Đây cũng chính là lý do khiến Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4, diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4 tại thủ đô Washington của Mỹ, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh phải, phía trước) theo dõi một vụ phóng tên lửa đạn đạo. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Với sự tham gia của lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia, hội nghị là diễn đàn để các nước trình bày tiến trình thực hiện các cam kết từ Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ ba, tổ chức tại La Haye, Hà Lan, hồi tháng 3/2014.
Bên cạnh các biện pháp tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm urani và plutoni được làm giàu ở cấp độ cao, hội nghị năm nay cũng thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với 5 tổ chức quốc tế chính, gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT), Hợp tác Toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership).
Mỗi kế hoạch hành động sẽ vạch ra mục tiêu để các quốc gia tham gia thể chế và sáng kiến quốc tế đó theo đuổi. Hội nghị được kỳ vọng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Theo giới phân tích, song song với các nội dung chính nêu trên, những diễn biến mới đây trên Bán đảo Triều Tiên cùng nguy cơ nguyên liệu hạt nhân có thể rơi vào tay khủng bố, trở thành vũ khí để hủy diệt nhân loại, được dự báo là chủ đề làm nóng hội nghị.
Từ đầu năm tới nay, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, khiến dư luận quốc tế không khỏi quan ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó là mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, sở hữu bom bẩn phóng xạ. Theo giới chuyên gia, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Theo ước tính của Mỹ, hiện trên thế giới có khoảng 2.000 tấn khối nguyên liệu hạt nhân. Trong khi đó, để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ cần 25 kg urani được làm giàu ở mức độ cao. Tác động của một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân sẽ mang tính toàn cầu.
Trước tham vọng sở hữu hạt nhân của các phần tử khủng bố, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần này đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với các nước tham dự trong việc đánh giá mức độ an ninh và đảm bảo an ninh hạt nhân tại mỗi nước.
Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trên mọi mặt của cộng đồng quốc tế, Đoàn Việt Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu, tham dự Hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại theo hướng độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm lợi ích cao của quốc gia, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp, bình đẳng và cùng có lợi.
Ngoài ra, tham dự hội nghị, Việt Nam cũng đồng thời khẳng định và đề cao chính sách nhất quán của mình về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Kể từ sau các Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân các năm 2010, 2012 và 2014, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó có việc gia nhập Công ước về Bảo vệ thực thể Vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (2012), phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA (2012), gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Mỹ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (2014) và tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là một điển hình tốt.
Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi đó, 47 nước tham gia với hầu hết các đại diện đều là nguyên thủ quốc gia đã cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân bằng việc giảm sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao (HEU), tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực này.
Quá trình tổ chức các hội nghị đến nay đã mang lại nhiều thành quả, như hoàn toàn chấm dứt sử dụng HEU ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị mà trước đó đã sử dụng HEU, nâng cấp an ninh tại 32 tòa nhà lưu giữ nguyên liệu có thể phân hạch.
Cùng với nhận thức chung sâu sắc về tầm quan trọng của đảm bảo an ninh hạt nhân, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thư tư này thể hiện quyết tâm chung của các nước xây dựng một thế giới an toàn cho mọi công dân Trái Đất.