chiến dịch truyền thông như vậy được tung ra tại thời điểm hiện nay phải chăng chính là “hồi chống lệnh” báo hiệu về khả năng can thiệp sâu hơn của phương Tây tại Syria? Đó là cách để phương Tây “đổ lỗi” cho Nga, cảnh báo Moskva ngưng các trợ giúp đối với Damascus, nhất là về mặt quân sự và quan trọng hơn là có lý do để can thiệp.
Đâu đó đã xuất hiện những tiếng nói cần phải hành động mạnh mẽ hơn. Đề cập đến một chiến lược mới về Syria và khả năng can dự quân sự hạn chế của Anh trong cuộc chiến chống chống IS, Thủ tướng David Cameron ngày 9/9 nói: “Chúng ta phải là một phần của liên minh quốc tế trong cách tiếp cận về vấn đề Syria – tức là phải có một chính phủ có thể chăm lo cuộc sống của người dân. Ông Assad phải ra đi, IS phải bị đánh bại. Để làm được điều đó không chỉ có đưa tiền, không chỉ có viện trợ, thúc đẩy ngoại giao là xong; nhiều khi phải cần đến cả sức mạnh quân sự”.
Ở Pháp, những tuyên bố của Tổng thống Francois Hollande đã nhanh chóng biến thành hiện thực: Phi đội máy bay chiến đấu Rafale của nước này đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận Syria. Mục đích là “thu thập tin tức tình báo về các mục tiêu của IS, làm cơ sở để quyết định những bước đi tiếp theo” – Ngoại trưởng Laurent Fabius phát biểu trước báo giới.
Còn trên thực địa, liên minh chống khủng bố IS do Mỹ đứng đầu tiếp tục mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, nhất là sau khi Washington nhận được sự trợ giúp tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ. Duy chỉ có một điều, 70% các cuộc không kích này không nhằm vào IS, không nhằm vào người Kurd hay là Iraq, mà là nhằm vào các cơ sở quân sự của Damascus, hoặc là hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tại Syria.
Như vậy, một “guồng quay” quân sự đang được được vận hành nhằm vào Syria, với mục tiêu không thay đổi: Tổng thống Assad phải ra đi, hoặc là do quân đội Syria thất thế trên chiến trường, hoặc là bị ép buộc thực thi điều khoản về “chính phủ chuyển tiếp” mà ở đó ông Assad chỉ có tối đa 6 tháng tại vị - như những gì mà ông Cameron nói.
Xét cho cùng, có xử lý được tình hình ở những điểm nóng như Syria thì cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu mới có hi vọng được giải quyết.