Libya: Điểm dừng chân mới trên bản đồ địa chính trị của Nga?

Giới chuyên gia đánh giá về tác động với Moskva, Tripoli và nhiều bên khác nếu Nga tái triển khai lực lượng quân sự từ Syria đến Libya.

Chú thích ảnh
Xe quân sự Nga trên đường hướng tới căn cứ quân sự của nước này tại Kamisli, Syria vào ngày 14/9/2020. Ảnh: Anadolu Agency

Tương lai của Nga tại Syria có thể là vấn đề còn gây tranh cãi nhưng việc Điện Kremlin muốn duy trì dấu ấn chiến lược của mình trên khắp Địa Trung Hải và châu Phi thì đã được thừa nhận rộng rãi.

Trong suốt cuộc nội chiến ở Syria, Nga đã cung cấp hỗ trợ quân sự và ngoại giao quan trọng cho chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad. Trong quá trình này, Nga đã thành lập một căn cứ không quân quan trọng tại Khmeimim và mở rộng đáng kể căn cứ hải quân thời Liên Xô tại Tartus, cảng nước ấm duy nhất của Nga.

Với việc Syria hiện nằm trong tay chính quyền mới do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu, tương lai của những căn cứ đó vẫn chưa rõ ràng và các báo cáo cho thấy Nga đã rút một phần lực lượng của mình.

Việc mất các căn cứ ở Syria - những mắt xích quan trọng trong chuỗi ảnh hưởng từ Moskva đến Địa Trung Hải và vào châu Phi - sẽ gây thiệt hại, khiến Nga cần một giải pháp thay thế. Và Libya, nơi Nga đã có sự hiện diện, được thừa nhận là giải pháp thay thế thực tế duy nhất nếu Nga quyết định rút toàn bộ hoặc một phần lực lượng của mình khỏi Syria.

Tuy nhiên, việc tăng đột ngột quân số của Nga có thể có ý nghĩa gì đối với một Libya bất ổn, cũng như những tác động của việc tăng cường sự hiện diện của Nga gần biên giới của NATO thì còn phải chờ thời gian chứng thực.

Tại sao Nga không từ bỏ Syria, đưa lực lượng về nước?

Việc mở rộng sự hiện diện của Nga tại châu Phi thông qua các căn cứ của nước này ở Syria và Libya đã là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách Điện Kremlin kể từ khoảng năm 2017, một mục tiêu mà "Nga đã đấu tranh để có được" và không sẵn sàng từ bỏ - Oleg Ignatov, một nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết.

"Nga coi Châu Phi là một trong những đấu trường cạnh tranh chính giữa các cường quốc hiện tại", ông Ignatov nói.

Chú thích ảnh
Xe quân sự Nga trên đường hướng tới căn cứ quân sự của nước này tại Kamisli, Syria vào ngày 14/9/2020. Ảnh: Anadolu Agency

Nga, chủ yếu thông qua nhà thầu quân sự Quân đoàn châu Phi (trước đây là Tập đoàn Wagner) để duy trì sự hiện diện quân sự trên khắp châu Phi.

Hiện tại, lực lượng Quân đoàn châu Phi hỗ trợ các chính phủ Mali, Burkina Faso và Niger - tất cả đều đã cắt đứt quan hệ với phương Tây sau các cuộc đảo chính gần đây.

Ngoài ra, Quân đoàn châu Phi được cho là đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cầm quyền của chính phủ Cộng hòa Trung Phi cũng như hỗ trợ quân đội Sudan.

"Đúng là ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây ở lục địa này có thể đang suy giảm, nhưng sự hiện diện của các cường quốc khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đang gia tăng", chuyên gia Ignatov cho biết.

Do đó, việc duy trì ít nhất một trong các vị trí của họ ở Libya hoặc Syria là điều tuyệt đối đối với các nhà hoạch định của Điện Kremlin - ông Ignatov nói với Al Jazeera.

"Libya mang đến cho Nga vị trí độc đáo - một chỗ đứng ở cả Bắc Phi và Địa Trung Hải, hoàn hảo để thể hiện sức mạnh vào vùng đất yếu của châu Âu và trên khắp Sahel", nhà phân tích Anas El Gomati tại Viện Sadeq có trụ sở ở Tripoli, cho biết.

Libya chưa sẵn sàng?

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy miền Đông Libya đang chuẩn bị cho một làn sóng đổ bộ từ Nga.

Hình ảnh vệ tinh do Al Jazeera kiểm tra cho thấy không có công trình xây dựng mới nào của Nga tại bất kỳ sân bay Libya nào hoặc động thái nào tại cảng Tobruk, một cảng nước ấm mà Nga được cho là đang cân nhắc để đưa lực lượng quân sự tới từ trước cuộc khủng hoảng Syria.

"Đừng đánh giá thấp tiềm năng của Tobruk. Nó chưa phải là Tartus, nhưng đó chính xác là lý do tại sao Nga muốn có nó. Họ không tìm kiếm những gì hiện có. Họ đang tìm kiếm những gì họ có thể xây dựng”, ông El Gomati nói.

Libya đã bị mắc kẹt trong một cuộc tranh giành quyền lực của riêng mình, một cuộc đấu tranh mà việc tái triển khai quân đội của Nga từ Syria đến Bắc Phi có thể đảo ngược.

Libya đã có rất ít sự ổn định kể từ cuộc cách mạng năm 2011. Nước này được quản lý bởi hai chính phủ, cả hai đều bị những người chỉ trích cáo buộc là bất hợp pháp - nhưng không bên nào sẵn sàng nhượng bộ cho đến khi cuộc bầu cử quốc gia có thể được tổ chức.

Cuộc bầu cử được đề xuất gần đây nhất đã thất bại tháng 12/2021.

Ở phía Đông là Chính phủ ổn định quốc gia (GNS), được hậu thuẫn bởi nhà lãnh đạo tự xưng, chỉ huy quân sự Khalifa Haftar. Ở phía Tây là Chính phủ hiệp định quốc gia được quốc tế công nhận, do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah lãnh đạo.

Theo các nhà phân tích như Tarek Megerisi của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, việc thành lập một trung tâm quân sự lớn của Nga ở miền Đông Libya sẽ trao cho phe Haftar một tiếng nói lớn trong các cuộc đàm phán mà ông ta có thể từ bỏ mà không phải trả giá.

"Nếu Nga rút lui hoàn toàn về phía Đông, Haftar sẽ có thể làm bất cứ điều gì ông ta muốn", nhà phân tích Tarek Megerisi tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu nói, mô tả cách các cường quốc phương Tây sau đó sẽ cố gắng xoa dịu Haftar với hy vọng kéo ông ta ra khỏi Nga.

Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc đề xuất "sẽ không còn là đàm phán". "Haftar ... có thể ra lệnh. Bao gồm cả việc bổ nhiệm một thủ tướng mới, người sẽ chỉ có hiệu lực cho đến khi ông ta chắc chắn bất hòa với Haftar. Và sau đó thì sao? Thêm đạn nữa", ông kết luận.

NATO có bị đe dọa?

Haftar tiếp tục là mục tiêu của hoạt động ngoại giao của phương Tây mặc dù có khả năng ông sẽ cung cấp cho Nga, đối thủ địa chính trị của phương Tây, một nơi trú ẩn an toàn chỉ cách bờ biển NATO vài trăm hải lý.

Chú thích ảnh
Căn cứ hải quân Nga tại Tartus, Syria vào ngày 13/12/2024 qua ảnh vệ tinh của Maxar Technologies

"Mối đe dọa với NATO không bị thổi phồng. Nó bị đánh giá thấp", nhà phân tích El Gomati nhận xét.

“Đây không chỉ là về các căn cứ quân sự. Đây là về việc Nga tạo ra các điểm gây áp lực trên các tuyến đường di cư, nguồn cung cấp năng lượng và hành lang thương mại của châu Âu. Vị thế của Libya khiến nơi này trở thành một nền tảng hoàn hảo cho chiến tranh hỗn hợp”, ông nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Ukraine đã nhận 1 tỷ USD từ chiến dịch tịch biên tài sản Nga
Ukraine đã nhận 1 tỷ USD từ chiến dịch tịch biên tài sản Nga

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal tuyên bố ngày 24/12, khoản tiền đầu tiên trị giá 1 tỷ USD trong khoản cho vay 20 tỷ USD của Mỹ được bảo đảm bằng tài sản Nga bị tịch thu đã được thanh toán cho Kiev. Trong khi đó, Moskva tuyên bố sẽ đáp trả “vụ trộm cắp” này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN