Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao cấp cao của chính quyền Mỹ đang tìm cách giải pháp tháo ngòi căng thẳng bùng phát với Iran trong những ngày gần đây. Nó cho thấy Tổng thống Trump cũng đang muốn “hãm phanh” căng thẳng giữa những cảnh báo về hậu quả tồi tệ nếu chiến tranh nổ ra.
Bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra ngày 15/5 trong cuộc họp tại Phòng Tình huống Nhà Trắng, gửi đi thông điệp tới các trợ lý theo phe “diều hâu” rằng ông không muốn chiến dịch tăng cường áp lực chống Iran bùng nổ thành một cuộc xung đột mở.
“Quả bom” thông tin tình báo
Đợt căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ và Iran đã bùng phát sau khi xuất hiện thông tin tình báo nghi ngờ Iran đưa tên lửa lên các thuyền nhỏ trên vịnh Ba Tư, có thể nhằm hướng Iraq. Thông tin tình báo, dựa trên những bức ảnh chưa được công bố nhưng được mô tả trên tờ The New York Times, bỗng như một “quả bom” kích động mối lo sợ Tehran có thể tấn công các lực lượng và lợi ích Mỹ hoặc đồng minh ở khu vực. Cũng tờ New York Times hôm 13/5 dẫn nguồn thạo tin cho biết Lầu Năm Góc được cho là đã lên kế hoạch điều 120.000 quân tới Trung Đông nhằm “nắn gân” Iran, dù Tổng thống Donald Trump sau đó bác bỏ tin này. Cùng lúc đó, một nguồn tin của Washington Times cho hay Iran đã chuyển rocket tới những địa điểm mà căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn.
Việc Washington cảnh báo về một mối đe dọa chống lại các lợi ích của nước này ở Trung Đông đã khiến căng thẳng trên toàn khu vực tăng cao. Hôm 16/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh sơ tán một phần đại sứ quán nước này ở Iraq. Đội ngũ cố vấn an ninh của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đã coi mối đe dọa trên là đặc biệt nghiêm trọng nên đã yêu cầu rút toàn bộ những nhân viên sứ quán không cần thiết khỏi Iraq.
Thêm vào đó, giữa lúc khủng hoảng leo thang, Saudi Arabia đã trực tiếp đổ lỗi cho Iran ra lệnh tấn công đường ống dẫn dầu của nước này bằng máy bay không người lái hôm 14/5. Về phía Iran, trước đó lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cho biết, lực lượng này đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với kẻ thù và Iran sẽ đánh bại Mỹ trong bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào.
Cuộc tranh cãi nội bộ Mỹ
Theo tờ New York Times, hai phe chủ chiến và chủ hòa đang lâm vào một cuộc tranh luận nội bộ dữ dội về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Iran. Cuộc tranh luận nội bộ chính quyền Mỹ về Iran được mô tả bởi năm quan chức cấp cao yêu cầu giấu tên. Theo đó, các quan chức Mỹ đã đặt ra một lằn ranh đỏ với cảnh báo Iran sẽ gặp nguy hiểm nếu vượt qua. Các quan chức đã không chỉ định loại phản ứng nào - quân sự hay biện pháp khác - sẽ đến nếu Iran xây dựng đủ kho dự trữ urani và thực hiện các bước đi khác nhằm vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Một người trong cuộc cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan và Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã trình bày với tổng thống một loạt lựa chọn quân sự cũng như đánh giá các cấp độ huy động lực lượng, chi phí và rủi ro của từng lựa chọn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã kiên quyết nói rằng ông không muốn đụng độ quân sự với Iran.
Tờ New York Times cũng cho biết, bất chấp dư luận đang râm ran lo ngại một cuộc chiến mới ở Vùng Vịnh, cho đến thời điểm này Nhà Trắng đang tỏ ra quyết tâm hơn trong tìm kiếm một lối đi ngoại giao. Hôm 16/5 khi được hỏi liệu Mỹ có đi tới chiến tranh với Iran, Tổng thống Trump đáp: “Tôi hy vọng là không”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi cho lãnh đạo Oman, Sultan Qaboos bin Said hôm 15/5 để trao đổi về mối đe dọa từ Iran. Vốn là một bên trung gian giữa phương Tây và Iran, từ lâu Oman đã là nơi diễn ra kênh liên lạc bí mật hồi năm 2014, khi chính quyền cựu Tổng thống Obama đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông Pompeo cũng đã đề nghị giới chức châu Âu giúp thuyết phục Iran “tháo ngòi” đợt căng thẳng mới bùng phát.
Những diễn biến trên đã cho thấy quan điểm rõ ràng của nhà lãnh đạo Mỹ trước ý tưởng “phiêu lưu” quân sự được dẫn đầu bởi Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton – người theo lập trường không thỏa hiệp đối với Iran. Ông Bolton, từ lâu trước khi tham gia đội ngũ của Tổng thống Trump đã kêu gọi thay đổi chế độ ở Tehran. Ông chống lại những thỏa hiệp sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán, chủ trương những thay đổi chính sách gần đây để siết chặt lợi ích kinh tế và chính trị đối với chính phủ Hồi giáo ở Tehran.
Tất nhiên, Tổng thống Trump đã tìm cách gạt đi những báo cáo về sự chia rẽ giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton, Ngoại trưởng Pompeo và Lầu năm góc. “Không có gì đáng lo ngại”, ông Trump đăng trên Twitter giữa tuần trước, “Những ý kiến khác nhau được đưa ra và tôi là người quyết định cuối cùng - đó là một quá trình rất đơn giản. Tất cả các khía cạnh, quan điểm và chính sách đều được đề cập”. Hôm 14/5 ông bác tin cho rằng giới chức nước này đang thảo luận về một kế hoạch đưa 120.000 quân tới Trung Đông và tuyên bố thông tin do tờ New York Times đưa trước đó là "giả mạo."
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng ông tin tưởng rằng Iran sẽ muốn đàm phán trở lại sớm, mặc dù một quan chức cấp cao cho biết Nhà Trắng rất khó theo đuổi một kênh ngoại giao bí mật với Iran như chính quyền người tiền nhiệm Obama đã làm.
Iran cũng không muốn chiến tranh
Ngày 19/5, trong cuộc gặp với các lãnh đạo nước ngoài, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bác bỏ một cuộc chiến tranh tiềm tàng. “Sẽ không có chiến tranh bởi chẳng ai trong chúng ta muốn chiến tranh cả”, ông Zarif tuyên bố.
Trước đó Giáo chủ Iran Khamenei cũng khẳng định Tehran không muốn đi đến chiến tranh với Mỹ bất chấp căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia thù địch. Tuy nhiên ông Khamenei cũng nhắc lại rằng Iran sẽ không đàm phán với Mỹ về một thoả thuận hạt nhân khác.
“Sẽ không có bất cứ cuộc chiến nào. Đất nước Iran lựa chọn con đường kháng cự”, truyền thông Nhà nước Iran dẫn lời Giáo chủ Khamenei hôm 15/5. “Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, và họ cũng không. Họ biết đó không phải lợi ích của họ”.
Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thoả thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, theo đó Tehran phải kiềm chế năng lực làm giàu hạt nhân của mình, để đổi lại việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Kể từ đó, Washington đã tăng cường trở lại các lệnh trừng phạt chống Iran nhằm siết hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này, gây sức ép buộc Tehran phải tham gia các cuộc thương lượng về một thoả thuận hạt nhân mới.