Hậu quả của chính sách can thiệp

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với phóng viên Fareed Zakaria của kênh CNN, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vô tình thừa nhận rằng Mỹ từng đóng một vai trò trung gian trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Ukaine.

Đại ý của ông Obama là: Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ trước các cuộc biểu tình ở quảng trường Maidan, còn Tổng thống Ukraine Yanukovych thì chạy trốn sau khi chúng tôi làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực ở Ukraine.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Nuland (phải) phát bánh mỳ cho cảnh sát chống bạo đồng gần quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 11/12/2013.


Lời thừa nhận này có thể được hiểu là Mỹ đã can thiệp vào chính biến ở Ukraine hồi tháng 2/2014, gây ra cuộc đảo chính khiến tổng thống lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych phải chạy sang Nga. Sự kiện này khởi đầu cho chuỗi ngày xung đột đẫm máu ở Đông Ukraine đến nay vẫn chưa kết thúc, để lại hậu quả to lớn không chỉ cho Ukraine mà cả thế giới.

Thừa nhận của ông Obama khiến người ta nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ ở Kiev bị rò rỉ. Trong đó, hai người đã bàn về chính phủ tương lai của Ukraine sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, đồng thời nói rõ Mỹ thích ai và không thích ai có mặt trong chính phủ Ukraine. Bà Nuland cũng cho biết Mỹ đã đầu tư 5 tỷ USD vào tiến trình dân chủ ở Ukraine.

Kể từ đó cho đến nay, tiến trình dân chủ ở Ukraine gắn liền với cảnh máu chảy người chết ở miền Đông nước này. Giao tranh giữa phe ly khai và quân chính phủ đã khiến ước tính 5.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát hồi tháng 4/2014, trong đó rất nhiều dân thường là phụ nữ và trẻ em. Nhiều nơi trong các thành phố miền Đông Ukraine giờ đây hầu như chỉ còn lại gạch vụn. Người dân sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn cùng cực khi không có những thứ thiết yếu nhất cho cuộc sống như điện, nước, khí đốt, thực phẩm. Tính mạng của họ cũng rất mong manh khi giao tranh ngày càng ác liệt. Nhiều người từ chỗ đang sống yên ổn bỗng trở thành người tị nạn vô gia cư, tương lai bất định. Nếu không đi tị nạn, họ cũng trở thành cư dân bóng tối khi suốt ngày phải chui lủi dưới hầm tránh bom. Xung đột ở Đông Ukraine cũng khiến kinh tế nước này thêm kiệt quệ, nhích dần đến bờ vực sụp đổ.

Không chỉ với Ukraine, trước đây, Mỹ cùng từng can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia như Afghanistan, Iraq, Libya, Syria… mà theo như lời Tổng thống Nga Putin, “họ hoặc là tự hành động theo kiểu không cần lệnh của Liên hợp quốc hoặc là theo kiểu hoàn toàn bóp méo nội dung của các nghị quyết do LHQ đưa ra”.

Ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu cuộc chiến nhằm lật đổ lực lượng Taliban từ tháng 10/2001 và bị sa lầy suốt hơn chục năm. Tại Iraq, tháng 3/2003, Mỹ tấn công Iraq để lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Saddam Hussein với cái cớ nước này có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuộc chiến kết thúc và đã khiến Iraq lâm vào bất ổn kéo dài, xung đột giáo phái bùng nổ, trở thành thiên đường khủng bố, tạo đất cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển rồi biến thành nỗi kinh hoàng của cả thế giới. Với Syria, việc Mỹ dung dưỡng cho các nhóm đối lập chống lại Tổng thống Bashar al-Assad cũng tạo điều kiện cho IS lớn mạnh cả ở đây.

Chiếu theo luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, các cuộc can thiệp phi dân chủ vào nước khác đều là hành vi vi phạm. Công pháp quốc tế đã đề ra nhiều nguyên tắc như cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Các nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến chương LHQ, Tuyên bố của LHQ về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế năm 1970, Tuyên bố của LHQ về Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác năm 1982 và trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng khác.

Nhưng xét cho cùng, người gánh chịu hậu quả lớn nhất những hành vi can thiệp này không phải là bên can thiệp hay bên bị can thiệp, mà chính là những người dân thường đang oằn mình chịu đựng thảm họa nhân đạo kéo dài.

Thùy Dương


Trung Đông tiếp tục một năm đầy thách thức
Trung Đông tiếp tục một năm đầy thách thức

Năm 2015 tiếp tục là một năm "đầy chông gai" đối với Trung Đông, do giá dầu giảm, sự phát triển của các nhóm thánh chiến Hồi giáo và những bất ổn từ quá trình chuyển giao quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN