Kinh tế Nga suy yếu do bị phương Tây trừng phạt

Sau khi Mỹ và châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, nền kinh tế Nga đã bị thiệt hại nặng. Tuần qua, lợi nhuận của các công ty quốc doanh tiếp tục giảm và trị giá đồng rúp của Nga hạ xuống mức thấp nhất.

Chứng khoán Nga bị ảnh hưởng và đồng rúp xuống giá tới mức thấp nhất kể từ năm 1998. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết đã chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp nếu áp lực lạm phát gia tăng.

Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và các công ty năng lượng quốc doanh sẽ là đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Điển hình là Gazprom, công ty này vừa mới công bố lợi nhuận giảm 41%. Ông Alexei Kokin - nhà phân tích năng lượng - cho rằng sự sụt giảm này phát sinh từ việc Nga quyết định ngưng bán khí đốt cho Ukraine. Ông nói: “Về căn bản, việc mất thị trường Ukraine không chỉ là một vấn đề quan trọng mà còn là nguyên nhân gây ra bất ổn và có khả năng trở thành một vấn đề không thể đảo ngược của Gazprom”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom, ông Alexei Miller. Ảnh: AFP/TTXVN.


Giá dầu giảm làm cho vấn đề trầm trọng hơn và làm cho đồng rúp sụt giảm nhanh hơn nữa. Bà Maria Lipman, một nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng đây cũng là một xu hướng đáng lo ngại đối với những công ty phương Tây làm ăn với Nga. Bà nhận định: “Các công ty lớn trên thế giới như Exxon hay BP cũng không hài lòng với những chế tài được áp đặt”.

 Ngoài việc nhắm vào những công ty lớn và những cá nhân có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Nga, các biện pháp trừng phạt mới cũng mở rộng việc cấm nhập khẩu từ Nga và cấm tất cả những thỏa thuận về vũ khí trong tương lai giữa Nga và châu Âu. Ông Marshall Gittler, thuộc công ty Global FX Strategy, cảnh báo các nhà đầu tư nên tránh xa nước Nga, ngay cả trong trường hợp phương Tây quyết định xóa gỡ một số biện pháp trừng phạt. Ông nói: “Nếu tình hình Ukraine ổn định, đồng rúp sẽ có thể mất giá với một tốc độ chậm hơn. Dĩ nhiên, nếu tình hình Ukraine căng thẳng trở lại, kinh tế Nga sẽ sụp đổ”.

Trong khi một số người lo ngại rằng đồng rúp suy yếu đẩy giá cả lên cao thì một số người khác lại cho rằng người tiêu dùng Nga, vốn có khuynh hướng ít mua hàng nhập khẩu, sẽ chưa cảm thấy bị ảnh hưởng. Bà Maria Lipma nhận định: “Các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến các xí nghiệp quốc doanh, các công ty quốc doanh, ảnh hưởng đến các ngân hàng và giờ đây đã ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, nhưng ít ảnh hưởng đến những người dân thường ở Nga”.


Mặc dù nền kinh tế Nga bị thiệt hại, song sự ủng hộ của dân chúng Nga đối với Tổng thống Vladimir Putin vẫn còn rất cao. Ít người nghĩ rằng ông Putin sẽ lùi bước trước những biện pháp trừng phạt mới. Ngoài ra, nếu Nga trả đũa bằng cách ngưng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu hay cấm các máy bay châu Âu bay qua vùng trời Nga như một số người tại Moskva đề nghị, hậu quả cuối cùng của việc này sẽ rất lớn, không chỉ cho kinh tế Nga mà còn cho nền kinh tế toàn cầu.


TTK

Bùng nổ chiến tranh kinh tế Nga – Phương Tây
Bùng nổ chiến tranh kinh tế Nga – Phương Tây

Nga đã chính thức leo thang cuộc chiến kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt của Phương Tây khi tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu mọi mặt hàng nông sản của Mỹ cũng như toàn bộ trái cây và rau quả từ Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN