Kênh CNN (Mỹ) nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình đang hướng tới việc đưa Trung Quốc lên vị thế dẫn đầu trong y tế sau khi nước này kiểm soát được dịch COVID-19.
Chủ tịch Tập Cận Bình còn cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 2 năm tới để hỗ trợ những nước đang phát triển. Ông đồng thời đề cập rằng Trung Quốc đã hỗ trợ điều trị y tế cho 200 triệu người dân châu Phi trong 7 thập niên qua.
Chủ tịch Trung Quốc còn nhấn mạnh sẽ giúp đỡ 30 bệnh viện tại châu Phi, thành lập một ủy ban y tế châu Phi để góp sức sản xuất vaccine.
Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này của Bắc Kinh tập trung vào đảm bảo nhận được ủng hộ từ châu Phi ở thời điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Lục địa Đen.
Chưa có lãnh đạo quốc gia châu Phi nào phàn nàn về Trung Quốc trong xử lý dịch COVID-19. Tuy nhiên, có một số quốc gia châu Phi có tên trong dự thảo được hơn 100 nước ký, đệ trình lên Hội đồng Y tế Thế giới đề nghị mở điều tra đánh giá độc lập, toàn diện và công bằng về phản ứng của thế giới với COVID-19.
COVID-19 chính là nguyên nhân Trung Quốc cần sự ủng hộ của châu Phi ở thời điểm này.
Mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi được ghi dấu từ giữa thế kỷ 20 khi Bắc Kinh muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Kể từ đó, châu Phi đã chứng tỏ vai trò của khối ngoại giao then chốt đối với Bắc Kinh. Trong những thập niên tiếp theo sau đó, khi phương Tây nhiều lần chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh, các quốc gia châu Phi vẫn ở cùng phía với Trung Quốc. Gần đây, khi Mỹ gây áp lực lên tập đoàn công nghệ Huawei thì Kenya và Nam Phi lại chào mừng sự hiện diện của công ty viễn thông Trung Quốc này.
Bà Lina Benabdallah tại Đại học Wake Forest (Mỹ) nhận định: “Những lần Mỹ hoặc phương Tây chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh thường tìm đến tình hữu nghị tại châu Phi. Bắc Kinh cần các đối tác châu Phi để thể hiện rằng Trung Quốc không bị cô lập và có bạn trên trường quốc tế”.
Mỹ gần đây chỉ trích mạnh Trung Quốc về sự lây lan của COVID-19. Sự ủng hộ từ châu Phi một lần nữa lại rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Trong tháng 3 và tháng 4, Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa y tế trị giá 71 tỷ nhân dân tệ trên toàn thế giới, trong đó có 28 triệu khẩu trang. Chính sách khẩu trang của Trung Quốc vấp phải nghi hoặc từ phương Tây, nhưng các quốc gia châu Phi lại hoan nghênh sự hỗ trợ này.
Nhà phân tích người Nigeria Ovigwe Eguegu nhận định: “Châu Phi là nơi có nhiều quốc gia đang phát triển cần hỗ trợ để chiến đấu với tác động y tế và kinh tế từ COVID-19”.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện để giúp đỡ châu Phi vượt qua khủng hoảng y tế công cộng. Tháng 11/2014, Trung Quốc đã hỗ trợ 750 triệu nhân dân tệ trong phòng chống Ebola toàn cầu. Nhưng con số này chưa thể vươn tới tầm của các nhà tài trợ phương Tây. Riêng Mỹ, Anh và Đức đến tháng 12/2015 đã tài trợ hơn 3,6 tỷ USD để chống dịch Ebola.
Ở thời điểm này, cả Mỹ và châu Âu đều là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn kêu gọi cắt quỹ tài trợ cho WHO. Do vậy, một số quốc gia châu Phi sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc chào đón hỗ trợ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định xuất hiện dấu hiệu cho thấy COVID-19 có thể gây rạn nứt quan hệ Trung Quốc-châu Phi.
Vào cuối tháng 2, dư luận tại Kenya đã bất bình khi máy bay chở 239 hành khách của hãng hàng không China Southern Airlines từ Trung Quốc hạ cánh tại Nairobi. Dư luận Kenya yêu cầu dừng các chuyến bay giữa Trung Quốc và châu Phi cho đến khi Trung Quốc kiểm soát được dịch COVID-19.
Vào tháng 4, nhiều bộ trưởng các quốc gia châu Phi đề nghị G20 triển khai gói khẩn cấp 100 tỷ USD trong đó bao gồm 44 tỷ USD miễn trừ nợ. Trung Quốc được cho đang nắm giữ 1/5 số nợ của châu Phi.
Vụ việc gây xôn xao nhất diễn ra trong tuần đầu tháng 4 tại Quảng Châu. Sinh viên và người dân các quốc gia châu Phi sinh sống tại thành phố Quảng Châu bị buộc phải xét nghiệm COVID-19 và cách ly 14 ngày bất kể lịch sử đi lại. Điều này bắt nguồn từ lo ngại làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 tại Trung Quốc bắt nguồn từ người nước ngoài nhập cảnh.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết nhiều công dân “Lục địa Đen” tại Quảng Châu bất đắc dĩ trở thành người vô gia cư khi các khách sạn từ chối cho họ thuê còn chủ nhà trọ đuổi họ ra ngoài.
Nhà phân tích Eguegu nhận định: “Việc đối xử không tốt với người châu Phi tại Quảng Châu là vết nhơ trong quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Khi tập trung vào châu Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như muốn gửi tín hiệu tới người dân Lục địa Đen rằng châu Phi là ưu tiên của Trung Quốc”.
Trong giai đoạn từ 200-2018, sau khi cho châu Phi vay tới 140 tỷ USD dành cho xây dựng, Bắc Kinh đã “hãm phanh” một số dự án và bổ sung thêm những điều khoản nghiêm ngặt hơn.
Đáng chú ý là trường hợp Kenya. Sau khi Trung Quốc cho Kenya vay 3,6 tỷ USD giai đoạn đầu dự án đường sắt Đông Phi, Bắc Kinh quyết định từ chối cấp 3,5 tỷ USD giai đoạn tiếp theo với lý do lo ngại về nợ và tính khả thi kinh tế.
Hiện tại, châu Phi chưa chịu tác động nặng nề như Mỹ và châu Âu về COVID-19. Nhưng trong trường hợp thực sự xảy ra khủng hoảng COVID-19 tại châu Phi thì đó sẽ là bài kiểm tra đối với Trung Quốc về y tế và tình hữu nghị mà Bắc Kinh luôn đề cập với châu Phi.