Ngày 1/7, Iran tuyên bố bắn thử tên lửa, đồng thời đe dọa sẽ "san phẳng" Israel (Ixraen) nếu bị quốc gia Do Thái này tấn công.
Đây được cho là những lời đe dọa gay gắt nhất của Iran trong bối cảnh lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực và các cường quốc phương Tây đang đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắn tên lửa trong cuộc tập trận ngày 2/7/2012 tại tỉnh Semnan. Ảnh: PressTV |
Được ban hành từ đầu năm 2012, song tới ngày 1/7 vừa qua, các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm lệnh cấm các nước thành viên nhập khẩu dầu mỏ và tiến hành giao dịch với Iran, mới chính thức có hiệu lực.
Các lệnh trừng phạt nhằm mục đích hủy hoại nền kinh tế Iran, buộc quốc gia này thu hẹp chương trình hạt nhân mà các nước phương Tây cho là vỏ bọc của việc nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử.
Cùng với đó, Ixraen tuyên bố họ sẽ tấn công Iran nếu các biện pháp ngoại giao không ngăn cản được tham vọng hạt nhân của Tehran (Têhêran). Phía Mỹ cho biết can thiệp quân sự đang được cân nhắc là phương án cuối cùng, song Washington (Oasinhtơn) liên tục kêu gọi Israel kiềm chế và để cho các biện pháp trừng phạt mới phát huy tác dụng. Washington cho rằng lệnh cấm vận dầu mỏ của EU có thể sẽ khiến Tehran phải nhượng bộ trong vòng đàm phán hạt nhân sắp tới dự kiến tổ chức ở Istanbul (Ixtanbun - Thổ Nhĩ Kỳ).
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 2/7 đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận tên lửa mang tên "Great Prophet 7" (Nhà Tiên tri Vĩ đại 7). Theo hãng thông tấn bán chính thức Mehr, cuộc tập trận tên lửa đất đối đất kéo dài ba ngày này do sư đoàn không quân của IRGC tiến hành tại nhiều khu vực của Iran.
Tư lệnh đơn vị Ali Hajizadeh cho biết trong cuộc tập trận này, các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa của Iran sẽ nhắm bắn hơn 100 mục tiêu giả định tại vùng sa mạc miền trung nước này, và các mục tiêu giả định có đặc điểm tương tự căn cứ không quân của một số nước.
Theo ông Hajizadeh, cuộc tập trận lần này mang thông điệp nhấn mạnh rằng "Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran kiên quyết chống lại mọi âm mưu phá hoại và sẽ chống trả mọi kẻ thù bằng tất cả quyết tâm và sức mạnh".
Hajizadeh khẳng định khả năng Iran có thể tấn công các căn cứ quân sự (không quân) của Mỹ tại Vùng Vịnh chính là nguyên nhân khiến Mỹ "chùn bước" trong việc ủng hộ Ixraen tấn công Iran.
Trao đổi với Thông tấn Quốc gia IRNA, ông nói: "Các căn cứ quân sự của Mỹ đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa và vũ khí Iran, bởi vậy rõ ràng họ sẽ không hợp tác với chính quyền Do Thái".
Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với Iran khiến nước này mất đi thị trường tiêu thụ 18% tổng khối lượng dầu xuất khẩu của Iran cách đây 1 năm. Lệnh cấm vận này cũng cấm các công ty thuộc EU vận chuyển dầu thô hay thực hiện dịch vụ bảo hiểm hàng hóa cho Iran, khiến Têhêran gặp khó khăn trong các giao dịch thương mại toàn cầu.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói: "Những biện pháp trừng phạt này là nhằm nhấn mạnh quyết tâm của chúng ta trong việc gia tăng sức ép của các biện pháp ngoại giao hòa bình".
Bên cạnh các biện pháp trừng phạt của EU, Washington cũng đã áp đặt các biện pháp xử lý đối với các quốc gia thứ ba có giao dịch với Iran.
Trong ba vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), các cường quốc này đã yêu cầu Tehran ngừng chương trình làm giàu urani ở cấp độ cao, chuyển toàn bộ urani đã được làm giàu ra nước ngoài và đóng cửa cơ sở làm giàu urani (được cho là nằm tại căn cứ quân sự Parchin) của nước này.
Washington cho rằng các biện pháp trừng phạt và đàm phán là giải pháp để phá vỡ thế bế tắc nhằm tránh sự cần thiết phải dùng đến phương án quân sự, song Mỹ cũng không nói là sẽ ngăn cản Israel tấn công Iran.
Trong khi đó, Tehran nói họ có quyền nghiên cứu các kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình và khẳng định quốc gia Hồi giáo này hoàn toàn không theo đuổi việc chế tạo bom nguyên tử.
Tehran chỉ trích các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân là những kẻ "đạo đức giả". Giới chức Iran cho biết họ đang nỗ lực thực hiện biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Iran đang phải nỗ lực nhằm ngăn đồng rial bị sụt giá nghiêm trọng và kiềm chế lạm pháp đang tăng cao do các biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu phát huy tác dụng. Thống đốc Bahmani cho rằng tuy các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, song Iran đã tích lũy được quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 150 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi, chính các nước nhập khẩu dầu mỏ sẽ trở thành những kẻ "thua cuộc" nếu các biện pháp trừng phạt dẫn đến hệ quả là giá dầu trên thế giới tăng. Ông nói" Chính phủ Iran đã chuẩn bị tất cả các khả năng có thể để chống lại các biện pháp trừng phạt".
TTK (Reuters)