Người dân Iran đang phải từ bỏ nhiều thói quen ăn uống và sinh hoạt truyền thống, họ bị mất việc với tỉ lệ báo động và đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men trong lúc đất nước đang “ngấm” những lệnh trừng phạt mới liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Một khu chợ đông đúc ở Tehran. |
Trong bối cảnh lệnh tẩy chay dầu xuất khẩu của Iran tại Liên minh châu Âu vừa có hiệu lực, nhiều báo cáo từ Iran cho biết, các lệnh trừng phạt quốc tế cùng với những quyết định cắt giảm trợ cấp của chính phủ đang tạo ra một môi trường ngày càng khắc nghiệt, tước đi của những người dân thường nhiều hàng hóa căn bản trong cuộc sống.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU có hiệu lực từ ngày 1/7 sau khi các cuộc đàm phán tại Moscow giữa phương Tây với giới chức Iran không khai thông được bế tắc xung quanh chương trình làm giàu uranium mà phương Tây cho là một tiền đề để Tehran chế tạo bom hạt nhân, bất chấp nước CH Hồi giáo này luôn khẳng định đó là chương trình vì mục đích hòa bình.
Đây là “đòn” mới nhất trong hàng loạt lệnh cấm vận đang dần hủy hoại nền kinh tế Iran và làm giảm sút những tiêu chuẩn sống vốn tương đối phong lưu của người dân nước này.
Các gia đình trung lưu Iran đang phải từ bỏ thịt gà, thịt đỏ, trái cây, thậm chí cả đường - chủ yếu do quyết định xóa bỏ trợ cấp của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi năm 2010, khiến những thực phẩm từng là chủ yếu trong bữa ăn trở thành đắt đỏ đến mức người dân không mua nổi.
Nạn thất nghiệp trong ngành công nghiệp của Iran ước tính đã vọt lên tới 35% do các nhà máy không thể nhập khẩu hàng hóa thiết bị, dẫn đến đình đốn sản xuất và sa thải công nhân.
Nạn thất nghiệp càng nặng nề hơn khi cuối tháng 3, Iran bị loại khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng Swift, khiến các doanh nhân không thực hiện được những giao dịch quốc tế. Một công ty sản xuất kính chắn gió xe hơi gần thành phố Ghazvin ở miền bắc Iran đã sa thải 500 công nhân vì họ không còn nhập khẩu được nhựa thông từ EU.
Nhà sản xuất lốp lớn nhất Iran là Kian Tyre gần đây cũng phải cho 800 công nhân nghỉ việc vì lý do tương tự.
Các lệnh cấm vận cũng đe dọa ngành công nghiệp dược phẩm vốn rất mạnh của Iran. Một nhà máy sản xuất thuốc đã buộc phải sa thải 220 công nhân vì không thể mua được nguyên liệu thô cần thiết từ Đức, Áo và Italy. Công ty này hiện đang tìm cách lập một tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để tránh lệnh cấm Swift.
“Tình trạng này đã trở thành một vấn đề nhân đạo” - ông Mehrdad Emadi, một cố vấn kinh tế Iran làm việc tại Anh nói - “Nền kinh tế đang dần bị bóp nghẹt. Còn ở mức vi mô, người dân buộc phải đưa ra những quyết định đau đớn về tiêu dùng lương thực, thực phẩm”.
Điển hình cho vấn đề này là giá thịt gà, chỉ trong hai tuần qua đã tăng từ 45.000 rial (3,8 USD) lên tương đương gần 6,2 USD/kg, khiến nhiều người dân, thậm chí cả nhà hàng đã loại bỏ nó khỏi thực đơn.
“Những khách trước đây thường mua liền 3 con gà thì nay chỉ mua một con. Đơn giản vì họ không thể chịu nổi mức giá này. Giá thịt gà đã tăng gấp bốn lần rưỡi so với trước đây”, chủ một cửa hàng gia cầm ở Arya Shahr, miền tây Iran cho biết.
Tình trạng giá cả tăng lan rộng khắp chợ thực phẩm. Các nhà nghiên cứu giả danh là sinh viên đã khảo sát 20 siêu thị và 4 trung tâm phân phối thực phẩm của chính phủ ở Tehran và phát hiện 10 loại thực phẩm cơ bản đã tăng giá trung bình 70% chỉ từ tháng 3 đến nay, trong khi “rổ” thực phẩm hàng tuần của mỗi gia đình trung bình giảm đi một nửa.
Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt khiến người dân phải cắt giảm những nhu cầu cơ bản. |
Một người tiêu dùng trung tuổi cho biết, gia đình ông đã ngừng mua thịt và đường và hiện nay, sáng nào cũng chỉ ăn bánh mì kẹp pho mát.
Tại chợ hoa quả Amir Abad ở tây Tehran, những người bán cũng đã ngừng nhập dưa và anh đào, do nhu cầu giảm sút vì giá cao.
Ngay cả thành viên của lực lượng vệ binh Cách mạng Iran cũng đã bị chậm lương, do bất đồng về ngân sách giữa quốc hội và chính phủ của tổng thống Ahmadinejad.
Trong khi đó, bất chấp một môi trường khắc nghiệt, giới chức Iran không tỏ ra mấy lo ngại về lệnh cấm vận dầu của EU với tuyên bố họ sẽ tìm những khách hàng thay thế.
Tuy vậy, nhiều khách hàng không phải từ châu Âu cũng đang bị ảnh hưởng bởi tận lệnh cấm vận của Mỹ và EU. Trung Quốc, Ấn Độ - hai trong số những khách hàng tin cậy nhất - gần đây thông báo sẽ chỉ tiếp tục mua dầu thô của Iran nếu họ cung cấp tàu chở và bảo hiểm - một dịch vụ đã trở thành bất khả thi do lệnh cấm vận của EU, vốn cấm bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Iran.
Với số liệu mới do OPEC công bố, sản lượng dầu của Iran giảm xuống còn 720.000 thùng trong tháng trước, giới chức Iran đã phải tính đến những biện pháp khác, như chào mời những khoản chiết khấu mạnh cho các khách hàng truyền thống. Tuy vậy, những biện pháp đó có thể làm bất ổn định hơn nữa nền tài chính của nước này và gây sức ép nặng nền hơn lên dân chúng.
“Các nhà buôn dầu thân chính phủ cho rằng, bán hàng chiết khấu sẽ đồng nghĩa với giảm 48% doanh thu dầu trong những tháng tới. Chính phủ chỉ có thể cân bằng ngân sách nếu giá dầu ở mức trên 80 USD/thùng. Tôi tin là kim ngạch buôn bán của Iran sẽ giảm hơn 50% trong 3 tháng tới. Và đó là thảm họa đối với nền kinh tế nước này”, chuyên gia Emadi cảnh báo.
Thu Hằng (Theo Telegraph)