Nga "thách thức" Mỹ tại Lục địa Đen

Sau một thời gian dài hầu như không quan tâm đến châu Phi, hiện nay nước Nga đang thực hiện chính sách tái trở lại Lục địa Đen nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và quân sự tại khu vực nhiều tiềm năng này.


Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với người đồng cấp Uganda Yoweri Museveni. Ảnh: AP

Tại cuộc hội thảo về "Triển vọng và tiềm năng phát triển của châu Phi" vừa được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia, mới đây, chuyên gia Eugene Steinberg, trợ lý Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) Mỹ, cho biết thực tế, trong suốt thời kỳ Liên bang Xô viết trước đây, Điện Kremlin đã chú ý thúc đẩy quan hệ với châu Phi, ủng hộ các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, phi thuộc địa hóa.

Đặc biệt Nga đã cung cấp và hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị quân sự cho các nước ở châu lục này. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô khiến mối quan hệ vừa được thiết lập với châu Phi bị ảnh hưởng, Nga gần như không có sự hiện diện về chính trị, kinh tế và quân sự tại lục địa này từ đó đến nay.

Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ vắng bóng, hiện nay Nga đang tái thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi. Đặc biệt, châu lục này đang trở thành một trong những khu vực trọng tâm trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược toàn cầu mới của Nga.

Chuyên gia Steinberg nhấn mạnh kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận với Nga, kim ngạch thương mại Nga- châu Âu đã sụt giảm mạnh, trong khi đó châu Phi lại trở thành cơ hội và thị trường đầu tư, thương mại hấp dẫn đối với Moskva.

Đáng chú ý là chính các nước châu Phi cũng bày tỏ thiện chí và mong muốn nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Nga nhằm tăng cường xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này. Mới đây, các quốc gia châu Phi như Nam Phi, CHDC Congo, Zimbabwe, Kenya, Ai Cập, Tunisia và Maroc thể hiện rõ mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Nga và sẵn sàng tăng cường trao đổi buôn bán song phương, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường Nga.

Đến nay, mặc dù tỉ trọng thương mại giữa Nga và châu Phi còn ở mức rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại của Nga, nhưng khối lượng trao đổi buôn bán hai bên đã tăng hơn 10 lần trong giai đoạn 2000-2014.

Theo số liệu thống kê vừa công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB), năm 2014, các tập đoàn, công ty Nga đã đầu tư hơn 20 tỷ USD tại châu Phi thông qua các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như năng lượng, khai khoáng, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, đóng tàu, đánh bắt hải sản...

Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn dầu khí Rostec của Nga tuyên bố thắng thầu dự án lọc dầu trị giá khoảng 4 tỷ USD tại Uganda. Dự án này hứa hẹn mang lại cho Uganda cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế và trở thành một đối tác quan trọng của Nga tại khu vực rộng lớn này. Ngoài ra, Nga cũng vừa ký một hợp đồng lớn, trị giá hơn 3 tỷ USD, với Zimbabwe trong việc thăm dò, khai thác mỏ bạch kim ở quốc gia miền Nam châu Phi này.

Tháng 8/2015, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga đã có những bước tiến tích cực trong việc tham gia thiết kế, xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân hiện đại tại Nam Phi và cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết, trị giá gần 100 tỷ USD, cho quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi để triển khai dự án quan trọng này.

Theo các chuyên gia quốc tế, hiện nay nguồn điện năng của Nam Phi vẫn chủ yếu dựa vào nhà máy nhiệt điện với nguồn nhiên liệu than đá, nên nước này đang rất cần hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng, nhất là điện hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Bộ Năng lượng vừa trình Quốc hội, Nam Phi dự kiến khởi công xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên vào năm 2016, nhưng quốc gia và công ty trúng thầu vẫn chưa được công bố.

Châu Phi hiện rất quan tâm đến vũ khí của Nga. Trong ảnh là một sĩ quan quân đội Nam Phi nghiên cứu thiết bị quân sự trưng bày tại triển lãm hàng không và quốc phòng châu Phi 2014 diễn ra tại Căn cứ không quân Waterkoof, ngoại ô phía nam thủ đô Pretoria, Nam Phi từ ngày 17 đến ngày 21/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngoài ra, Nga cũng đang trở thành nước cung cấp vũ khí quan trọng cho các nước Bắc Phi và Cận Sahara châu Phi. Các loại vũ khí của quốc gia châu Âu này đang có chiều hướng thay thế vũ khí của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vốn đã phổ biến tại thị trường rộng lớn này trong nhiều năm qua.

Hiện nay, các phân tích cho rằng vai trò của Mỹ tại châu Phi cũng đang suy giảm do nhiều nguyên nhân, nhất là trường hợp Mỹ từ chối bán cho Nigeria máy bay trực thăng tấn công Cobra vào năm 2014, và Nigeria phản ứng lại bằng cách tạm ngừng toàn bộ chương trình tập huấn quân sự song phương.

Đặc biệt, quốc gia Tây Phi này đã quay sang mua các thiết bị quân sự của Nga, trong đó có máy bay chiến đấu. Hiện nay, Nga đang thay thế Mỹ đào tạo, huấn luyện cho lực lượng đặc biệt của Nigeria.

Chuyên gia Steinberg nhấn mạnh rằng phương Tây, nhất là Mỹ, đang cố gắng làm giảm vai trò và ảnh hưởng của Nga vốn ngày càng lớn mạnh tại khu vực châu Phi rộng lớn, bởi chính sách trở lại Lục địa Đen là một chiến lược lâu dài, chứ không phải một chính sách mang tính ngắn hạn của Nga, nhất là trong tình hình thế giới đang rất phức tạp hiện nay.

TTK
Nga xóa nợ 20 tỷ USD cho châu Phi
Nga xóa nợ 20 tỷ USD cho châu Phi

Nga sẽ tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia nghèo mà không áp đặt các mô hình chính trị đối với những nước này. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 27/9 tại Hội nghị thượng đỉnh về chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển diễn ra ở New York (Mỹ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN