Iraq bị bỏ rơi trong xung đột?

Thời gian qua có quá nhiều sự kiện nóng bỏng diễn ra tại Trung Đông - Bắc Phi, điển hình là phong trào “Mùa xuân Arập”, kéo theo một loạt điểm nóng như Syria, Ai Cập, Libya, Yemen, Iran... Những sự kiện này đã khiến người ta quên đi tình hình căng thẳng ngày một gia tăng ở Iraq, trung tâm địa chính trị của Trung Đông.

Hiện trường một vụ đánh bom xe ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 27/10.

Iraq là một đất nước có dân cư đa dạng nhất khu vực Trung Đông, và mọi cuộc xung đột trong khu vực đều có tác động đến đất nước này, nơi hiện vẫn có hàng trăm người bị giết mỗi tháng do các cuộc xung đột sắc tộc triền miên.


Chính tình hình bất ổn tại Iraq đã góp phần làm phức tạp thêm các cuộc xung đột trong khu vực hiện nay, đó là mối bất hòa giữa người Hồi giáo theo dòng Sunni và dòng Shi'ite; người Kurd bị lôi kéo vào cuộc nội chiến tại Syria… Phân hóa tôn giáo và sắc tộc đã trầm trọng hơn rất nhiều ở Iraq sau cuộc xâm lược của người Mỹ năm 2003, và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc tranh giành, phân chia quyền lực vẫn chưa ngã ngũ.


Nghiêm trọng hơn, các chính sách mang màu sắc thế tục mở cửa cùng với xu hướng chuyên quyền của đương kim Thủ tướng Iraq, ông Nouri al-Maliki, đã góp phần làm gia tăng căng thẳng, bạo lực. Kể từ khi ông Maliki nhậm chức năm 2006, các nhóm Hồi giáo Sunni đã phải chịu sự phân biệt đối xử tại các cơ quan công quyền, quân đội và ngay trong cuộc sống thường nhật. Các cuộc biểu tình hòa bình phản đối các chính sách của chính phủ đã nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng phe phái, kéo theo đó là các vụ đàn áp mạnh mẽ từ phía quân đội.


Theo phái bộ Liên hợp quốc tại Iraq, từ đầu năm 2013 đến nay có khoảng 6.000 dân thường bị chết và 14.000 người khác bị thương - hậu quả của các vụ đánh bom xe và đánh bom tự sát tại nước này. Con số này bằng với mức kỉ lục trong giai đoạn 2006 - 2007, khi mà cuộc nội chiến tại Iraq đang ở cao trào. Tần suất cũng như quy mô của các vụ tấn công này cho thấy tình hình đang ngày càng phức tạp. Bên cạnh các cuộc tấn công ở thủ đô Baghdad, bạo lực cũng đã lan ra các địa phương ở phía bắc và phía nam.


Chính tình trạng bạo loạn và vô chính phủ ở Syria đã tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và al-Sham”, một nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaeda có thể mở rộng phạm vi hoạt động sang Iraq.


Tình trạng xung đột dai dẳng như hiện nay tại Iraq sẽ không thể chấm dứt nếu chính phủ không có các biện pháp nhằm giải quyết những yêu cầu của cộng đồng người Sunni thiểu số, cũng như tìm ra biện pháp chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo tại đất nước này. Nếu không làm được những điều này, đất nước Iraq sẽ tiếp tục chìm trong bạo lực.


Một đất nước Iraq ổn định sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khu vực, nhưng xem ra điều này rất khó trở thành hiện thực trong tương lai gần. Sắp tới, Thủ tướng Maliki sẽ có chuyến công du Washington để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là cơ hội tốt để Mỹ thể hiện trách nhiệm đối với việc giải quyết tình hình Iraq hiện nay, và thuyết phục ông Maliki - người đang rất cần sự ủng hộ của Mỹ để chấm dứt tình trạng bạo lực ở nước này - có thái độ hòa giải hơn đối với các nhóm sắc tộc và tôn giáo.


Nếu ông Maliki thành công trong việc thiết lập ổn định ở Iraq, đây có thể sẽ là một dấu hiệu tốt đẹp cho hòa bình, ổn định tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nếu điều ngược lại xảy ra, rất có thể khu vực sẽ rơi vào vòng xoáy xung đột tôn giáo, sắc tộc và chính trị tồi tệ hơn bây giờ, và khi đó, Mỹ có thể sẽ mất khả năng kiểm soát khu vực này.


Phạm Phú Phúc (Theo nhật báo "Hurayat")

Iraq bị bỏ rơi trong xung đột?
Iraq bị bỏ rơi trong xung đột?

Thời gian qua có quá nhiều sự kiện nóng bỏng diễn ra tại Trung Đông - Bắc Phi, điển hình là phong trào “Mùa xuân Arập”, kéo theo một loạt điểm nóng như Syria, Ai Cập, Libya, Yemen, Iran...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN