Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong bài phát biểu tại thủ đô Seoul ngày 29/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bốn năm trước, bà Park Geun-hye lên giữ chức Tổng thống Hàn Quốc với cam kết sẽ cải tổ các công ty gia đình trị lớn nhất nước này. Hiện nay, bà đang phải đối mặt với cáo buộc là âm mưu tống tiền hàng triệu USD từ chính các tập đoàn đó trong vụ bê bối nghiêm trọng làm tê liệt quốc gia này.
Văn phòng các tập đoàn lớn từ Samsung tới Lotte đã bị khám xét, cố vấn thân cận nhất của bà Park bị kết tội lạm dụng quyền lực và Tổng thống đang đối phó với các công tố viên để tránh bị điều tra về vai trò của bà trong “vở kịch” này. Đây là vụ bê bối đang bị vạch trần trước công luận, với mỗi ngày lại có thêm cáo buộc về việc Nhà Xanh có liên quan đến các nghi lễ giáo phái hay các quỹ đen. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc thậm chí buộc phải phủ nhận việc bà là thành viên của một giáo phái. Nạn hối lộ không phải là điều mới mẻ ở Hàn Quốc.
Năm trong số sáu tổng thống dân cử đã “mắc bẫy” trong các vụ bê bối, trong khi các giám đốc điều hành của các tập đoàn gia đình trị hàng đầu Hàn Quốc, được gọi là “chaebol”, thường xuyên bị chất vấn và đối mặt với các phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, câu chuyện lần này lại ở quy mô hoàn toàn khác. Hàn Quốc đang đứng trước cái mà các chuyên gia gọi là “cuộc khủng hoảng phức hợp”. Vào thời điểm tăng trưởng kinh tế loạng choạng, căng thẳng địa chính trị dâng cao và một loạt vấn đề liên quan đến các tập đoàn lớn, Hàn Quốc hiện rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo và trở nên hỗn loạn. Moon Chung-in, giáo sư chính trị học tại trường Đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Hàn Quốc đang hoàn toàn chìm trong khủng hoảng. Chúng ta đang rơi vào các cuộc khủng hoảng chính trị, địa chính trị và kinh tế… và không có ban lãnh đạo nào để hàn gắn rạn nứt hay định hướng xã hội”.
Hiện ngày càng nhiều người cho rằng bà Park - nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc - đã mất đi quyền lãnh đạo và thiếu sức ảnh hưởng hay sức thuyết phục để chỉ đạo giới tài phiệt “chaebol” và tiến hành các cải cách mà bà hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012. Mức độ tín nhiệm của bà hiện chỉ là 4% so với 63% của năm 2013 và là con số thấp nhất mà một tổng thống nhận được ở quốc gia Đông Á này, sau nhiều tuần xuất hiện cáo buộc bà đã dựa dẫm quá nhiều vào người bạn thân Choi Soon-sil, người đã ảnh hưởng đến một loạt quyết định của tổng thống, gồm các bài phát biểu và các chính sách. Bà Choi bị cáo buộc đã lợi dụng vị trí của mình để tống tiền hàng chục triệu USD các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc - một âm mưu mà các công tố viên cho là bà Park là một đồng sự. Vụ tranh cãi này đã kích động sự phản đối trong công chúng.
Người biểu tình yêu cầu Tổng thống từ chức ở Seoul ngày 26/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 26/11, hàng trăm nghìn người đã đổ ra đường phố trung tâm Seoul trong cuộc tuần hành thứ 5 trong nhiều tuần qua để yêu cầu bà Park từ chức. Các cuộc biểu tình khác cũng được lên kế hoạch. Đối với người dân Hàn Quốc, vụ bê bối này làm dấy lên lo ngại không chỉ về nạn tham nhũng và sự minh bạch, mà còn lo sợ rằng nền dân chủ mà họ rất vất vả mới giành được đang bị biến chất bởi Tổng thống Park, con gái của nhà lãnh đạo Park Chung-hee. Kim Jiyoon, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan, nói: “Đây là thời điểm vô cùng quan trọng. Cách đất nước đối phó với tình hình hiện nay sẽ quyết định con đường cho chính trường Hàn Quốc sắp tới. Bà Park đã phớt lờ hệ thống dân chủ mà chúng ta đã đặt nền móng từ năm 1987 (ám chỉ năm chính quyền quân đội được thay thế bởi chính phủ dân cử)”.
Các mối lo sợ này trở nên trầm trọng hơn khi luật sư của bà Park là Yoo Yeong-ha tuyên bố hồi tuần trước rằng Tổng thống sẽ không ra trả lời chất vấn trước các công tố viên nhà nước bất chấp cam kết trước đó. Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể là một nguyên nhân gây quan ngại lớn hơn. Sau chiến thắng của ông Trump, các quan chức tài chính ở Seoul đã chỉ đạo các ngân hàng chuẩn bị cho các cú sốc bên ngoài, trong khi Nhà Xanh đã triệu tập phiên họp của hội đồng an ninh quốc gia. Việc ông Trump đắc cử cũng mang lại rủi ro khác cho Hàn Quốc.
Hiện có khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc để đối phó với các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên. Ông Trump từng nói rằng ông có thể cho rút quân về nước - một tuyên bố gây sốc với nhiều người ở Hàn Quốc, vốn đang thúc đẩy quan hệ với Mỹ giữa lúc bất ổn trong khu vực đang tăng lên. Nhà nghiên cứu Kim nói: “Bất kỳ rạn nứt nào với chính quyền Trump có thể tạo ra làn sóng bài Mỹ ở Hàn Quốc”. Giáo sư Hans Schattle của trường Đại học Yonsei cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Seoul đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo mà có thể hủy hoại các tham vọng quốc tế của Hàn Quốc.
Ông nói: “Vấn đề nghiêm trọng hơn trong vụ bê bối quốc gia này là liệu bà Park có thể đại diện cho đất nước hay không. Liệu bà có thể là tiếng nói hay đại diện cho Hàn Quốc? Nếu bà mất đi tính hợp pháp trong nước, điều này sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế”. Các nhà lập pháp Hàn Quốc đang lên kế hoạch bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Park trước ngày 9/12. Quốc hội Hàn Quốc gồm 300 thành viên, được kiểm soát bởi các đảng đối lập, cần huy động 2/3 số phiếu ủng hộ để thông qua việc luận tội này. Mặc dù phe đối lập, với tổng số 165 ghế, chưa đủ số phiếu cần thiết để thúc đẩy kiến nghị này, nhưng có thể rạn nứt trong đảng Saenuri cầm quyền của bà Park - vốn giữ 125 ghế - làm gia tăng khả năng luận tội tổng thống.
Cho dù phe đối lập thành công trong việc luận tội bà Park Geun Hye thì hiện không ai chắc chắn rằng một trong số các ứng cử viên của họ sẽ thắng cử tổng thống. Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng đối lập chính và để thua trước bà Park trong cuộc bầu cử năm 2012, đang là ứng viên hàng đầu trong các cuộc điều tra dư luận. Ông hiện dẫn trước sít sao Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người được xem là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Chủ tịch đảng cầm quyền, và Ahn Cheol-soo, ông trùm phần mềm và là nhà sáng lập đảng Nhân dân đối lập.