Liên minh chống IS có chiều hướng bế tắc

Những nỗ lực chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang thể hiện sự thiếu hiệu quả. Thực tế cho thấy, IS vẫn đang đứng vững và trả đũa bằng nhiều cuộc tấn công liên tiếp, bất chấp sức mạnh tổng lực của hơn 10 quốc gia (Mỹ, Australia, Đức, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Canada, Jordan, Bahrain và UAE) tham gia cuộc chiến này.

 Khói bốc lên sau cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của IS ở Kobane. Ảnh: AFP-TTXVN.


Theo tạp chí "Tầm nhìn phương Đông" số ra mới đây, đã đến lúc liên minh quốc tế chống IS cần phải tính đến một chiến lược mới toàn diện.

Trong hơn một tháng qua, IS đã xâm chiếm được nhiều khu vực đông dân cư ở tỉnh Anbar của Iraq - nơi có nhiều người Sunni sinh sống - trong đó có thị trấn Hit nằm giữa Haditha Dam và Ramadi, thủ phủ tỉnh này. IS đã điều chỉnh chiến thuật chống lại các chiến dịch không kích của liên quân quốc tế khi có các hành động linh hoạt hơn, di chuyển nhanh hơn và không để cho đối thủ có cơ hội tấn công các đơn vị của chúng. IS thành lập các nhóm nhỏ di động và thâm nhập vào các thị trấn Iraq, sau đó sử dụng hỏa lực mạnh buộc lực lượng vũ trang Iraq, vốn được tổ chức lỏng lẻo, phải rút khỏi những khu vực này.

Một điểm cần chú ý khác là các cuộc oanh tạc liên tục của lực lượng liên quân vào các "vùng lãnh thổ Hồi giáo" lại trở thành chủ đề để IS lợi dụng nhằm miêu tả tổ chức này như là "nạn nhân" của "những kẻ xâm lược" và qua đó tìm kiếm được sự ủng hộ nhất định của một bộ phận người Hồi giáo Sunni vốn đã có tư tưởng chống Mỹ và phương Tây.

Chính quyền Mỹ chắc chắn cũng nhận thức được sự kém hiệu quả của chiến dịch không kích hiện nay và đang cố gắng để khắc phục các khiếm khuyết dễ nhận thấy của liên minh quốc tế. Trên cơ sở đó sẽ thiết lập sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các thành viên.

Theo đó, Mỹ và các đồng minh đã thành lập một chuỗi các Bộ Tư lệnh, đứng đầu là Bộ Tư lệnh liên quân CENTCOM (Unified Command) ở Tampa (Florida), dưới là Bộ Tư lệnh không quân (Command Air) đóng ở Qatar (căn cứ Udeid) và Bộ Tư lệnh Trung tâm (Central Command) đóng tại Kuwait. Đồng thời, các nước đồng minh thiết lập một hệ thống các đơn vị thuộc Lực lượng đặc biệt (Special Forces).

Mười nước tham gia liên quân như đã đề cập ở trên có thể sẽ nhận được hỗ trợ hậu cần quân sự từ các nước khác như Albania, Ai Cập, Hungary, Italy, Kuwait, Liban, Cộng hòa Séc, Estonia, Ba Lan và Qatar. Một số quốc gia đồng minh khác bao gồm Tây Ban Nha, Ireland, Thụy Sĩ (mặc dù là quốc gia trung lập về quân sự), Na Uy, Áo, New Zealand và Nhật Bản sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo.

Các chuyên gia tham mưu cao cấp của liên quân cũng đang tính tới khả năng sẽ phải sử dụng bộ binh cùng với các lực lượng vũ trang người Kurd Iraq, với sự yểm trợ của không quân, để dần dần buộc IS rút khỏi các vị trí lực lượng này đang chiếm giữ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin Dempsey họp với chỉ huy quân sự cấp cao của 21 quốc gia trong liên minh chống IS ngày 14/10. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, chiến lược này còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Trước hết, Ankara bằng mọi cách cản trở liên minh cung cấp hỗ trợ cho người Kurd, với lập luận Đảng Công nhân người Kurd - KWP (chính xác hơn là đơn vị ở Syria của tổ chức này - Đảng Dân chủ Kurdistan của Syria, gọi tắt là KDP) đang chiến đấu chống IS, cũng là một tổ chức khủng bố. Động thái duy nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện để đáp ứng các kế hoạch của Mỹ là để cho những nhóm người Kurd không có liên hệ nào với KWP được phép di chuyển từ Erbil đến Kobani.

Trong khi đó, Pháp - quốc gia luôn được xem như đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ trong các chiến dịch quân sự - cũng không triển khai các kế hoạch hành động theo đúng ý muốn của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Pháp gần như đứng ngoài liên minh và không muốn hợp tác với Washington. Lực lượng của Pháp tham gia chống IS là quá khiêm tốn khi chỉ đóng góp 6 máy bay tham gia các chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Iraq, trong đó có một máy bay trinh sát và một máy bay tiếp dầu.

Sự phản đối của Ankara, khả năng phối hợp tác chiến của liên minh thấp, đóng góp nhỏ bé của Pháp, sự yếu kém của quân đội Iraq và đặc điểm chỉ có thể tiến hành chiến tranh du kích của lực lượng người Kurd Peshmerga đang đặt ra những câu hỏi lớn về khả năng thành công của liên quân quốc tế trong mục tiêu hoàn thành chiến dịch quân sự đặt ra.

Ngoài những khía cạnh thuần túy quân sự, liên minh quốc tế chống IS còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác đáng kể hơn rất nhiều. Trước hết, liên quân đã hoàn toàn không tính đến vai trò và khả năng của Iran và Syria trong việc thực hiện những đóng góp quan trọng cho cuộc chiến chống IS.

Về khía cạnh pháp lý, liên minh cũng thiếu đi tính hợp pháp cần có cho bất kỳ chiến dịch quân sự quốc tế nào: hoạt động của liên quân không được chính thức xác nhận bởi chính quyền Tổng thống Assad, vốn vẫn đang cầm quyền trên thực tế và quan trọng hơn là không có được nghị quyết ủng hộ nào từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hơn nữa, Mỹ và các đồng minh đã không có phương pháp tiếp cận toàn diện trong cuộc chiến chống IS, khi coi IS chỉ đơn thuần là mối đe dọa quân sự mà không tính đến những khía cạnh thuộc về ý thức hệ, điều đã được IS sử dụng không chỉ để truyền bá tư tưởng mà còn lôi kéo sự ủng hộ của một bộ phận người Hồi giáo ở Syria, Iraq và thậm chí ở cả phương Tây. Liên minh cũng chưa đủ sự quan tâm cần thiết tới việc loại bỏ các lý do chính trị là nguồn gốc của chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông.

Về lâu dài, mọi diễn biến tình hình sẽ phụ thuộc vào mong muốn của Washington muốn sử dụng các chiến dịch chống IS là chỉ để chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế hay còn nhằm lấy lại uy thế của mình trên thế giới?

Nếu Washington vẫn muốn khôi phục lại một trật tự thế giới đơn cực, theo đuổi cách tiếp cận phiến diện trong cuộc chiến chống IS cũng như trong việc giải quyết các xung đột chính trị khác tại Trung Đông khi không tính tới vai trò và ảnh hưởng của các nhân tố Syria, Iran và cả Nga, các hoạt động chống IS sẽ có nguy cơ biến khu vực này thành "vùng đất của hỗn loạn" với xung đột dai dẳng và tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố phát triển hơn.


TTK


Mỹ họp với các đối tác liên minh đối phó với IS
Mỹ họp với các đối tác liên minh đối phó với IS

Ngày 3/11, Mỹ đã nhóm họp với các đối tác liên minh về cách thức phối hợp và tăng cường nỗ lực chung nhằm chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan ở Iraq và Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN