Kabul noi gương ông Putin?

Việc sáp nhập Crimea vào Nga đang trở thành một chủ đề ngày càng phổ biến trong các lớp học chính trị ở Afghanistan. Ngày 1/4 vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, tại thủ đô Kabul đã diễn ra một cuộc mít tinh tuần hành ủng hộ Nga, ủng hộ "Chính sách Crimea" của ông Vladimir Putin.

 

Các chuyên gia về vấn đề Kabul của Báo Độc lập cho rằng người Afghanistan hiện quan tâm và mong muốn "thực hành" đường lối của Putin trong câu chuyện Crimea với "vấn đề Pashtunistan", vốn là tranh cãi chưa có hồi kết giữa Afghanistan và nước láng giềng Pakistan kể từ thế kỷ 19 đến nay.

 

Trong thế kỷ 19, sau những cuộc chiến tranh với Anh, Afghanistan buộc lòng phải chứng kiến phần lớn lãnh thổ cũng như quyền tự trị của mình rơi vào tay người Anh. Các phần lãnh thổ của sắc tộc Pashtun bị chia cắt theo Đường Durand. Điều này dẫn tới sự căng thẳng trong quan hệ giữa Afghanistan và Ấn Độ thuộc Anh, và sau này trở thành nhà nước Pakistan. Và lúc đó vùng Pashtunistan lại trở thành lãnh thổ Pakistan, dẫn đến sự bất đồng dai dẳng giữa hai quốc gia láng giềng Afghanistan và Pakistan.

 

Người dân Kabul mít tinh ủng hộ Nga tiếp nhận Crimea. Ảnh: Báo Độc lập


Trên thực tế, nhân câu chuyện Crimea, người dân Kabul đã tiến hành cuộc mít tinh ủng hộ Nga. Họ mang theo ảnh chân dung Putin và giương cao các biểu ngữ đòi phải công nhận quyền tự quyết của Crimea. Người dân Kabul cũng giương cao các khẩu hiệu kêu gọi Mỹ và phương Tây thay vì "soi mói" vấn đề Crimea, "Hãy quan tâm hơn tới Afghanistan"; "Thay vì kích động một cuộc chiến tranh mới ở Đông Âu, hãy chú ý đến cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan"; và "Đừng buông trôi Afghanistan giữa lúc cuộc bầu cử đang bước vào giai đoạn cao trào nhất"...

 

Những người khởi xướng cuộc mít tinh cho giới truyền thông biết mục đích mà họ hướng tới là nhằm góp thêm một tiếng nói ủng hộ Nga, giữa lúc căng thẳng ngày càng tăng giữa Moskva và Washington. Và họ lo ngại sự căng thẳng này "có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực đối với Afghanistan". Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ khi Mỹ và phương Tây tiến hành chiến dịch quân sự tại Iraq, dẫn đến tình hình Afghanistan trở nên xấu đi".

 

Các hoạt động mít tinh, biểu tình ủng hộ các lợi ích địa chính trị khác nhau của phương Tây và khu vực đã trở nên phổ biến đối với Afghanistan. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, người dân Kabul công khai mít tinh ủng hộ Nga. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan hiện đại, ông Omar Nessar cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Báo Độc lập rằng "kể từ khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, chưa bao giờ có một sự kiện tương tự như ngày 1/4 vừa qua ở Kabul".

 

Ông Omar Nessar cho rằng cuộc mít tinh sẽ là "bước ngoặt tạo nên một hình ảnh mới của Nga tại Afghanistan".

 

Hiện chưa rõ lực lượng chính trị nào đứng đằng sau sự kiện mít tinh ủng hộ Nga nói trên. Nguồn tin từ đại sứ quán Nga ở Kabul cũng cho biết tồn tại một số nghi ngờ rằng hoạt động này đã được chính quyền Kabul cho phép. Thậm chí "cảnh sát khu vực nơi diễn ra cuộc mít tinh cũng không hề biết về hoạt động này cho đến khi nó diễn ra", mặc dù trong thời gian chuẩn bị đến ngày bầu cử (ngày 5/4 tới), an ninh ở Afghanistan được siết chặt hơn bao giờ hết, nhất là đối với các hoạt động chính trị đại chúng.

 

Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ hoàn toàn việc chính quyền Kabul có dính dáng tới cuộc mít tinh nói trên. Bởi có một sự trùng hợp, khi hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Hamid Karzai đã tuyên bố ủng hộ việc Nga tiếp nhận Crimea và kêu gọi Mỹ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3 ở bán đảo này. Tuyên bố ủng hộ Nga của ông Hamid Karzai đã khiến Mỹ tức giận. Song có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nếu sách lược của ông Karzai có liên quan tới việc Afghanistan từ chối công nhận biên giới với Pakistan, liên quan "câu chuyện Pashtun" vốn tồn tại từ xa xưa trong quan hệ giữa hai nước này.

 

 

Quế Anh

Vì sao CIA, NSA bó tay trước Vladimir Putin?
Vì sao CIA, NSA bó tay trước Vladimir Putin?

Thông tin đăng tải trên tờ Wall Street Journal cho biết: Tình báo Mỹ không thu được bất kì đoạn thoại nào kể từ khi xảy ra khủng hoảng ở Crimea diễn ra. Một quan chức Mỹ gọi đây là “kĩ thuật nghi binh” cổ điển của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN