'Vận may' đang rời IS

Giới phân tích cho rằng "vận may" đang bắt đầu rời bỏ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khi lực lượng thánh chiến này mất dần quyền kiểm soát đối với nhiều khu vực mà họ từng chiếm đóng ở Iraq và chỉ có thể duy trì tầm ảnh hưởng tại Syria.

Các tay súng của IS đang phải hứng chịu hàng loạt thất bại và không thể đảo ngược tình thế tại nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq.


Vừa bị chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu càn quét, vừa phải đối mặt với thực tế là mối liên kết ngày càng chặt chẽ của các đối thủ ở phía bên kia chiến tuyến, các tay súng của IS đã hứng chịu hàng loạt thất bại tại Iraq và không thể đảo ngược tình thế tại nhiều vùng lãnh thổ mà chúng từng chiếm được từ tháng 6/2014. Chỉ riêng trong tháng 11/2014, lực lượng này đã bị đánh bật khỏi chiến trường quan trọng là Jurf al-Sakhr, phía Nam thủ đô Baghdad của Iraq, đánh mất quyền kiểm soát thị trấn Baiji và buộc phải rút quân khỏi một nhà máy lọc dầu ở gần đó. Ở miền Đông, IS cũng đã để mất con đập lớn nhất Iraq là Adhaim và hai thị trấn gần biên giới với Iran.

Sau nhiều tuần giao tranh và tuy đã tiến hành không ít cuộc tấn công tự sát tại Kobane, thị trấn của người Kurd ở vùng biên giới chung Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, IS vẫn phải hứng chịu thiệt hại không ít về mặt nhân lực trong khi vẫn không thể phá vỡ tuyến phòng thủ của lực lượng người Kurd. Nhà phân tích Ayham Kamel, thuộc Tổ chức Eurasia, nhận định: "Nỗ lực chống lại phiến quân IS đang bắt đầu cho thấy những kết quả cụ thể sau hàng loạt diễn biến đảo chiều trên chiến trường".

Các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái thực hiện hàng chục cuộc tấn công mỗi tuần nhằm vào những mục tiêu thánh chiến Hồi giáo tại Iraq và Syria, không chỉ phá hủy nhiều trang thiết bị và nơi trú ẩn của IS mà còn cản trở bước tiến cũng như hoạt động của tổ chức này. Mặc dù IS cùng những kẻ ủng hộ vẫn phủ nhận tình hình đã đảo ngược, song hàng loạt thất bại và ít nhất là những thiệt hại về quân số khiến người ta không khỏi cho rằng thanh thế của tổ chức khủng bố này đang dần phai nhạt.

Lực lượng thánh chiến từng giành ưu thế tại những vùng lãnh thổ mà cả chính phủ Iraq và khu tự trị người Kurd đều tuyên bố sở hữu, song mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai phía (chính phủ Iraq và người Kurd) đã giúp tạo ra một liên minh chặt chẽ hơn và tạo động lực cho cuộc chiến chống lại các tay súng IS.

IS vẫn không thể phá vỡ tuyến phòng thủ của lực lượng người Kurd tại Kobane - thành phố chiến lược ở vùng biên giới chung Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.


Việc quân chính phủ và lực lượng quân sự người Kurd (Peshmerga) giành lại quyền kiểm soát Saadiyah và Jalawla, hai thị trấn nằm trong khu vực này, hồi cuối tuần trước càng củng cố hơn quan điểm cho rằng vùng biên giới phía Đông của "Vương quốc Hồi giáo" mà thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập đang bắt đầu bị thu hẹp.

Một nhà ngoại giao phương Tây cấp cao nói: "Tại các khu vực này, việc siết chặt gọng kìm tấn công từ phía Bắc của lực lượng Peshmerga và từ phía Nam của quân đội Iraq là chiến thuật rất hợp lý. Tôi cho rằng các bên đã có một quyết định chiến lược là trước hết sẽ giải phóng vùng phía Đông, và dần dần tiến về phía Tây". Trong một báo cáo ngắn gọn được công bố hôm 2/12, viện nghiên cứu chính sách Soufan Group cho rằng IS, với khẩu hiệu "Tồn tại và Bành trướng", hiện vẫn "tồn tại song đang dần bị thu hẹp".

Tuy nhiên, nhà phân tích John Drake, thuộc Tổ chức AKE, cho rằng những chiến thắng gần đây trong cuộc chiến chống IS mới chỉ là những bước tiến khá dễ dàng. Theo ông, liên minh giữa quân đội Iraq, lực lượng Peshmerga của người Kurd, các tay súng của nhiều bộ tộc Sunni và dân quân người Shi'ite sẽ sớm phải đối mặt với thách thức lớn nếu lực lượng thánh chiến "rút khỏi các khu vực ở (tỉnh) Salaheddin phía Bắc để tái tập hợp tại Mosul và Anbar". Không chỉ vậy, do lo ngại về nguy cơ thương vong lớn trong dân thường, các cuộc không kích do liên minh quân sự mà Mỹ đứng đầu, được triển khai hồi tháng 8/2014, đã tránh nhắm vào những khu vực được coi là thành trì của IS như Mosul, Tikrit và Fallujah.

Trong khi đó, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho rằng kết quả của cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trấn Kobane, nơi bị coi là không có tầm quan trọng chiến lược, rõ ràng có tầm quan trọng đáng kể, và thực tế là các cuộc giao tranh tại đây đã khiến hàng trăm tay súng của IS thiệt mạng. Giám đốc tổ chức này, ông Rami Abdel Rahman, cho biết cuộc tấn công của IS tại thị trấn Homs phía Đông cũng đã bị quân đội chính quyền chặn đứng. Ông nói: "IS không nhận được sự ủng hộ của người dân tại các khu vực mà chúng nắm giữ. Điều duy nhất giúp lực lượng này nắm quyền kiểm soát là bởi chúng đã khủng bố người dân để buộc họ phải nghe lời".

Một số nhà quan sát cho rằng việc đoạn băng tuyên truyền mà IS vừa công bố cuối tháng trước có nhiều hình ảnh đồ họa và những cảnh chặt đầu tập thể được quay chậm là dấu hiệu cho thấy tổ chức này đang ngày càng liều lĩnh một cách tuyệt vọng. Trong một đoạn ghi âm hiếm hoi, thủ lĩnh Baghdadi của IS đã cố gắng trấn an những kẻ ủng hộ rằng IS vẫn đang củng cố sức mạnh và đang trên đà chiến thắng.

Giới phân tích cho rằng IS sẽ sớm ở trong thế bị động tại chiến trường Anbar, một khu vực rộng lớn có sông Euphrates chảy ngang qua và nhiều vùng đất từng nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm nổi dậy trong một thời gian dài trước khi rơi vào tay IS hồi tháng 6/2014. Nhà phân tích Michael Knights, thuộc Viện Washington, nói: "Nhiều khả năng Anbar sẽ là trọng tâm ưu tiên tiếp theo của chính quyền liên bang, cùng các bộ tộc (Sunni), các tay súng người Shi'ite và không lực quốc tế". Ông cũng cho rằng mặc dù rất khó để bảo đảm an toàn cho vùng sa mạc rộng lớn giữa Saudi Arabia, Jordan và Syria, song "liên quân" hoàn toàn có thể đánh bật IS khỏi các thành phố lớn dọc sông Euphrates.

Tuy nhiên, quân đội Iraq sẽ cần thời gian để củng cố lại lực lượng, nhất là sau hàng loạt bê bối hạn chế năng lực và tham nhũng trong nhiều tháng qua, bởi vậy, việc giành lại quyền kiểm soát các thành phố Sunni lớn thực sự là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền. Nhà phân tích Kemel nói: "Tôi không cho rằng cuộc khủng hoảng an ninh tại Anbar sẽ sớm được giải quyết. Việc thành lập một liên minh giữa các bộ tộc và lực lượng vũ trang Sunni cần có một khoảng thời gian đáng kể để thực sự tạo ra những kết quả khả quan".


TTK
IS còn giữ bao nhiêu con tin?
IS còn giữ bao nhiêu con tin?

Đoạn băng do nhóm khủng bố IS ghi lại cảnh chặt đầu nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig khác với những vụ hành quyết trước đây ở chỗ: chúng không buông lời đe dọa giết thêm con tin phương Tây nào nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN