Theo giới chuyên gia Đức, nếu kịch bản Brexit xảy ra, tiến trình Anh rút khỏi EU và những hậu quả cụ thể của nó sẽ kéo dài và phức tạp. Điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2009 có đề cập việc một nước có thể xin rút khỏi khối, song không quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các bước tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu Brexit trở thành hiện thực sau ngày 23/6, Anh sẽ phải đệ trình lên Hội đồng châu Âu “Đề nghị xin rút khỏi EU” và khi đó, quá trình đàm phán trong EU về Brexit mới chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, kịch bản về một tương lai giữa EU với một nước từng là thành viên nay đã rút ra khỏi khối lại không được đề cập đến trong bất kỳ điều khoản nào của thỏa ước EU.
Những người ủng hộ Brexit tại thủ đô London. |
Cho đến khi nào Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chưa thông qua đề xuất xin rút khỏi EU của Anh, trong thời gian đó Anh vẫn là một thành viên EU với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ. Trong trường hợp này, Anh có thể sử dụng quyền phủ quyết hoặc đồng thuận trong các vấn đề ngân sách của EU hay đối với các hiệp định thương mại tự do của EU với nước thứ ba.
Cũng theo Điều 50, thời hạn tối đa để xem xét đề xuất rút khỏi EU của một nước là 2 năm và có thể gia hạn thêm. Điều này có nghĩa là nếu sau 2 năm mà Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu không đưa ra quyết định, Anh có quyền đơn phương rút khỏi EU. Tất nhiên việc phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ với EU không nằm trong kế hoạch của Anh lẫn EU xét trên lợi ích song phương về cả kinh tế lẫn chính trị. Khi đó, một kịch bản khả thi là hai bên nhất trí kéo dài thời hạn xem xét. Tuỳ theo tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán, thời gian tối đa để hoàn tất Brexit thực sự và Brexit chính thức có hiệu lực có thể mất từ 4 đến 10 năm. Nói cách khác, nếu cuộc trưng cầu dân ý cho kết quả “Có” với Brexit, chính trường Anh sẽ bước vào giai đoạn “một thập kỷ bất ổn”.
Trong ngắn hạn, cuộc trưng cầu dân ý sẽ tạo ra những rắc rối chính trị ngay lập tức đối với chính phủ Anh. Mặc dù ông David Cameron tuyên bố không từ chức nếu kết quả là người dân Anh nói “Không”, song nếu xảy ra kịch bản Brexit, những áp lực chính trị từ người dân và nội bộ đảng Bảo thủ sẽ buộc ông Cameron phải từ chức. Điều này sẽ buộc đảng Bảo thủ Anh phải cải tổ nội bộ và chọn ra một Thủ tướng mới, thậm chí có thể nước Anh phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Đối với EU, Brexit sẽ tạo ra những phản ứng chính trị trái chiều. Một mặt, chính phủ hầu hết các nước EU đều khẳng định quan điểm ủng hộ việc Anh ở lại EU. Những nước như Đức và Pháp tuyên bố trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả kịch bản Brexit, hai nước này và những nước ở “vùng lõi” của EU sẽ vẫn kiên định lập trường nhất thể hóa và hội nhập EU mạnh mẽ hơn. Điều đó có nghĩa là “hiệu ứng dây chuyền” từ Brexit sẽ ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, điều này có thể duy trì được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào kết quả của hai cuộc bầu cử ở Đức và Pháp vào năm 2017, trong bối cảnh các phong trào cánh hữu bài EU ở cả hai nước này đang có chiều hướng phát triển mạnh thời gian vừa qua. Mặt khác, Brexit đồng nghĩa với một chiến thắng cho những lực lượng phản đối EU ở Anh cũng như sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các đảng bài EU hoặc hoài nghi về tiến trình hội nhập EU ở châu Âu. Khi đó, những đảng đang lớn mạnh này ở Pháp, Hà Lan hay Áo có thể đưa ra các yêu cầu về một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở nước Anh.