Tạp chí "The Diplomat" mới đây đăng bài phân tích có tựa đề "Trung Quốc quan hệ với châu Phi chứ không phải người châu Phi" của chuyên gia kinh tế chính trị quốc tế Singapore Paul R. Burgman.
Ngày 1/12, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (phải) và Chủ tịch Trung Quốc tại lễ đón ở Harare nhân chuyến thăm thức Zimbabwe của ông Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN |
Bài viết cho biết từ ngày 10-17/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm 5 nước châu Phi để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa châu Phi và Trung Quốc.
Chuyến thăm này cũng nhằm mục đích tiếp tục truyền thống của quốc gia châu Á này là mở đầu các chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên nhân dịp đầu năm mới tới châu Phi với hàm ý coi trọng khu vực này.
Tại Kenya ông Vương Nghị đã khẳng định vai trò của Trung Quốc ở "Lục địa đen". Ông nêu bật: "Chúng tôi sẽ không đi theo con đường cũ của thực dân phương Tây và chắc chắn sẽ không làm mất đi lợi ích sinh thái và lợi ích lâu dài của châu Phi".
Điều này cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng nhận thức rõ hơn rằng mặc dù các khoản đầu tư của Trung Quốc thực sự có lợi cho người dân châu Phi, nhưng họ vẫn đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc tại lục địa này.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nước này là tạo mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia châu Phi. Ví dụ năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi ước tính lên tới gần 220 tỷ USD.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Nigeria năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến "giấc mơ" về việc Trung Quốc có thể kết nối các thành phố lớn của châu Phi bằng hệ thống đường sắt cao tốc.
Đặc biệt, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) hồi đầu tháng 12/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ hơn 60 tỷ USD để phát triển kinh tế-xã hội.
Đây được coi là một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-châu Phi và cũng chứng tỏ sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ tại châu lục nhiều tiềm năng này. Các nhà phân tích và học giả châu Phi đã hết lời khen ngợi việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác của Bắc Kinh với châu Phi thời gian gần đây.
Trái lại, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi năm 2014, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã có những phản ứng gay gắt trước việc Bắc Kinh đang ngày càng "lấn sân" tại châu Phi.
Năm 2013, Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, xóa nợ và tặng học bổng cho sinh viên châu Phi theo học tại các trường đại học của Trung Quốc. Hành động này đã tạo nên một hình ảnh "tích cực" về Trung Quốc trong mắt các quốc gia châu Phi. Nhiều nước châu Phi đã biết ơn Trung Quốc vì những hợp tác kinh tế với Bắc Kinh có thể cho phép họ từ bỏ hoặc giảm thiểu các quan hệ đối tác kinh tế, đôi khi cứng nhắc với phương Tây.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân châu Phi rằng mục đích của nước này tại đây là chân chính. Bằng cách cải thiện mối quan hệ giữa người với người, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, Trung Quốc và châu Phi có thể tăng cường quan hệ đối tác chiến lược kinh tế, thương mại và đầu tư năng động hơn trong tương lai.
Nhằm cải thiện mối quan hệ, Trung Quốc có thể khuyến khích các công ty của nước này và doanh nghiệp nhà nước ở châu Phi thuê 20-30% lực lượng lao động sở tại làm việc trong các chương trình và dự án liên doanh tại đây. Điều này sẽ kích thích các nền kinh tế địa phương phát triển, nhất là thị trường lao động.
Công nhân Senegal cùng làm việc với công nhân Trung Quốc tại Dakar. Ảnh: AFP |
Hiện tỉ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia châu Phi, nhất là đội ngũ lao động trẻ, chiếm tới hơn 1/3 tổng lực lượng lao động tại đây. Đồng thời điều đó cũng xóa bỏ sự mặc cảm về việc tuyển dụng lao động mang tính phân biệt chủng tộc của các công ty của Trung Quốc tại đây.
Hiện nay, các công ty Trung Quốc chủ yếu đưa nhân công của họ từ trong nước sang châu Phi để thực hiện các dự án do nước này tài trợ hoặc đầu tư với lý do người bản địa chưa có ý thức kỷ luật lao động, thiếu trình độ chuyên môn, lười biếng...
Đặc biệt, một số nước châu Phi đã và đang bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc đang "đồng hóa" châu Phi bằng cách đưa lực lượng lao động lớn từ trong nước sang lục địa này làm việc và khuyến khích họ xây dựng gia đình với các phụ nữ bản địa để hình thành cộng đồng dân cư người Hoa đông đúc và rộng khắp châu Phi.
Trên thực tế, có nhiều khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai màu mỡ tại nhiều nước châu Phi đang do những cộng đồng này quản lý và nắm giữ.