Với việc ông Vitaly Churkin, Đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ, tuyên bố không loại trừ khả năng nước này gia nhập liên minh quốc tế tại Libya thì viễn cảnh Moskva tham gia chống IS dường như đã trở nên rõ ràng hơn. Theo mạng tin "al Arabiya" ngày 25/2, vụ việc các phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chặt đầu 21 con tin người Ai Cập thuộc giáo phái Coptic là một sự thách thức đối với người dân Ai Cập và lãnh đạo nước này.
Ngày 15/2, lực lượng của IS tại Libya đã tung một đoạn video trên mạng internet quay cảnh hành quyết 21 người Cơ đốc giáo gốc Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ai Cập đã ngay lập tức đáp trả bằng cách tổ chức các cuộc không kích vào các căn cứ của IS tại Libya, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) ra nghị quyết ủng hộ sự can thiệp của liên minh quốc tế vào Libya, trên cơ sở đề nghị của nước này.
Tuy nhiên, phương Tây hiện vẫn tiếp tục chỉ trích ông Sisi về việc đàn áp những người Hồi giáo ôn hòa ở trong nước và tỏ thái độ thờ ơ, tiếp tục giả bộ một cách ngạo mạn như thể họ biết mọi giải pháp cho các vấn đề của Trung Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người gần đây được nghênh đón tại Cairo, đã gửi một thông điệp chia buồn tới người đồng cấp Ai Cập và tái khẳng định rằng "Nga sẵn sàng hợp tác một cách chặt chẽ nhất với Ai Cập trong cuộc chiến chống lại mọi mối đe dọa khủng bố".
Sau thảm kịch tại Libya , một số chính khách Nga đã kêu gọi sự can dự sâu rộng hơn của Nga vào cuộc chiến chống IS, khi nhiều người dân Nga cảm thấy phải có trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra tại quốc gia này. Điều này là do Nga đã bỏ phiếu trắng hồi năm 2011 tại Hội đồng Bảo an LHQ cho một nghị quyết về Libya.
Tuy nhiên, Nga có thể sẽ từ chối tham gia liên minh hiện nay và có thể đòi liên minh này phải được thay thế bằng một liên minh do LHQ bảo trợ.
Ở một góc độ nào đó, sự tham gia của Nga vào một liên minh chống IS (dù được LHQ hay phương Tây hậu thuẫn) có thể giúp tăng cường vị thế và nâng cao uy tín của Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, những lợi ích có vẻ mơ hồ này có thể dễ dàng biến thành tổn thất đối với Nga khi nước này đã nhiều lần bị IS đe dọa.
Theo người đứng đầu của Cơ quan Mật vụ Nga, có tới gần 1.700 công dân Nga đã gia nhập các lực lượng của IS tại Syria và Iraq. Sự tham gia trực tiếp của Nga trong bất kỳ liên minh nào cũng có nghĩa là một cuộc chiến trực tiếp chống lại IS.
Các nhà phân tích cho rằng nếu cộng đồng quốc tế muốn Nga đóng góp một cách hiệu quả hơn cho cuộc đấu tranh chống khủng bố thì họ nên để Nga tiếp tục hành động như trước đây - hỗ trợ các hoạt động trên chiến trường thông qua việc hỗ trợ quân sự, vũ khí, trao đổi thông tin thông qua các mối quan hệ song phương và hợp tác trực tiếp. Nga là một đối tác mạnh và sự tham gia tích cực hơn của họ sẽ rất hữu ích cho cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.
TTK