Mỹ sẽ cắt giảm QE3?

Vào tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, từng bắn tin FED có thể cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3). Cho nên, dư luận rất quan tâm xem tại cuộc họp cuối cùng trong năm 2013, cũng là cuộc họp cuối cùng do ông Bernanke chủ trì trên cương vị Chủ tịch FED, Washington có quyết định cắt giảm QE3 hay không.

Thị trường đang chờ đợi quyết định của ông Ben Bernanke.


Nếu xem xét ở góc độ số liệu kinh tế, tờ “Thời báo Công thương” phát hành ở Đài Bắc cho rằng khả năng FED cắt giảm QE3 đang tăng cao.

Thứ nhất, khi đưa ra QE3 vào tháng 9/2012, FED tuyên bố QE3 sẽ được duy trì tới khi thị trường việc làm cải thiện rõ rệt. Tháng 6 năm nay, tiêu chuẩn việc làm để cắt giảm QE3 trở nên rõ ràng hơn khi ông Bernanke nói rằng mốc chấm dứt của QE3 là khi tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7%. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 11/2013 đã gần đạt được mục tiêu này.

Thứ hai, hồi đầu năm nay, Chủ tịch FED tại Chicago, ông C. Evan cũng đưa ra tiêu chuẩn cắt giảm QE3, đó là lấy 6 tháng làm khoảng thời gian quan sát, nếu trung bình mỗi tháng tạo được 180.000 – 200.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt thì sẽ cắt giảm QE3. Thực tế cho thấy, 6 tháng qua, trung bình mỗi tháng, nước Mỹ tạo được 179.500 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, nghĩa là đã gần chạm mốc mà ông Evan đưa ra.

Thứ ba, cùng với sự cải thiện của thị trường lao động, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên, ngành bán lẽ cũng phát triển với tốc độ cao. Các chỉ số đo lường sức sản suất như ISM, PMI của ngành chế tạo và phi chế tạo của Mỹ gần đây đều có biểu hiện lạc quan. Do đó, có thể nói cho dù Mỹ cắt giảm QE3, kinh tế nước này cũng khó xuất hiện tình trạng tuột dốc.

Thứ tư, trong cuộc họp lần này, lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) có thể sẽ nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế và hạ mức dự báo về tỉ lệ thất nghiệp. Tại cuộc họp hồi tháng 9, FOMC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Mỹ chỉ từ 2% - 2,3%  và tỉ lệ thất nghiệp từ 7,1% - 7,3%.

Do tăng trưởng kinh tế quý 3 của Mỹ đạt 3,6% và quý 4 thậm chí có thể còn tốt hơn quý 3, cho nên, khả năng FOMC nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 là không nhỏ. Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp cũng sớm thấp hơn mức dự báo của FOMC. Do đó, khả năng FOMC hạ mức dự báo về tỉ lệ thất nghiệp cũng khá lớn.

Thứ năm, vào ngày 10/12 vừa qua, Ủy ban Hiệp thương Dự toán Ngân sách xuyên đảng phái ở Mỹ đã thông qua thỏa thuận dự toán ngân sách năm 2014 và năm 2015, sau đó hai ngày được Hạ viện thông qua, dự kiến cũng sẽ vượt qua cửa ải của Thượng viện vào tuần này.

Như vậy, trong hai năm tới, Mỹ sẽ không phải đối mặt với nguy cơ chính phủ bị đóng cửa nữa. Tương lai rõ ràng khác hẳn với bối cảnh đưa ra QE3, khi đó, nước Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa của “vách đá tài chính”.

Hiện nay, nhân tố chủ chốt mà “những người yêu QE3” bám vào để bảo vệ vấn đề duy trì QE3 là lạm phát ở Mỹ vẫn thấp. Tuy nhiên, khi đưa ra QE3, FED đã biểu thị rõ ràng rằng QE3 là nhằm giúp kinh tế phục hồi và thị trường lao động cải thiện nhanh hơn, chứ không giống như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản gắn QE với nâng cao lạm phát. Cho nên, lạm phát có thể là một nhân tố quyết định khi nào điều chỉnh lãi suất cơ bản liên bang chứ không phải là nhân tố chủ yếu được sử dụng để xem xét việc điều chỉnh QE3.

Nói tóm lại, những gì đang diễn ra cho thấy kinh tế Mỹ dường như đã bước vào giai đoạn hồi phục bền vững và rủi ro kinh tế đi xuống không lớn. Tình hình đã cải thiện rõ rệt so với hồi tháng 9, do đó, không loại trừ khả năng FOMC tuyên bố cắt giảm QE3 khi kết thúc phiên họp cuối năm vào rạng sáng 19/12. Cho dù, FOMC vẫn án binh bất động thì cũng sẽ bắn đi thông điệp: Trong tương lai không xa sẽ điều chỉnh QE3.

Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề thú vị là kết quả điều tra vừa được hãng tin Bloomberg công bố cho thấy chỉ có 22 trong số 67 nhà kinh tế được hỏi cho rằng FOMC sẽ tuyên bố cắt giảm QE3 tại phiên họp cuối năm. Thực tế này đối nghịch với những gì diễn ra hồi tháng 9.

Khi đó, 44 trong số 64 nhà kinh tế được Bloomberg hỏi tin là FOMC sẽ tuyên bố cắt giảm QE3 tại phiên họp diễn ra trong tháng. Có thể nói di chứng hồi tháng 9 đã tác động tới sự đoán của các nhà kinh tế vào tháng 12, nhưng quan trọng hơn, nó đã hé lộ sự thật là uy tín của FED đã đi xuống.

Do vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng nếu ông Bernanke không tận dụng cơ hội mà cuộc họp lần này mang lại để tạo kênh kết nối giữa thị trường và FED, con đường bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ gập ghềnh khó đi.

Một vấn đề khác là thị trường hiện nay phổ biến cho rằng giữa QE3 và vấn đề tăng lãi suất có mối quan hệ liên động, nghĩa là nếu cắt giảm QE3, gián tiếp bắn đi thông điệp sắp tăng lãi suất. Cho nên, điểm đáng quan sát nhất trong cuộc họp lần này của FOMC không phải khi nào cắt giảm QE3 mà là FED sẽ làm thế nào để tăng cường sự tin tưởng của thị trường đối với các chỉ dẫn tương lai mà FED đưa ra, để thị trường trong tương lai sẽ tách bạch vấn đề cắt giảm QE3 với chính sách lãi suất.


Hà Ngọc


Mỹ có thể đẩy lùi việc rút QE tới tháng 3/2014
Mỹ có thể đẩy lùi việc rút QE tới tháng 3/2014

Tuy cuộc khủng hoảng trần nợ Mỹ được hóa giải kịp thời, nhưng ít nhiều đã để lại tác hại đối với nền kinh tế và những lời kêu gọi tạm hoãn cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng (QE) lại trỗi dậy.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN