Một số nước Arab và Hồi giáo phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Nga. Một trong số những quốc gia như vậy là Syria. Damascus đã nhận được sự hỗ trợ quân sự và chính trị rất lớn của Nga kể từ năm 2015, sau quyết định của Tổng thống Vladimir Putin gửi quân đội nước này đến quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá để giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đánh bại các nhóm khủng bố và chiến binh nước ngoài. Syria cũng là nơi duy nhất hiện nay Nga đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Một quốc gia khác là Ai Cập, vốn từ lâu đã là khách hàng quen thuộc mua vũ khí Nga. Tiếp đó là Iran, một cường quốc ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, Moskva còn hỗ trợ của đồng minh của Tehran là phong trào Hồi giáo vũ trang dòng Shiite Hezbollah ở Liban. Saudi Arabia cũng có mối quan hệ gắn bó với Nga trong lĩnh vực dầu mỏ...
Đã hơn 100 ngày trôi qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm thực hiện mục tiêu mà Moskva tuyên bố là phi quân sự hóa và phi phát xít hóa quốc gia láng giềng này. Theo ước tính, trong hơn 3 tháng chiến sự vừa qua, Nga đã giành quyền kiểm soát hơn 20% lãnh thổ của Ukraine. Tại phương Tây, điều này được đánh giá như một thất bại và báo giới cho rằng cuộc chiến truyền thông chống lại Nga đang tác động không nhỏ tới suy nghĩ của một số người ở Trung Đông.
Nhiều người dân ở Trung Đông tin rằng Nga đã thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng. Kết quả là một số người nói rằng Moskva đang đánh mất vị thế một siêu cường và chỉ có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán của Điện Kremlin mới có thể khôi phục niềm tin của họ vào nước Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào cuối tháng 2, phái đoàn của nhiều quốc gia Arab đã đến thăm Moskva. Ngược lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có các chuyến thăm tới vùng Vịnh và khu vực Trung Đông. Ngoài ra, ông đã tổ chức nhiều cuộc điện đàm với quan chức cấp cao của các cường quốc, nhằm duy trì và củng cố vị thế của Nga ở Trung Đông.
Các cuộc gặp này được thúc đẩy từ thực tế cấp bách hiện nay. Giá khí đốt và dầu mỏ tiếp tục tăng sau một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Những hành động đó đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trên toàn thế giới và áp lực cũng đang tăng lên đối với các quốc gia vùng Vịnh trong việc xuất khẩu thêm dầu thô. Nga và các nước vùng Vịnh đang phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng này. Sự hợp tác cũng được ghi nhận trong lĩnh vực xuất khẩu lúa mì của Nga, vốn gặp trở ngại vì các đòn trừng phạt.
Ông Ahmed Ayyach, nhà báo của tờ A-Nahar tại Liban, nói: "Nga là một quốc gia vĩ đại và chúng tôi ở Trung Đông hy vọng Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến đó. Bởi vì nếu không, hậu quả đối với khu vực này sẽ không thể tránh được. Và thực tế là một số quốc gia, đang ở trong quỹ đạo của Nga, sẽ không thể đối phó với phương Tây".
Một số nước Trung Đông phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự và chiến lược của Nga mới chỉ mạnh mẽ hơn trong mấy năm qua. Các quốc gia vùng Vịnh cũng đang dần ngả về phía Moskva trong vài năm gần đây.
Ngay cả từ trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine, các nước vùng Vịnh đã là khách hàng thường xuyên của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Sự kiện ông Joe Biden lên cầm quyền tại Mỹ với những tuyên bố mạnh mẽ không thân thiện với vùng Vịnh lúc đầu càng đẩy các quốc gia ở khu vực này xích lại gần với Moskva hơn. Bên cạnh ngoại giao-quốc phòng, hợp tác giữa các bên cũng được thúc đẩy trong lĩnh vực du lịch, chống khủng bố và thương mại.
Đối với nhiều người, Nga đang phát triển thành một quốc gia đại diện cho tiếng nói của sự thấu hiểu và hành động có trách nhiệm. Các chính sách của Moskva trái ngược hoàn toàn với chính sách của Washington. Nga không can thiệp vào công việc của nước khác và áp đặt ý trí của Moskva đối với họ.
Trong khi đó, Mỹ cuối cùng đã nhận thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Trung Đông và Washington cũng có hành động. Thời gian gần đây, Washington liên tiếp cử hàng loạt quan chức cấp cao thực hiện các chuyến công du tới khu vực này. Cuối tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thăm Israel, khu Bờ Tây để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine, quan hệ Israel-Palestine, các vấn đề liên quan Iran và khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu.
Theo Axios, điều phối viên phụ trách khu vực Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk và đặc phái viên về năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein cũng đã đến Saudi Arabia, đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông, vào ngày 24/5 để gặp các quan chức cấp cao nước này. Trọng tâm chuyến thăm là một thỏa thuận về tăng cường sản lượng dầu mỏ và một thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia, Israel và Ai Cập. Mới đây nhất, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 6/6 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét kế hoạch thăm Saudi Arabia trong tháng 6 này.
Thời điểm này, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm", hình ảnh của Nga như một quốc gia đứng ngoài xung đột đã bị tổn hại, song một khi chiến tranh kết thúc, nước Nga sẽ đứng vững một lần nữa. Và kết quả cuộc chiến có như thế nào, thì vị thế nước Nga thời hậu chiến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Trung Đông, vùng Vịnh.