Mở rộng Liên minh châu Âu: Một bình minh mới đang đến?

Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện với một thời khắc lịch sử để mở rộng sau thời gian dài gần như "ngủ đông".

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Sau 7 vòng mở rộng, Liên minh châu Âu (EU) hiện có 27 thành viên. Tuy nhiên, hội nhập châu Âu đã phải đối mặt với mâu thuẫn giữa việc mở rộng theo chiều ngang và đi vào chiều sâu: để thể hiện hình ảnh chính trị của khối và ảnh hưởng của sự đoàn kết châu Âu, cần phải mở rộng số lượng thành viên và nâng cao hiệu quả ra quyết định của EU.

Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện với một thời khắc lịch sử để mở rộng sau thời gian dài gần như "ngủ đông". Cuộc bầu cử Ủy ban châu Âu (EC) gần đây mang đến triển vọng cải tổ quy trình gia nhập, thúc đẩy mở rộng và khắc phục những sai lầm trước đây, đặc biệt là từ phía Hội đồng châu Âu.

Việc kết nạp thêm các quốc gia Đông Âu và Balkan vào EU không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia ứng cử viên mà còn củng cố vị thế của EU trên bản đồ an ninh, kinh tế và địa chính trị. Các quốc gia như Ukraine, Moldova, và nhiều nước Balkan đã thể hiện ý chí mạnh mẽ trong việc gia nhập khối. Nhiều nước Balkan đã là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Ukraine và Moldova đang nỗ lực hòa nhập hệ thống luật pháp châu Âu.

Những cải cách xã hội, chính trị tại các nước ứng cử viên giúp thúc đẩy dân chủ, pháp quyền và sự ổn định. Điều này không chỉ làm vững mạnh châu Âu mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của EU trong việc thúc đẩy hội nhập và bảo vệ các giá trị dân chủ.

Thay đổi quan trọng trong chính sách mở rộng

Việc bổ nhiệm bà Marta Kos, một chính trị gia Slovenia, làm Ủy viên phụ trách mở rộng EU hồi tháng 6/2024 đánh dấu bước ngoặt lớn. Bà Kos được đánh giá cao về năng lực và sự quyết đoán, nhận được sự ủng hộ từ nhiều phe phái trong Nghị viện châu Âu. Khác với người tiền nhiệm Olivér Várhelyi, bà Kos cam kết đặt lợi ích chung của EU lên trên hết, tạo niềm tin cho các quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu cũng đã phân tách rõ nhiệm vụ giữa chính sách mở rộng và chính sách láng giềng, đảm bảo tập trung tối đa cho việc kết nạp thành viên mới. Ngoài ra, gói hỗ trợ trị giá 6 tỷ euro cho Tây Balkan (từ 2024-2027) và 50 tỷ euro cho Ukraine từ tài sản bị đóng đăng của Nga là bước đi cần thiết nhưng chỉ là khởi đầu.

Những thách thức còn đó

Mặc dù chính sách mở rộng EU đang có động lực mới, nhiều quốc gia ứng cử viên vẫn phải vượt qua chặng đường dài để đáp ứng các tiêu chí gia nhập, đặc biệt là tiêu chí Copenhagen về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền.

Các nước thành viên EU hiện tại cũng cần nghiêm túc cải cách. Quy trình ra quyết định trong Hội đồng châu Âu nên chuyển từ sự đồng thuận sang biểu quyết đa số, đặc biệt trong các lĩnh vực như chính sách đối ngoại và an ninh.

Một lộ trình hội nhập từng bước, thay vì đòi hỏi sự gia nhập toàn diện ngay từ đầu, đang được đề xuất. Các quốc gia ứng cử viên có thể tham gia vào các chương trình trọng điểm như khu vực thanh toán chung (SEPA) hoặc bãi bỏ phí chuyển vùng. Điều này không chỉ giúp các quốc gia này nhanh chóng tiếp cận các tiêu chuẩn EU mà còn củng cố lòng tin của người dân vào dự án hội nhập.

Cơ hội cho Tây Balkan và tín hiệu từ Ukraine

Montenegro và Albania đang nổi lên như những ứng cử viên sáng giá, có thể gia nhập EU trong tương lai gần. Việc kết nạp các quốc gia này không chỉ thực hiện lời hứa từ Hội nghị Thessaloniki, Hy Lạp cách đây hơn 20 năm mà còn là minh chứng cho khả năng mở rộng của EU.

Xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy EU xem xét lại chính sách mở rộng. Ukraine, Moldova và Georgia đã có bước tiến lớn, đưa vòng đàm phán gia nhập vào thực tế. Tuy nhiên, EU cần đảm bảo rằng các xung đột song phương, như giữa Serbia và Kosovo, không cản trở tiến trình này.

EU cần quyết liệt hơn trong cả cải cách nội bộ và chính sách mở rộng. Nếu không hành động, EU có nguy cơ đánh mất vai trò dẫn dắt khu vực và để lại khoảng trống quyền lực nguy hiểm. Cả các nước thành viên hiện tại lẫn các quốc gia ứng cử viên phải đồng lòng thực hiện các cải cách cần thiết.

Một bình minh mới đang ló dạng với EU. Nhưng để ánh sáng đó thực sự rực rỡ, khối cần hành động ngay, từ cải tổ các quy trình nội bộ đến tái định hình chính sách mở rộng, đặt nền móng cho một tương lai vững mạnh và thống nhất hơn.

Quá trình mở rộng cũng đặt ra những câu hỏi cấp bách về tương lai của liên minh. Liệu EU có thể tìm ra một con đường cân bằng giữa việc mở rộng và bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên hiện tại? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ định hình tương lai của châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo ips-journa)
Chủ tịch EC khẳng định ưu tiên mở rộng EU
Chủ tịch EC khẳng định ưu tiên mở rộng EU

Trong khuôn khổ chuyến thăm Albania ngày 23/10, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của khối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN