Khách du lịch tham quan phố cổ ở thủ đô La Habana. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một bài phát biểu ở Washington, Bộ trưởng Lew cho rằng "các hình thức trừng phạt kinh tế không nên được sử dụng một cách tùy tiện. Chúng ta phải nhận thức được nguy cơ rằng việc lạm dụng trừng phạt có thể làm suy yếu vị thế lãnh đạo của chúng ta trong nền kinh tế toàn cầu cũng như hiệu quả của chính các biện pháp trừng phạt đó”.
Bộ trưởng Lew cũng lưu ý tính chất dễ bị tổn thương của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu nếu lạm dụng các biện pháp trừng phạt. Ông nói: "Nếu các bên có thẩm quyền hoặc công ty nước ngoài nhận thấy rằng chúng ta sẽ thực hiện biện pháp trừng phạt thiếu chính đáng hay vì những lý do không phù hợp thì chúng ta không nên ngạc nhiên nếu họ tìm cách tránh làm ăn tại Mỹ hay giao dịch bằng đồng USD”.
Theo Bộ trưởng Lew, việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ tạo ra nguy cơ khiến doanh nghiệp rời khỏi thị trường Mỹ nếu nước này để mất vị trí trung tâm của các hoạt động tài chính toàn cầu, và đồng USD mất vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Ông Lew nhấn mạnh trường hợp của Iran như một ví dụ điển hình cho thấy tác dụng của trừng phạt kinh tế đã tạo ra thay đổi như thế nào khi có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế. Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nước CH Hồi giáo này đã mang lại sự thay đổi khi Tehran thay đổi chính sách và tuân thủ các cam kết đối với chương trình hạt nhân.
Ngược lại, ông chỉ ra những biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lên Cuba trong suốt 5 thập niên qua, khi thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là sai lầm.
Với những bài học nói trên, ông Lew cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc cùng với cộng đồng quốc tế, đưa ra những biện pháp trừng phạt nhắm tới một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt của CHDCND Triều Tiên liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Lew nhận định trừng phạt kinh tế chỉ là một phần trong những biện pháp nhằm ngăn chặn tổ chức này tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế nguồn tài trợ khủng bố.