Đó là nhận định của Đại tá Nga về hưu Mikhail Khodarenok với đài RT.
Mục đích của Mỹ
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch rút khỏi Hiệp định Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Từ khi ký văn kiện này năm 1987, Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã loại bỏ khá nhiều vũ khí quân sự có tiềm năng cao như tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn hai tầng tầm trung Pioner, bệ phóng di động liên kết, hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung di động Oka…
Cần phải lưu ý rằng những hệ thống này có năng lực hoạt động xuất sắc và tiềm năng chiến đấu của các hệ thống là mối quan ngại lớn với Mỹ. Dưới thời nhà lãnh đạo Boris Yeltsin, Nga gần như mất lực lượng không quân chiến lược và tên lửa đạn đạo đa đầu đạt hạt nhân hạng nặng.
So sánh với Nga, những thứ mà Mỹ từ bỏ dường như ở mức tối thiểu. Theo Đại tá Mikhail, nếu nghĩ rằng đàm phán với Mỹ để hạn chế hoặc giảm vũ khí hạt nhân nhằm tăng cường hòa bình, an ninh toàn cầu và xây dựng niềm tin lẫn nhau thì đó sẽ là một suy nghĩ ảo tưởng. Mục đích duy nhất của Mỹ là tước bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Nga.
Về mặt lý thuyết, việc Washington sắp rút khỏi INF có thể dẫn tới việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở các nước Baltic và Ukraine. Mãi cho tới năm 1987, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ BGM-109G Gryphon vẫn còn ở Greenham Common và Molesworth (Anh), Wueschheim (Đức), Comiso (Italy) và Florennes (Bỉ). Tổng cộng 309 tên lửa khắp châu Âu. Khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II được đặt gần Schwabisch Gmund, Neu-Ulm và Neckarsulm ở Tây Đức.
Các vũ khí tương tự giờ có thể được trển khai gần biên giới phía tây của Nga. Ngày nay, việc Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình khắp Ukraine như là cơn ác mộng với Moskva.
Hiện nay, dường như Ukraine sẽ không gây cản trở chính trị nào với Mỹ. Hơn nữa, Ukraine sẽ hào hứng thực sự khi Mỹ định triển khai tên lửa ở biên giới phía đông Ukraine. Tương tự, các nước như Lithuania, Latvia và Estonia cũng vui mừng không kém khi tên lửa Mỹ có mặt trên lãnh thổ.
Nếu điều này xảy ra, thời gian bay của một tên lửa đạn đạo tầm trung tới các cơ sở quan trọng của lực lượng vũ trang Nga ở khu vực lãnh thổ thuộc châu Âu sẽ chỉ là hàng chục giây. Giới chức Nga hầu như sẽ không có thời gian để cân nhắc tấn công trả đũa. Ngoài ra, quá trình này sẽ khiến toàn bộ hệ thống cảnh báo sớm vô tác dụng.
Nói cách khác, nếu Mỹ rời INF, hậu quả tiềm tàng về mặt chính trị và quân sự sẽ tệ hơn so với hậu quả mà Liên Xô từng đối mặt giữa những năm 1980.
Nguy cơ chạy đua vũ trang?
Trong số những vấn đề khác, người ta tin rằng sự sụp đổ của INF sẽ làm xói mòn các cuộc thảo luận về chủ đề vũ khí tấn công chiến lược, khiến khả năng hiệp ước START mới được gia hạn sau năm 2021 là khó xảy ra khi hết hạn.
Tuy nhiên, có nhiều quan niệm khác nhau về khả năng trên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết còn quá sớm để nói liệu việc Mỹ rút khỏi INF ảnh hưởng ra sao tới tương lai của START mới.
Một phần lớn cộng đồng chuyên gia Mỹ và Nga đều cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF sẽ là dấu hiệu khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân hoàn toàn không giới hạn và không kiểm soát.
Trên lý thuyết, có thể trường hợp này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, một số vấn đề có thể được tiếp cận từ góc độ khác nhau. Tầm quan trọng của các thỏa thuận mà Nga và Mỹ từng ký trong lĩnh vực kiểm soát và giảm vũ khí chiến lược dường như bị thổi phồng.
Ví dụ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM 1972, người ta cho rằng sẽ xảy ra hậu quả thảm khốc. Tuy nhiên, đã hơn 16 năm từ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước tháng 6/2002, không có hậu quả gì thảm họa xảy ra.
Tương tự, không có lý do gì để cho rằng việc INF bị khai tử sẽ khiến thế giới đi tới hồi kết. Ngoài ra, cho dù tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có được triển khai khắp biên giới phía tây Nga, trong trường hợp có xung đột hạt nhân, Nga vẫn sẽ có khả năng tấn công trả đũa ngay cả khi chính phủ và quân đội bị tê liệt hoàn toàn.
Điều này sẽ được thực hiện nhờ hệ thống tự động đáp trả hạt nhân Perimeter (Dead Hand – Bàn tay Tử thần). Cho dù trong trường hợp nào, Mỹ và đồng minh châu Âu sẽ chịu hậu quả không thể tưởng tượng nổi nếu họ tấn công trước.
Các tuyên bố gần đây của ông Trump đã khiến dư luận đồn đoán về động thái đáp trả của Nga. Dù vậy, rõ ràng là Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua hạt nhân nữa như trong những năm 1950 hay 1960. Thứ nhất, Nga không đủ nguồn lực. Thứ hai, không cần thiết phải chạy đua và đó là lý do thực sự.
Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự rời INF, Nga có thể phục hồi tổ hợp tên lửa Iskander 9K720 để sử dụng tên lửa hành trình tầm xa. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Nga quay trở lại thiết kế tên lửa hành trình hạng nhẹ như Kurier hay nâng cấp khả năng chiến đấu của RS-26 Rubezh.
Trong khi Tổng thống Trump kỳ vọng Trung Quốc tham gia đàm phán về một hiệp ước mới, có khả năng cao là Trung Quốc sẽ không quan tâm tới việc đàm phán về bất kỳ một loại INF nào. Trước nhất, tên lửa tầm trung là trọng tâm năng lực hạt nhân của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
Trong trường hợp xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, chính DF-21D sẽ không để các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ tới gần trong phạm vi 14.000-15.000km mà không gặp rủi ro bị đánh trúng. Các tên lửa này sẽ vô hiệu hóa mối đe dọa từ máy bay Mỹ.
Theo ông Mikhail, về một hiệp ước mới, nên có cuộc đàm phán giữa tất cả các quốc gia hiện sở hữu tên lửa như: Mỹ, Nga, Iran, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, có khả năng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần vì nhiều lợi ích chính trị xung đột.