Ngoài ra, Iran còn trả tự do cho 5 tù nhân Mỹ, trong đó có phóng viên Jason Rezaian làm việc cho báo Washington Post. Còn phía Mỹ cũng thả một số tù nhân Iran và đưa 14 người khác ra khỏi danh sách truy nã quốc tế.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Khóa họp 70 Đại hội đồng LHQ ngày 29/9/2015. |
Sự kiện trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đánh giá là "một cột mốc quan trọng"; Tổng thống Mỹ Barack Obama cho là "cơ hội để Iran hợp tác hơn với phần còn lại của thế giới" và cho thấy Mỹ sẵn sàng can dự với Iran vì lợi ích quốc gia của Mỹ; Cao ủy của EU phụ trách về an ninh và đối ngoại Federica Mogherini coi là một "thành tựu quyết tâm chính trị và ngoại giao đa phương có thể giúp xử lý được các vấn đề phức tạp nhất" và Ngoại trưởng Đức Frank Walter Stein-Meier nhận xét là "thành công của lịch sử ngoại giao đem lại hy vọng có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng trong khu vực và quốc tế"... Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá đây là một "trang vàng" trong lịch sử Iran và là "một chương mới" mở ra trong quan hệ giữa Tehran và thế giới. Việc Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không chỉ giúp cho Iran có thể bán được nguồn dầu dự trữ lên tới gần 40 triệu thùng và có thể sản xuất thêm tới 500.000 thùng nữa mỗi ngày mà còn giúp họ có quyền tiếp cận được với gần 100 tỷ USD tài sản bị đóng băng ở nước ngoài và mở ra khả năng làm ăn lớn với các nhà đầu tư phương Tây tại thị trường có tới gần 80 triệu dân của nước này.
Diễn biến trên ở Iran làm cho người ta liên tưởng ngay tới tình hình ở Cuba và mối quan hệ Mỹ - Cuba. Cho đến nay, hơn một năm đã trôi qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng tuyên bố hai nước sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ. Hai nước đã làm được nhiều việc, từ chỗ tiến hành nhiều cuộc đối thoại song phương, đến việc mở lại đại sứ quán của hai bên ở thủ đô của nhau và quyết định nới lỏng quan hệ trao đổi thư tín, hàng không dân dụng, du lịch và một số dịch vụ khác.
Nhiều chính khách và người dân hai nước đã tăng cường đi lại thăm viếng và trao đổi với nhau. Một số tổ chức và nhân vật quốc tế khác từ nhiều nước ở châu Âu và thế giới cũng đã đến thăm Cuba và góp phần tác động vào việc cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba. Cho tới nay, giữa hai nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề khúc mắc nhất. Đó là việc hai bên sẽ thảo luận để đi đến xử lý thế nào những khoản tiền lên tới nhiều tỷ USD mà Mỹ đã gây thiệt hại cho Cuba sau hơn 50 năm bao vây và cấm vận cũng như các tổn thất về tài sản Mỹ còn để lại ở Cuba trong thời gian đó. Hai bên phải bàn bạc sao để Mỹ đi đến tháo dỡ căn cứ quân sự Guantanamo của Mỹ đặt ở phía Đông Cuba; Mỹ phải chấm dứt việc can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba thông qua biện pháp xúi giục và kích động những phần tử ly khai, chống đối gây khó khăn và làm rối loạn tình hình nội bộ của Cuba...
Tuy nhiên, các nhà phân tích thông thạo tình hình quốc tế và khu vực Mỹ Latinh đều có chung suy nghĩ rằng: Sớm muộn gì thì Mỹ cũng phải xóa bỏ hoàn toàn và vô điều kiện việc bao vây, cấm vận và phong tỏa Cuba. Vì việc làm này của Mỹ vừa vô căn cứ vừa không mang lại hiệu quả gì khi Cuba vẫn trụ vững hơn nửa thế kỷ qua. Việc làm của Mỹ cũng trái với nguyện vọng của nhân dân hai nước vốn là láng giềng gần gũi, muốn sống hòa bình, hữu nghị và giao lưu với nhau; đi ngược lại xu thế mở cửa và tăng cường hội nhập của thế giới. Đồng thời, việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Mỹ và Cuba còn là một lời hứa danh dự của đương kim Tổng thống Obama và là một dấu ấn mà chính ông muốn lưu lại cho hậu thế sau hai nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng. Cho nên thế giới đều tin rằng một khi Mỹ đã bỏ cấm vận Iran thì Mỹ ắt phải bỏ việc bao vây, cấm vận và phong tỏa Cuba.