Trung Đông tiếp tục một năm đầy thách thức

Năm 2015 tiếp tục là một năm "đầy chông gai" đối với Trung Đông, khi các nước trong khu vực vẫn phải đối mặt với việc giá dầu giảm, sự phát triển của các nhóm thánh chiến Hồi giáo và những bất ổn từ quá trình chuyển giao quyền lực.

Một số quốc gia Trung Đông đang bị suy yếu do tình trạng hỗn loạn và nội chiến, trong khi các nước khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự lan tỏa của các tác động tiêu cực. Tại Libya, Syria và Iraq, chính phủ trung ương đã mất quyền kiểm soát hoàn toàn ở một số khu vực, thậm chí quyền kiểm soát một số cơ sở sản xuất và hạ tầng xuất khẩu dầu.

Dù phải trải qua 7 tháng nội chiến trong năm 2014, nhưng Libya vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các lực lượng Hồi giáo ủng hộ và phản đối chính phủ tiếp tục tranh giành quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu ở miền Đông như hiện nay, Libya ít có khả năng cung cấp lượng dầu ổn định cho thị trường quốc tế. Việc các nhóm li khai nắm quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu sẽ càng khiến cho quốc gia này thêm suy yếu, trong khi lại củng cố thêm sức mạnh cho lực lượng phiến quân.

Tình hình bất ổn ở Libya đang tạo điều kiện phát triển cho các phong trào thánh chiến.


Tình hình bất ổn ở Libya đang tạo điều kiện phát triển cho các phong trào thánh chiến, và các nhóm này có thể tràn sang quốc gia láng giềng Algeria. Để đối phó với những mối đe dọa này, Algeria đã đăng cai hàng loạt cuộc đàm phán để tìm cách hòa giải giữa các phe phái trong cuộc xung đột ở Libya, song các cuộc đàm phán này chưa mang lại kết quả như mong đợi. Algeria cũng đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân sự dọc biên giới tiếp giáp với Libya và Mali, đồng thời tính đến khả năng can thiệp quân sự vào Libya. Tình hình bất ổn ở Yemen cũng tạo ra những tác động tương tự và Saudi Arabia là nước đang phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Cuộc nội chiến ở Syria đã và đang tạo điều kiện cho lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếm quyền kiểm soát ở nhiều khu vực của Iraq và Syria. IS không còn kiểm soát nhiều mỏ dầu như trước đây, và các hoạt động sản xuất và buôn lậu dầu thô cũng bị hạn chế hơn. Việc không có khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong khu vực kiểm soát có thể khiến IS sụp đổ, nhất là khi chính phủ mới của Iraq quan tâm hơn tới lợi ích của người Hồi giáo dòng Sunni. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cuộc chiến giữa hai bên vẫn bất phân thắng bại. Vị thế của Baghdad sẽ bị suy yếu nếu Chính phủ Iraq phải cắt giảm chi tiêu công nhằm đối phó với tình trạng giá dầu tiếp tục đứng ở mức thấp.

Nguy cơ lớn nhất đối với ngành công nghiệp dầu mỏ trong khu vực là các cuộc tấn công tiềm ẩn nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu ở các quốc gia vùng Vịnh và Algeria. Ngoài việc làm gián đoạn nguồn cung, một cuộc tấn công như vậy sẽ giáng đòn mạnh vào sự tồn vong của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia đang trong quá trình chuyển giao quyền lực như Saudi Arabia.

Mặc dù Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz nhanh chóng khẳng định sẽ duy trì các chính sách của Quốc vương Abdullah, người vừa qua đời hồi tháng trước, nhưng quá trình chuyển giao quyền lực vẫn gây ra những tác động nhất định, đặc biệt là đối với việc điều hành ngành công nghiệp dầu mỏ ở nước này. Sự ủng hộ chính trị dành cho chính sách mới của Saudi Arabia sẽ phụ thuộc vào tác động của nó đối với lợi ích của người dân nước này.

Quyết định của Saudi Arabia không can thiệp vào giá dầu thế giới có thể ngầm hiểu là một chiến thắng chính trị vì quyết định này khiến cho doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran giảm sút mạnh. Việc Iran xuất khẩu dầu thô trở lại có thể buộc Saudi Arabia "tấn công" vào lợi ích của Tehran bằng cách tiếp tục bảo vệ thị phần ở châu Á.

Trong khi triển vọng ở Trung Đông rất đáng lo ngại thì những khoảng trống an ninh ở Syria, Yemen, Iraq và Libya đang bị các nhóm li khai có khả năng kiểm soát và điều hành các cơ sở sản xuất dầu mỏ lợi dụng. Thực tế này đang tạo ra những nguy cơ thực sự đối với các quốc gia vốn đang phải vật lộn với những thách thức kinh tế và chính trị hiện nay.


TTK



Nhóm Bộ Tứ kêu gọi khôi phục hòa đàm Trung Đông
Nhóm Bộ Tứ kêu gọi khôi phục hòa đàm Trung Đông

Nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga đã kêu gọi nhanh chóng khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN